EVFTA mở cơ hội xuất khẩu sang châu Âu
Nghị viện châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do VN và Liên minh châu Âu (EVFTA). Theo đó, hàng trăm dòng thuế xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu sẽ về mức 0%, nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung, BR-VT nói riêng sang thị trường này sẽ được hưởng lợi lớn. Phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương về một số vấn đề liên quan đến Hiệp định này.
Để tận dụng các lợi thế của Hiệp định EVFTA, các DN sắt thép, thủy sản cần khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu. Trong ảnh: Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. |
●Phóng viên: Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) gồm những nội dung chính nào, thưa bà?
- Bà Bùi Thị Dung: EVFTA là một Hiệp định toàn diện, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Hiệp định có các nội dung chính: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế.
Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Trong lĩnh vực Thương mại điện tử: hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử; cam kết hợp tác thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử…
● Hiệp định này đã được phê chuẩn, vậy các DN BR-VT cần phải làm gì để khắc phục khó khăn và tận dụng được cơ hội, thưa bà?
- Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội để hàng hóa của BR-VT hội nhập vào thị trường cao cấp. Rất nhiều mặt hàng thế mạnh của tỉnh có thể xuất khẩu hiệu quả vào các khu vực này như dệt may, giày dép, thủy hải sản… Và bằng chứng là hàng hóa xuất khẩu của tỉnh thời gian qua đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng và khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, trong đó có EU. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, đồng nghĩa với việc các DN xuất nhập khẩu sẽ được hưởng lợi về thuế quan khi xuất, nhập khẩu hàng hóa từ các nước này, bởi ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đây là cơ hội để DN nâng cao giá trị hàng hóa và có thể cạnh tranh được với hàng hóa cùng loại của các nước khác.
Tuy nhiên, để tận dụng được các lợi thế về thuế suất ưu đãi cũng như các lợi thế khác, các DN của tỉnh phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, rào cản kỹ thuật khắt khe của thị trường châu Âu. Trong khi đó, hiện nay các DN trong tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: chưa tận dụng hết các lợi thế từ việc tham gia các hiệp định FTA thế hệ mới trong việc đa dạng hóa bạn hàng thương mại, còn phụ thuộc vào một thị trường, một số DN chưa chủ động tìm hiểu thông tin, cam kết cụ thể trong Hiệp định này để có kế hoạch, chiến lược kinh doanh phù hợp.
Thêm nữa một số DN trong các lĩnh vực như thép, thủy sản vẫn phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Đây cũng là cơ sở để các thị trường nhập khẩu đưa ra các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng khắt khe hơn. Mặt khác, việc khó khăn trong tuyển dụng lao động, nhất là lao động phổ thông khiến DN khó mở rộng được sản xuất. Nếu khắc phục được các hạn chế này, DN xuất nhập khẩu của tỉnh sẽ tự tin vươn ra thị trường thế giới, trong đó có EU.
Để tận dụng các lợi thế của Hiệp định EVFTA, các DN sắt thép, thủy sản cần khắc phục khó khăn về nguồn nguyên liệu. Trong ảnh: Sản xuất thủy sản xuất khẩu tại Công ty Baseafood. |
● Một số mặt hàng xuất khẩu được hưởng lợi khi thuế xuất về 0%, nhưng cũng không ít nhóm ngành sẽ bất lợi khi hàng hóa EU tràn vào Việt Nam nói chung và BR-VT nói riêng cùng với việc EVFTA có hiệu lực. Sở Công thương có kịch bản nào ứng phó?
- Dưới góc độ của ngành Công thương, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP, xây dựng Đề án hỗ trợ DNNVV tham gia Hiệp định CPTPP và các Hiệp định FTA khác, trong đó phân tích nguyên nhân và đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ DN thích ứng và ứng phó với những thuận lợi cũng như bất lợi mà các FTA thế hệ mới nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng mang lại theo 2 giai đoạn. Ngành Công thương cũng đã đưa ra các nội dung, chương trình thiết thực nhằm hỗ trợ DN tận dụng một cách tối đa các lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại như: đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN trong hội nhập kinh tế quốc tế, phổ biến nội dung các hiệp định FTA, xây dựng cẩm nang hội nhập cho từng ngành, từng thị trường; triển khai chuyên trang tổng hợp về chính sách hỗ trợ DN trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; xây dựng cơ chế và kênh phản hồi chính sách cho DN… Đồng thời, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp cụ thể về cải cách hành chính, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn về thủ tục xuất khẩu; hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu.
● Xin cảm ơn bà!
ĐÔNG HIẾU (Thực hiện)