.

"Thẻ vàng" làm thay đổi nhận thức về đánh bắt thủy sản

Cập nhật: 20:01, 29/10/2019 (GMT+7)

Chưa đầy một tuần nữa, đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ có chuyến kiểm tra công tác khắc phục tình trạng đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không được quản lý (IUU) tại Việt Nam. Ngành thủy sản, các cơ quan chức năng và DN trên địa bàn tỉnh đang gấp rút thực hiện theo các khuyến nghị của EC, tiến tới góp phần gỡ “thẻ vàng” trong xuất khẩu thủy sản.

Phân loại cá tại cảng Bến Đá, phường 5, TP. Vũng Tàu. Ảnh: NGÔ GIA
Phân loại cá tại cảng Bến Đá, phường 5, TP. Vũng Tàu. Ảnh: NGÔ GIA

NGHIÊM TÚC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH

Sáng 25/10, đoàn của Sở NN-PTNT tỉnh kiểm tra tại cảng Bến Đá, TP.Vũng Tàu. Ghi nhận thực tế cho thấy, cảng đã chấp hành thực hiện các quy định về công tác kiểm soát tàu cá cập cảng, rời cảng, việc ghi chép sổ sách, biểu mẫu, hồ sơ giấy tờ liên quan, thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy hải sản theo quy định. Chủ tàu cá, ngư dân đã chấp hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP. Ông Vũ Ngọc Linh, Trưởng Ban quản lý cảng Bến Đá cho biết, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ý thức ngư dân đã được nâng cao đáng kể. Khoảng vài tháng trở lại đây, khi các tàu cá cập cảng, đa số các chủ tàu đều chủ động, tự nguyện vào làm các thủ tục, hồ sơ xác nhận nguồn gốc thủy sản thay vì “lảng tránh” như trước đây.

Theo ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, “điểm nóng” trong đợt kiểm tra lần này của EC là công tác ghi nhật ký đánh bắt, khai báo, làm hồ sơ xác nhận nguồn gốc thủy sản. Cụ thể là thủy sản xuất khẩu sang thị trường này phải được làm rõ là xuất xứ từ quốc gia nào, đánh bắt ở vùng biển nào, do tàu nào đánh bắt và thuộc chủng loại nào. Do đó, ngay từ khi bị EU cảnh cáo “thẻ vàng” trong xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là sau khi Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, cơ quan chức năng đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm cải thiện vấn đề này, trong đó, chú trọng nhất đến công tác tuyên truyền và hướng dẫn các cảng, ngư dân thực hiện đúng, đầy đủ các thủ tục cập, rời cảng.

Đối với các DN xuất khẩu thủy sản, với mục tiêu gỡ thẻ vàng đã cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc, không thu mua hải sản của tàu cá đánh bắt bất hợp pháp, khai thác không có giấy phép, không có nhật ký và không báo cáo theo quy định, khai thác bằng ngư cụ bị cấm. Các DN cũng nói không với những loài hải sản quý hiếm, những sản phẩm đánh bắt có kích cỡ nhỏ hơn quy định... Theo ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, hiện nay, đa số các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu đều thực hiện tương đối tốt theo các khuyến nghị của EC. Các công ty đều có thủ tục truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xác nhận nguồn gốc nguyên liệu theo quy định.

Ngư dân tại cảng Bến Lội - Bình Châu, huyện Xuyên Mộc lấy cá từ khoang tàu sau chuyến đánh bắt. Ảnh: NGÔ GIA
Ngư dân tại cảng Bến Lội - Bình Châu, huyện Xuyên Mộc lấy cá từ khoang tàu sau chuyến đánh bắt. Ảnh: NGÔ GIA

QUYẾT LIỆT TRƯỚC “GIỜ G”

Qua đợt kiểm tra của cơ quan chức năng, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh đã yêu cầu các cảng cá, ngư dân, DN xuất khẩu thủy sản cần nhanh chóng cải thiện các vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, nhanh chóng hoàn thành các thủ tục xin cấp các giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, đồng thời có kế hoạch cụ thể để vệ sinh cảng. Theo nhận định, đây là một vấn đề “nhỏ mà lớn”, nếu để cảng cá nhếch nhác, có mùi hôi sẽ gây ấn tượng xấu với đoàn kiểm tra, khiến quá trình làm việc dễ trở nên không thuận lợi.

Đối với các DN chế biến, xuất khẩu thủy hải sản, cơ quan chức năng đề nghị tiếp tục rà soát, cập nhật và lưu trữ các văn bản, hồ sơ chứng nhận, xác nhận liên quan đến IUU ngay tại trụ sở, bên cạnh đó, bổ sung điều khoản về tuân thủ quy định liên quan đến IUU trong hợp đồng mua bán với đại lý cung cấp nguyên liệu. Khi giao dịch, cần kiểm tra đại lý về việc ghi chép hồ sơ truy xuất, hướng dẫn các cơ sở này thực hiện các nội dung liên quan như lưu trữ mẫu giấy xác nhận nguyên liệu khai thác, giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng, hợp đồng mua bán nguyên liệu…

Đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT kiểm tra công tác thực hiện ghi nhật ký đánh bắt, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng Bến Đá, TP.Vũng Tàu. Ảnh: NGÔ GIA
Đoàn kiểm tra của Sở NN-PTNT kiểm tra công tác thực hiện ghi nhật ký đánh bắt, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng Bến Đá, TP.Vũng Tàu. Ảnh: NGÔ GIA

Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh, thời gian qua, các biện pháp phòng, chống IUU không chỉ có mục đích đón tiếp đoàn EC, hướng tới xóa “thẻ vàng”, mà quan trọng hơn là để ngành đánh bắt thủy hải sản thực hiện đúng theo các quy định mới để hội nhập của Việt Nam. “Do đó, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh có văn bản nhắc nhở, quy định cụ thể thời gian phải khắc phục các tồn tại của cảng cá đã được chỉ ra, nếu không, có thể tiến tới kiến nghị đình chỉ hoạt động. Đối với các DN xuất khẩu, nếu vi phạm các quy định trong thu mua, xác nhận nguồn gốc thủy sản, cơ quan chức năng sẽ ngừng thực hiện các thủ tục chứng nhận để thủy sản có thể xuất khẩu. Ngoài các vấn đề về thủ tục, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xử lý mạnh tay các vấn nạn như các bến cá tự phát, các tàu cá không giấy phép hoạt động nghề giã cào “bay”. Về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, sở đang nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh phương án không chỉ xử lý các phương tiện vi phạm mà còn liên đới đến các tàu khác của cùng một ngư dân. Đặc biệt, đối với các tàu cá dài trên 24m chưa gắn thiết bị hành trình, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết không để rời cảng đi đánh bắt”, ông Trần Văn Cường cho biết thêm.

Nhằm thực hiện các khuyến nghị của EC, tỉnh đã tổ chức 42 lớp tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và 2 hội thảo về chống đánh bắt IUU cho cán bộ thủy sản, DN và bà con ngư dân; in ấn hơn 10.000 sổ nhật ký cho từng loại nghề khai thác; cấp phát hơn 10.000 tờ rơi cho các chủ tàu, thuyền trưởng; tổ chức cho ngư dân ký 6.000 bản cam kết không đưa tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp. Cơ quan chức năng cũng thành lập 6 Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng, đồng thời, tổ chức hơn 25 đợt tuần tra, kiểm soát trên biển. Nhờ những biện pháp trên, nhận thức của cán bộ quản lý địa phương, cộng đồng ngư dân và DN đã được nâng cao. Hiện đã có 806/2.898 tàu khai thác vùng khơi theo quy định đã lắp thiết bị thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh GPS, thiết bị giám sát hành trình.

Nhằm khắc phục cảnh báo thẻ vàng và chuẩn bị nội dung làm việc với Đoàn thanh tra của EC sẽ sang Việt Nam vào ngày 5/11, mới đây, tại buổi làm việc với các sở, ngành địa phương, ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, công tác tiếp đón Đoàn kiểm tra của EC lần này rất quan trọng, ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu thủy, hải sản toàn quốc chứ không riêng BR-VT. Do đó, các cơ quan chức năng cần thực hiện quyết liệt, rốt ráo để hoàn thành tốt công tác chuẩn bị, đáp ứng được các khuyến nghị của EC. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra công tác xác nhận nguồn gốc khai thác, lắp ráp máy định vị hành trình, việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cảng cá và các DN xuất nhập khẩu thủy, hải sản.

QUANG VINH

.
.
.