.
LIÊN KẾT SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

Thúc đẩy nền nông nghiệp hàng hóa bền vững

Cập nhật: 18:58, 27/10/2019 (GMT+7)

Những mô hình ứng dụng công nghệ cao đã mang đến diện mạo mới cho ngành nông nghiệp địa phương. Không chỉ giúp nông dân chủ động được mùa vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) còn mở ra mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong bao tiêu sản phẩm, tránh được căn bệnh trầm kha “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Ông Ngô Sỹ Long (trái) cùng kỹ thuật kiểm tra sự phát triển của dưa lưới.
Ông Ngô Sỹ Long (trái) cùng kỹ thuật kiểm tra sự phát triển của dưa lưới.

Chúng tôi đến thăm trang trại trồng dưa lưới của ông Ngô Sỹ Long (hẻm 163, Phước Thắng, phường 12, TP. Vũng Tàu) khi ông cùng kỹ thuật và nhân viên vừa kiểm tra xong hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel cho 2.500 gốc dưa lưới. Ông Ngô Sỹ Long cho biết, mô hình trồng dưa lưới của ông được Công ty Vifarm hỗ trợ đầu tư từ tháng 6/2019, trên khu đất rộng khoảng 4.000m2. Mô hình này sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, quy trình từ ươm giống, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch đều được quản lý, giám sát chặt chẽ. Những túi xơ dừa ươm giống được chuyển vào trồng trong khu nhà màng với hệ thống tưới nhỏ giọt được kéo đến từng gốc dưa. Sau 40 ngày, 2.500 gốc dưa lưới đầu tiên đã phát triển khá tốt và chỉ khoảng 30-35 ngày nữa cây sẽ cho thu hoạch, dự kiến sản lượng khoảng 3 tấn. Ngoài khu nhà màng hiện có, ông Long cho biết đang tiếp tục đầu tư 2 khu nhà màng với diện tích 2.000m2 nữa để trồng dưa và một số loại rau củ. Tổng kinh phí đầu tư cho 4.000m2 khoảng 1,8 tỷ đồng.

Theo ông Ngô Sỹ Long, mô hình được Công ty Vifarm hỗ trợ và đầu tư nhà màng, đồng thời hợp tác với Công ty Tiên Phong (TP. Hồ Chí Minh) để chuyển giao kỹ thuật. Công ty cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông trại với giá khoảng 30.000 đồng/kg loại 1. “Mục tiêu xa hơn của tôi là phát triển nông nghiệp theo hướng VietGAP, vì vậy, ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, mỗi công đoạn chăm sóc cây đều được kiểm soát nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP”, ông Long nói thêm.

Hiện nay, mô hình sản xuất NNCNC như mô hình của ông Ngô Sỹ Long phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV, trên địa bàn tỉnh đang có 42 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 2.811ha với các chủng loại gồm: Rau các loại, dưa, bưởi, tiêu, chuối, bơ, khoai lang, cây ăn quả… Sản lượng ước đạt 40.396 tấn/năm. Hầu hết các cơ sở đều áp dụng các công nghệ: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân; công nghệ thủy canh; công nghệ Aquaponics; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ từ xa…

Cụ thể, với sản xuất dưa lưới trong nhà màng, tưới tiết kiệm kết hợp bón phân cho năng suất 25-30 tấn/ha/lứa, tương đương với sản xuất đại trà. Với công nghệ này, lợi nhuận mang lại khoảng 3 tỷ đồng/năm/ha sau khi đã khấu trừ các chi phí. Còn với rau trồng trong nhà màng, năng suất đạt 10-11 tấn/ha/lứa, chỉ bằng khoảng 55-61% so với sản xuất thông thường, giá bán ổn định hơn (khoảng 20.000-30.000/kg) và cao hơn từ 100-300% so với giá bán của rau sản xuất theo tập quán.

Tính đến thời điểm này đã có 65 DN với 66 dự án đăng ký xin chủ trương đầu tư các dự án NNCNC với diện tích đất các nhà đầu tư đề nghị hơn 3.169ha. Bên cạnh đó, việc xây dựng 7 vùng NNCNC theo Đề án 04, tỉnh đã thực hiện khoanh vùng NNCNC, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, thủy lợi, đường giao thông nông thôn ở những khu vực còn thiếu. Riêng huyện Đất Đỏ đang trình duyệt xây dựng quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Phước Hội với diện tích 253ha. TP. Bà Rịa quy hoạch vùng phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 308ha trồng rau, hoa, cây ăn quả. Với mục tiêu này, dự kiến đến 2020 sẽ góp phần tăng giá trị sản xuất và thu nhập trên đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp gấp 1,3 lần; tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch được chứng nhận an toàn, chứng nhận VietGAP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ông Đặng Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Rau củ quả sạch công nghệ cao Vương Huy đã đầu tư mô hình trồng rau công nghệ cao theo phương pháp thủy canh trên địa bàn huyện Châu Đức cho biết, sau 2 năm đi vào hoạt động, Công ty Vương Huy đã sản xuất hơn 20 sản phẩm rau, củ, quả sạch đạt tiêu chuẩn (100% rau trồng bằng phương pháp thủy canh, bán thủy canh không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV), đã được ngành BVTV cấp chứng nhận sản phẩm rau, củ, quả sạch an toàn. Theo đó, mỗi m2 sản xuất rau theo phương pháp thủy canh cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với phương pháp sản xuất rau truyền thống. Nếu như so sánh với mô hình trồng rau bên ngoài có thể tỷ lệ hao hụt lên tới 80%, thì vườn rau công nghệ cao trong nhà kính có tỷ lệ hao hụt không đáng kể.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.