.

Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp

Cập nhật: 20:42, 02/04/2020 (GMT+7)

Từ đầu năm đến nay, lợi dụng thời điểm các cơ quan chức năng và chính quyền tập trung cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Do vậy, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thị trường, quản lý an ninh trật tự để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh trên địa bàn.

 Lực lượng Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh tại một nhà thuốc trên đường Bacu, TP.Vũng Tàu.
Lực lượng Đội QLTT số 2 - Cục QLTT tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh thuốc chữa bệnh tại một nhà thuốc trên đường Bacu, TP.Vũng Tàu.

SỐ VỤ VI PHẠM GIA TĂNG

Theo Ban Chỉ đạo 389/ĐP chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Chỉ tính riêng tháng 3, tháng cao điểm cả nước chung sức phòng, chống dịch COVID-19, nhưng qua công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, các lực lượng chức năng của tỉnh (Công an, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường…) đã phát hiện 185 vụ vi phạm trong hoạt động vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy… tăng 23 vụ so với cùng kỳ năm ngoái. 

Một số vụ việc điển hình đã được phát hiện, xử lý như: Ngày 19/3, Đội Quản lý thị trường số 2 (QLTT) - Cục QLTT tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng tự chọn trên đường Lý Tự Trọng, Phường 1, TP.Vũng Tàu, phát hiện cửa hàng này đang kinh doanh 888 khẩu trang các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cửa hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên. Vụ việc đang được xử lý theo quy định của pháp luật. 

Trước đó, Đội QLTT số 2 kiểm tra đột xuất kho chứa khí hóa lỏng LPG chai tại địa chỉ 34/1, Bắc Sơn, Phường 11, TP.Vũng Tàu đã phát hiện 158 chai LPG không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chủ kho không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số lượng hàng hóa trên và không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định. Cục QLTT tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 35 triệu đồng đối với chủ cơ sở về hành vi kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (ngành, nghề thuộc danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện) mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định, cùng với hành vi mua, bán, trao đổi, lưu giữ 158 chai LPG không thuộc sở hữu, đồng thời tịch thu toàn bộ số lượng chai LPG không rõ nguồn gốc xuất xứ trên.

Mới đây, qua tuần tra kiểm soát vùng biển thuộc phạm vi quản lý, lực lượng Phòng Trinh sát Hải đoàn 32 - Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 tiến hành kiểm tra tàu Như Quân 5, do ông Trương Minh Hội (trú tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) làm thuyền trưởng đang vận chuyển 25 ngàn lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Vụ việc đã được xử lý theo quy định pháp luật. 

Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra các mặt hàng vật tư y tế (nước sát khuẩn, khẩu trang) phòng chống dịch COVID-19 tại một cửa hàng ở Phường 1, TP.Vũng Tàu.
Cán bộ Đội QLTT số 2 kiểm tra các mặt hàng vật tư y tế (nước sát khuẩn, khẩu trang) phòng chống dịch COVID-19 tại một cửa hàng ở Phường 1, TP.Vũng Tàu.

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, KIỂM SOÁT THỊ TRƯỜNG

Theo ông Lê Quang Hải, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo 389/ĐP, hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành lân cận BR-VT nên tác động đến tâm lý người dân trong tỉnh. Đã có hiện tượng nhiều người dân mua tích trữ các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Dự báo giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ có biến động. Đây cũng là cơ hội để các đối tượng làm ăn phi pháp đẩy mạnh các hoạt động buôn lậu, vận chuyển buôn bán hàng cấm, hàng quá hạn sử dụng, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại khác.

Do đó, để ổn định cung - cầu thị trường, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo 389/ĐP đã yêu cầu các đơn vị có liên quan chủ động nắm tình hình, tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tập trung vào các mặt hàng thiết bị vật tư y tế, phục vụ chống dịch COVID-19. Địa bàn cần tập trung kiểm tra là các tuyến, điểm “nóng” về buôn lậu như các tuyến giao thông tiếp giáp liên tỉnh; khu vực chợ đầu mối, nơi tập trung kinh doanh và phân phối luồng hàng hóa; bến xe, bến tàu; khu trung tâm thương mại, siêu thị; khu công nghiệp tập trung; cơ sở sản xuất hàng hóa; vùng biển từ phao số “0”, khu vực cảng biển, cửa khẩu quốc tế.

Từ đầu năm đến nay, số vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, sản xuất hàng hóa, tội phạm ma túy do các cơ quan chức năng phát hiện 629 vụ/688 đối tượng, đã khởi tố 133 vụ/147 đối tượng, số vụ còn lại xử phạt hành chính và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 85 tỷ đồng.

Mặt khác, trong những tháng tới, Ban Chỉ đạo 389/ĐP và các thành viên sẽ chủ động hơn nữa trong công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom, hoặc lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe. “Trường hợp phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm, lực lượng kiểm tra sẽ chuyển ngay cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định pháp luật. Các DN, cơ sở kinh doanh và người dân thực hiện tốt đạo đức kinh doanh, phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, lưu thông hàng hóa”, ông Lê Quang Hải khuyến cáo.

Bài, ảnh: PHÚC MINH

 
.
.
.