Hiệu quả kinh tế từ các mô hình tổ hợp tác
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Long Điền xuất hiện ngày càng nhiều các tổ hợp tác (THT) làm ăn có hiệu quả. Hoạt động của THT đã hỗ trợ các tổ viên về vốn, kỹ thuật sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền (bên phải) tham quan cơ sở kinh doanh cây kiểng của chị Nguyễn Thị Hạnh (thành viên THT sản xuất, kinh doanh cây kiểng Long Hải). |
Theo Phòng NN-PTNT huyện Long Điền, tính đến nay tại địa phương có 14 HTX và hơn 130 THT hoạt động trong các lĩnh vực: Nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; thương mại dịch vụ, du lịch... Mặc dù được hình thành với quy mô nhỏ, nhưng nhờ phương thức tổ chức điều hành quản lý gọn nhẹ, linh hoạt nên đa phần các THT làm ăn có lãi.
Được thành lập từ năm 2003, THT sản xuất, kinh doanh cây kiểng TT.Long Hải có 9 thành viên chuyên trồng, ươm và bán các loại cây kiểng, mai vàng, hoa lan, vạn niên tùng, nguyệt quế và một số cây quý hiếm khác… với tổng diện tích khoảng 5ha.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở khu phố Hải Điền, TT.Long Hải một trong những thành viên THT cho biết, gia đình chị đã làm nghề trồng cây cảnh từ 15 năm nay. Trước đây gia đình chị làm ăn nhỏ lẻ, chỉ trồng các loại cây ăn trái và mai vàng nhưng do chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc dẫn đến chất lượng và năng suất thấp. Từ khi vào THT, các thành viên được Hội Nông dân huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác các loại cây kiểng nên chị mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo doanh thu cao, từ thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm thì nay đã tăng lên 500 triệu đồng/năm.
Tương tự, THT trồng hoa lan ở xã An Nhứt có 22 thành viên, với tổng diện tích khoảng 3ha. Hoa lan của THT An Nhứt được thương lái tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh ưa chuộng vì lan đẹp, thơm và lâu tàn.
Với diện tích 2.500m2, ông Phạm Văn Hiền (Tổ trưởng THT), ở ấp An Đồng, xã An Nhứt đang trồng và chăm sóc trên 3.000 giò lan rừng quý hiếm như giả hạt, ngọc điểm… vườn hoa lan của ông có tổng giá trị gần 4 tỷ đồng, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 500 triệu đồng. Trong đó, có hơn 20 chậu lan ngọc điểm (khoảng 15 cây ngọc điểm/chậu) được kết dính trên gỗ lũa tự nhiên rất đẹp, trị giá từ 30-50 triệu đồng/chậu. Ngoài ra, ông Hiền cũng đang chăm sóc hơn 2.000 giò lan để chuẩn bị tung ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, với giá bán từ 150-250.000 đồng/giò lan (tùy loại lớn nhỏ).
Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các THT với các mô hình kinh tế hiệu quả như THT sản xuất lúa VietGAP (xã An Nhứt); THT chăn nuôi vịt (xã Tam Phước), THT khai thác hải sản (xã Phước Tỉnh), THT sản xuất bánh tráng (xã An Ngãi)…
Ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền cho biết: “Hoạt động của THT có hiệu quả là nhờ loại hình kinh tế này có ưu thế rõ rệt, phù hợp với yêu cầu phát triển đa dạng ngành nghề. Các THT hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự quyết định sự tồn tại và phát triển, không trông chờ ỷ lại vào nguồn vốn đầu tư của nhà nước. Các thành viên chủ động trao đổi, bàn bạc tìm hướng đi tối ưu nhất, mạnh dạn đầu tư vào việc phát triển sản xuất bằng nội lực. Hiện các THT đang thu hút gần 850 tổ viên, với doanh thu đạt từ 1,2-1,5 tỷ đồng/năm”.
Tuy nhiên, mô hình kinh tế này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định. Đó là đa số THT hiện nay gặp khó khăn trong giao dịch tín dụng để đầu tư phát triển ở quy mô lớn; chưa được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, vay vốn, thông tin thị trường… Do đó, tạo môi trường và cơ chế thuận lợi cho THT phát triển là vấn đề cần được các cấp, các ngành huyện Long Điền đặt ra trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
BÍCH NGỌC - VĂN PHƯỚC