Các ngân hàng quyết liệt vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp
Thực hiện các giải pháp cấp bách của Chính phủ trong triển khai phòng, chống dịch COVID-19, NHNN đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giảm đồng thời các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh. Các giải pháp của ngành ngân hàng (NH) đã và đang được triển khai quyết liệt, bước đầu tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Trong thời gian qua, Vietcombank đã thực hiện nhiều gói vay ưu đãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Vũng Tàu. |
NGÂN HÀNG ĐỒNG LOẠT GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY
Sau hơn 2 tuần kể từ khi NHNN triển khai Thông tư 01/2020 hỗ trợ DN chịu thiệt hại bởi COVID-19, từ đầu tháng 4/2020 đến nay, nhiều NH bắt đầu đưa ra giải pháp cụ thể đến khách hàng như công bố các gói tín dụng hỗ trợ cũng như giảm mạnh lãi suất cho vay với mức giảm 2%, thậm chí có NH giảm tới 4,5%/năm. Điều này cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống NH trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, góp phần chung tay cùng cộng đồng khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bà Bùi Thị Thu Hà, Phó Giám đốc phụ trách Vietinbank, Chi nhánh BR-VT, cho biết: Thực hiện Thông tư 01/2020 của NHNN, từ 1/4 hệ thống Vietinbank tiếp tục triển khai chương trình tín dụng có quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất giảm đến 2%/năm so với các chương trình tín dụng đã triển khai trước thời điểm có dịch.
Trong khi đó, Agribank cũng dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Chương trình được áp dụng cho các khoản vay giải ngân đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng 100.000 tỷ đồng. Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại. Còn tại BIDV, ngày 2/4 cũng công bố giảm đến 2% lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cho cả dư nợ tín dụng hiện hữu và cả nhu cầu cho vay mới.
Làn sóng hỗ trợ DN vượt COVID-19 cũng được khối các NHTMCP hưởng ứng tích cực. Ông Nguyễn Gia Hồng, Giám đốc HDBank Vũng Tàu cho biết: HDBank cũng triển khai gói giảm lãi suất cho vay với mức từ 2-4,5%/năm, áp dụng cho các khách hàng cá nhân và DN siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19 mà không cần yêu cầu chứng minh khó khăn nào gặp phải.
Nhiều NH cũng công bố giảm lãi suất cho vay đến 2% cho khách hàng, như: VPBank, Nam A Bank, ACB...
Hiện nay, BIDV Chi nhánh BR-VT đang tiến hành khảo sát, đánh giá khách hàng, trên cơ sở đó để có những hỗ trợ cụ thể cho từng khách hàng cá nhân, DN. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch BIDV trên đường Nguyễn Thái Học, TP. Vũng Tàu. Ảnh: VÂN ANH. |
CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI KHÁCH HÀNG
Trên thực tế, không phải đến bây giờ các NH mới tung ra các gói cho vay ưu đãi để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Trước đó, thực hiện đề nghị của NHNN Chi nhánh BR-VT về việc đồng hành cùng DN, người dân tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng, các NH trên địa bàn tỉnh đã áp dụng các chính sách ưu đãi hỗ trợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng dịch COVID-19, như: Giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn. Có thể kể đến các NH, như: Viettinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, ACB, Techcombank, HDBank, Sacombank, Eximbank, Nam Á, Kiên Long, VPBank, Vietcapital, SHB, GPBank, OCB, NCB... đã quyết liệt vào cuộc, hưởng ứng các chương trình này. Ông Trần Thiên Trí, Phó Giám đốc NHNN, Chi nhánh BR-VT, cho biết: Hiện tại, dư nợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là 3,5 tỷ đồng đã thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo hướng dẫn của Hội sở.
Tính đến cuối quý I/2020, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh đạt 89.800 tỷ đồng, tăng 0,72% so với đầu năm (+638 tỷ đồng), tăng 0,91% so với tháng trước (+809 tỷ đồng).
Riêng chương trình kết nối NH - DN, tính đến cuối quý I/2020, tổng số tiền cam kết cho vay phát sinh từ đầu chương trình là 11.123 tỷ đồng, doanh số cho vay lũy kế từ đầu năm đạt 700 tỷ đồng (lũy kế từ đầu chương trình đạt 13.610 tỷ đồng) với 45 DN vay vốn, dư nợ đạt 6.300 tỷ đồng (20 DN còn dư nợ).
(Nguồn: NHNN Việt Nam, Chi nhánh BR-VT)
|
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc BIDV, Chi nhánh BR-VT thông tin thêm, BIDV luôn chia sẻ với những khó khăn của khách hàng gặp phải do dịch bệnh và đã triển khai nhiều hoạt động, chính sách hỗ trợ cụ thể, trong đó có gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân, gói tín dụng 20.000 tỷ đồng và 10 triệu USD cho khách hàng DN… Hiện nay, thực hiện chủ trương chung của BIDV, Chi nhánh BR-VT đang tiến hành khảo sát, đánh giá khách hàng, trên cơ sở đó để có sự hỗ trợ cụ thể cho từng khách hàng cá nhân, khách hàng DN.
Trong việc xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về giãn thuế, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng đề nghị các NH cũng thuộc đối tượng được thực hiện giãn thuế, giãn việc nộp thuế thu nhập DN vì các NH vừa qua tham gia rất trách nhiệm trong việc triển khai tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn. Do đó, cần được xem xét để giãn việc nộp thuế thu nhập DN, tạo cho NH có dòng tiền, có thanh khoản để hỗ trợ và tiếp tục cung ứng vốn cho nền kinh tế. Ngoài ra, Thống đốc Lê Minh Hưng kiến nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai nhanh việc cho vay hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách. |
Mới đây, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ diễn ra ngày 1/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá cao hoạt động của ngành NH, nhất là trong việc triển khai các giải pháp, chỉ đạo của Chính phủ trong việc phòng, chống dịch COVID-19, đã tích cực hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn, giải ngân kịp thời nhiều gói hỗ trợ, thực hiện giảm lãi suất cho vay, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, điều hành tốt chính sách tỷ giá… góp phần quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định đời sống nhân dân.
Ghi nhận ý kiến của các DN tại BR-VT cho thấy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc hỗ trợ tiếp cận vốn, thực thi các chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất hiệu quả hơn để giảm bớt khó khăn. Trong khi đó, theo các chuyên gia cho rằng, dịch COVID-19 đang tác động đến mọi mặt kinh tế - xã hội với những phản ứng dây chuyền. Do đó, không chỉ riêng ngành NH, Chính phủ cần có những giải pháp tổng thể mạnh mẽ hơn để kích thích nền kinh tế vực dậy ngay sau khi dịch được khống chế; từ đó, có thể hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của DN. Về phía các DN, các chuyên gia cũng cho rằng, cơ chế chính sách chỉ là hỗ trợ. Trên thực tế, trong thời điểm khó khăn này, các DN cần chủ động, sáng tạo hơn để tìm cơ hội thích ứng với bối cảnh mới, vượt qua thách thức bởi dịch COVID-19.
Bài, ảnh: PHAN HÀ