.

Các DN vận tải nỗ lực duy trì hoạt động

Cập nhật: 20:06, 16/03/2020 (GMT+7)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các DN vận tải gặp nhiều khó khăn bởi người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc nơi đông người. Trước tình hình này, các DN đã và đang nỗ lực để duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Khách mua vé tại hãng xe Phương Trang.
Khách mua vé tại hãng xe Phương Trang.

CHẤP NHẬN BÙ LỖ 

Những ngày vừa qua, tàu cao tốc Côn Đảo Express 36 tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo vẫn hoạt động bình thường, nhưng trên mỗi chuyến tàu chỉ có chừng 30 hành khách/598 ghế. Trong đó, chủ yếu là người dân Côn Đảo đi lại để giao dịch hàng hóa hoặc về thăm gia đình. Ông Nguyễn Thanh Bình, đại diện Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc cho biết: 1 tuần trở lại đây, lượng khách giảm tới 90-95%. “Dù lượng khách giảm mạnh, nhưng từ ngày 16/3, thay vì chạy hàng ngày như trước thì DN vẫn cố gắng duy trì mỗi tuần 1 chuyến đi ra và 1 chuyến đi vào để phục vụ nhu cầu đi lại của bà con ở đảo. Với mỗi chuyến tàu như hiện nay, công ty phải bù lỗ từ 200-300 triệu đồng”, ông Bình nói.

Trong khi đó, các nhà xe tuyến vận tải Bắc Nam cũng chịu ảnh hưởng chung, đó là lượng khách giảm, buộc phải cắt giảm số chuyến. Bà Võ Minh Thu, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Minh Phúc cho biết: Từ cuối tháng 2 đến nay, những chuyến xe khởi hành từ Vũng Tàu đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại không khi nào đủ khách, có những chuyến chỉ có 5-6 người. DN có 8 xe nhưng hiện có 4 chiếc nằm bãi. Thế nhưng DN vẫn chấp nhận chịu lỗ để duy trì hoạt động và thay vì chạy hàng ngày như trước kia, DN buộc phải giảm xuống 2-3 ngày/chuyến.

Tương tự ở tuyến Vũng Tàu - TP.Hồ Chí Minh, các hãng xe như: Toàn Thắng, Hoa Mai, Mạnh Hà, Phương Trang và các hãng taxi, lượng khách giảm từ 50-70% nên DN chỉ còn cách cắt giảm bớt các chuyến xe. Ông Phạm Đoàn Đức Huy Cường, Giám đốc Chi nhánh Công ty vận tải Phương Trang tại Vũng Tàu cho biết, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp người dân hạn chế đi lại nên hiện Phương Trang chỉ còn chạy từ 10-15 chuyến/ngày, giảm 60% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ giảm về số chuyến mà lượng khách cũng giảm, có chuyến trên xe chỉ được 5-6 khách, thậm chí chiều từ TP.Hồ Chí Minh về Vũng Tàu không có khách nhưng DN vẫn phải điều động xe chạy để có xe đối lưu.

Nhân viên Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc kiểm tra thân nhiệt cho khách  trước khi lên tàu.
Nhân viên Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc kiểm tra thân nhiệt cho khách trước khi lên tàu.

TĂNG THÊM KHOẢN PHỤ CẤP CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Lượng khách giảm, không chỉ DN bị ảnh hưởng nặng nề mà kéo theo cuộc sống người lao động cũng khó khăn hơn. Trước tình thế đó, các DN đều cố gắng gồng gánh để chi trả đầy đủ lương cơ bản và có thêm các khoản phụ cấp cho người lao động. Theo ông Mai Xuân Hòa, Phó Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Ánh Dương (taxi VinaSun), để hỗ trợ người lao động trong thời điểm khó khăn, công ty cũng đưa ra nhiều chính sách  như: Công ty sẽ tăng tỷ lệ phần trăm, ví dụ như trước đây tài xế chạy đạt mức doanh thu theo quy định sẽ được hưởng 50% trên tổng số chuyến xe thì nay tăng lên 55%. Còn đối với các tài xế chạy theo hình thức khoán, thì công ty sẽ giảm mức khoán.

Cùng với các giải pháp vượt khó, để ứng phó với dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây lan, các DN vận tải đã chủ động triển khai thêm nhiều giải pháp phòng dịch COVID-19. Hơn 1 tuần nay, ngoài các giải pháp như phun xịt, khử trùng, đo kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu khách rửa tay sát khuẩn khi lên tàu, Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc còn có thêm quy định, chỉ nhận chở những hành khách khi họ đã có xác nhận đặt phòng từ các khách sạn, nhà nghỉ ở Côn Đảo. Đối với du khách nước ngoài, nhân viên sẽ kiểm tra visa để theo dõi các hành trình và sẽ từ chối chở nếu như họ chưa có thời gian cách ly đủ 14 ngày kể từ khi tới Việt Nam.

 Ông Dương Viết Tri, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện vận tải và người lái (Sở GT-VT) cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các Sở GT-VT chỉ đạo các DN vận tải, các bến tàu, bến xe phải có biện pháp tuyên truyền đến hành khách, phòng tránh lây lan dịch. Đồng thời, phải phối hợp với ngành y tế để thực hiện khử trùng tiêu độc, đặc biệt là những phương tiện đi qua vùng dịch như Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội... Sở GT-VT cũng đề nghị cho phép các đơn vị kinh doanh vận tải chủ động cắt giảm bớt số chuyến vận chuyển hành khách để giảm bớt thiệt hại.

Ông Lê Hữu Ánh, Giám đốc Công ty Du lịch vận tải Mạnh Hà cho biết, mặc dù gặp khó khăn, công ty vẫn yêu cầu đội ngũ lái xe thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch như: đeo khẩu trang trong quá trình làm việc, rửa tay sát khuẩn sau khi giao dịch với khách hàng, phát khẩu trang y tế miễn phí cho khách hàng... Qua đó, tạo niềm tin cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ của công ty, góp phần cải thiện doanh thu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch kinh doanh.

Bài, ảnh: THỤY NHIÊN

.
.
.