Không chủ quan, lơ là về dịch tả heo châu Phi
Đến thời điểm này, theo đánh giá của ngành chăn nuôi, dịch tả heo châu Phi cơ bản đã được kiểm soát. Nhiều tuần qua, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch mới. Tổng đàn heo cũng đã bắt đầu hồi phục, giá heo giảm nhẹ… Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Corona diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự tập trung nguồn lực để phòng chống, các địa phương càng không được chủ quan, lơ là với dịch tả heo châu Phi.
Ngành thú y khuyến cáo, dù dịch tả heo đã được kiểm soát, các địa phương, người chăn nuôi vẫn cần thận trọng, bảo đảm các biện pháp an toàn sinh học. Trong ảnh: Nông dân tại xã Bình Trung, huyện Châu Đức phun xịt khử trùng khu vực xung quanh chuồng trại chăn nuôi. |
TỔNG ĐÀN HEO ĐANG PHỤC HỒI NHANH
Sáng 7/2, tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, ngành thú y của xã nhận được tin báo của một hộ chăn nuôi là đàn heo có dấu hiệu mắc bệnh. Cụ thể, đàn heo sốt cao, bỏ ăn, lười vận động, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ và sau đó chết hàng loạt. Ngay lập tức, cán bộ thú y của xã, cùng với lực lượng dân quân đến trang trại chăn nuôi để lấy mẫu để Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh gửi mẫu đi xét nghiệm. Dù chưa có kết quả, nhưng để tránh việc chậm trễ khiến dịch bệnh lan rộng, lực lượng tại địa phương đã lựa chọn khu vực xa khu dân cư, khu vực chăn nuôi để tiêu hủy gần 20 con heo. Đây là một trong số ít trang trại có heo nghi nhiễm dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khẳng định, các trường hợp này đều được tiêu hủy, xử lý theo đúng quy trình. Chuồng trại có heo mắc bệnh và khu vực xung quanh cũng được tiêu độc, khử trùng để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tiêu hủy heo nghi nhiễm dịch tả châu Phi tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc vào sáng 6/2/2020. Ảnh: HỒNG TUẤN |
Cũng theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến thời điểm này, tổng số lượng heo bị nhiễm và phải tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi là gần 42 ngàn con. Từ cuối tháng 12/2019 đến 6/2/2020, BR-VT xuất hiện thêm rất ít ổ dịch mới, chủ yếu là các trại heo nhỏ, lẻ và đều được lực lượng thú y các địa phương xử lý kịp thời. Theo đánh giá, các địa phương, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh đã có kinh nghiệm và thực hiện công tác phòng chống dịch rất tốt. Cùng với việc bảo vệ được đàn heo, các DN, trang trại chăn nuôi đang bắt đầu tăng đàn theo quy trình.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Vài tháng qua, Bộ NN-PTNT đã khuyến cáo, hướng dẫn việc tăng đàn. Tính đến nay, tổng đàn heo của tỉnh là khoảng 340 ngàn con, tăng 40 ngàn con so với mức thấp kỷ lục vào tháng 11/2019. Đàn heo tăng nhanh chủ yếu nằm ở các trang trại của các DN lớn nhờ việc bảo đảm an toàn dịch bệnh; đồng thời, đàn heo giống của họ vẫn còn dồi dào nên việc tăng đàn được thực hiện khá thuận lợi”.
Còn tại các trang trại vừa và nhỏ, nhiều người chăn nuôi cũng đã tính tới chuyện tái đàn heo dù vẫn còn rất thận trọng. Ông Trần Thanh Tâm, xã Bình Ba, huyện Châu Đức có đàn heo hơn 50 con mắc bệnh và phải tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi vào tháng 9. Ông Tâm cho biết: “Chăn nuôi heo là trụ cột kinh tế của gia đình trong nhiều năm qua, việc đầu tư chuồng trại cũng tốn kha khá chi phí nên bỏ trống rất phí nên tôi đang có ý định tái đàn. Tuy nhiên, tôi được biết, virus gây dịch tả heo tồn tại rất lâu trong không khí nên hiện tại, đang có ý định mua khoảng 10 con heo giống để nuôi thăm dò. Nếu cảm thấy hiệu quả mới tăng đàn chậm trong thời gian tới. Cùng với đó, việc mua con giống bây giờ cũng không dễ dàng bởi các DN có xu hướng giữ nguồn cung để nuôi trong khi nguồn trong dân đã hết. Hiện, heo giống có giá hơn 3 triệu đồng/cặp nhưng rất khó mua được”.
Ông Lê Tĩnh, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức chăm sóc đàn heo của gia đình. |
“Những ngày qua, các địa phương của huyện đang huy động lực lượng để thực hiện công tác phòng chống dịch Corona. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp và các xã, thị trấn vẫn không chủ quan, lơ là công tác phòng chống dịch tả heo châu Phi. Các cán bộ thú y thường xuyên tới tận chuồng, trại vận động người chăn nuôi thực hiện tiêu độc, khử trùng, vệ sinh chuồng trại. Khi xuất hiện ổ dịch nhỏ, lẻ, lực lượng tại địa phương cũng luôn được huy động kịp thời để xử lý nhanh, không để dịch bệnh lây lan. Không chỉ đối phó với dịch tả heo châu Phi, ngành nông nghiệp huyện Châu Đức cũng đã lên phương án ứng phó, phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1 theo khuyến cáo của Bộ NN-PTNT”. Ông Đỗ Chí Khởi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức |
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc người chăn nuôi nhỏ lẻ, vẫn thận trọng, e dè và chỉ tăng đàn thăm dò cũng phù hợp với khuyến cáo của Bộ NN-PTNT.
THAY ĐỔI PHƯƠNG PHÁP CHĂN NUÔI
Việc kiểm soát được dịch bệnh là tín hiệu đáng mừng, giúp ngành chăn nuôi heo của tỉnh dần hồi phục. Tuy nhiên, theo ngành chăn nuôi, các địa phương và người chăn nuôi vẫn không được chủ quan bởi dịch tả heo châu Phi vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại do chưa có vắc xin phòng ngừa. Do đó, các địa phương, bà con nông dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học, thường xuyên ra quân đồng loạt dọn dẹp môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu vực lân cận. Đối với các trại nuôi có ý định tăng đàn, cần lựa chọn kỹ càng, chỉ nhập nguồn giống từ các cơ sở, DN uy tín và được kiểm tra để phát hiện mầm bệnh.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý tỉnh, dịch tả heo châu Phi gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi heo của tỉnh. Tuy nhiên, nó cũng đã đem lại một số điểm “tích cực”. Đó là việc nhiều người chăn nuôi đã thay đổi được tư duy, chủ động áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, phòng chống dịch bệnh. Cùng với đó, các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, không đáp ứng được nhu cầu cũng dần phải đào thải. Cụ thể, trước dịch bệnh, tỷ lệ heo trong các trang trại quy mô nhỏ, dưới 200 con của tỉnh lên đến trên 60% thì nay giảm chỉ còn chưa đến 50%. Điều này phù hợp với xu hướng phát triển của chăn nuôi hiện đại.
Giá heo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới
Trước và trong Tết Nguyên đán 2020, giá heo hơi không xảy ra hiện tượng tăng “sốc” trên 100 ngàn đồng/kg như dự đoán mà ở mức khá ổn định từ 80-84 ngàn đồng/kg. Ngay sau Tết, giá heo đã tiếp tục giảm nhẹ, hiện giữ ở mức 77-80 ngàn đồng/kg. Nguyên nhân chính của việc này là nhờ kiểm soát được dịch bệnh, tổng đàn tăng khiến nguồn cung đầy đủ. Theo dự báo, khi tổng đàn heo tăng nhanh, cộng với việc nhu cầu tiêu thụ giảm sau Tết, giá heo sẽ tiếp tục có xu hướng giảm trong vài tháng tới. |
Qua khảo sát, nhiều nông dân cũng đang tính đến phương án xây dựng các chuồng trại ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Bà Phạm Thị Tánh (thôn Quảng Giao, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức), người đang nuôi 2.000 con heo thịt, cho biết: “Thời gian qua, tôi nhận thấy các trang trại được đầu tư theo mô hình chuồng lạnh, khép kín đều rất an toàn dịch bệnh. Sau khoảng thời gian có lãi lớn nhờ giá heo tăng cao, hiện nay, gia đình tôi đã mạnh dạn bỏ ra 8 tỷ đồng để xây dựng trang trại theo mô hình chuồng lạnh khép kín”. Đây là tín hiệu tốt, để các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ, giúp người chăn nuôi tiếp cận được các công nghệ tiên tiến; đồng thời có được nguồn vốn ưu đãi khi muốn mở rộng mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo bà con nông dân, DN nên xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng năng suất, chất lượng và ổn định nguồn cung thịt heo để phát triển bền vững.
Bài, ảnh: QUANG VINH