Cần gỡ khó cho xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) mở ra nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao. Tuy nhiên, một số người lao động (NLĐ) chưa mặn mà, trong khi nhiều lao động thuộc diện khó khăn muốn đi XKLĐ nhưng gặp khó vì chi phí lớn hoặc chưa đáp ứng về trình độ, năng lực, ngoại ngữ.
Người lao động được tư vấn thông tin tại Phiên giao dịch việc làm năm 2019. |
Tốt nghiệp Khoa Điện công nghiệp, Trường ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu, anh Bùi Văn Kiên (29 tuổi, phường 10, TP. Vũng Tàu) muốn đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản. Anh được người quen giới thiệu đến một đơn vị chuyên về XKLĐ tại Hà Nội với chi phí gần 200 triệu đồng. Gom góp, vay mượn khắp nơi mới đủ tiền đóng cho đơn vị tổ chức, nhưng cuối cùng anh không thể đi, bởi đơn vị này giới thiệu cho anh công việc lao động phổ thông và mức lương thấp. Sau đó, thông qua một người quen cũng đã đi XKLĐ tại Nhật Bản giới thiệu, anh cũng được sang Nhật làm việc. Anh Kiên cho biết: “Vì không có thông tin rõ ràng nên tôi đã mất trắng nhiều khoản chi phí trung gian nhưng vẫn không biết rõ bản thân phù hợp với thị trường nào. Theo tôi, việc tăng cường kết nối, đưa thông tin về thị trường XKLĐ uy tín từ các đơn vị là rất cần thiết. Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vay vốn để NLĐ có cơ hội đi XKLĐ”.
Bên cạnh đó, những hạn chế về kỹ năng, trình độ tay nghề, ngoại ngữ, mức lương thấp, trong khi chi phí cao là những rào cản khiến nhiều NLĐ không thể đi XKLĐ. Chị Nguyễn Minh Nguyệt (37 tuổi, ở TT. Long Hải, huyện Long Điền) cho biết, chị tốt nghiệp trung cấp y tế và có nhu cầu đi XKLĐ. Chị Nguyệt mong muốn làm nhân viên tư vấn tâm lý nhưng sau khi được đơn vị XKLĐ tư vấn, chị nhận thấy mình không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đơn vị tuyển dụng đưa ra. Chị Nguyệt chia sẻ: “Do không đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn nên đơn vị XKLĐ gợi ý tôi làm công việc khác như giúp việc gia đình. Song đây không phải nguyện vọng của mình nên tôi từ bỏ ý định XKLĐ”.
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, kết quả thực hiện XKLĐ của tỉnh hiện rất khiêm tốn. Mỗi năm toàn tỉnh chỉ có khoảng 120 người XKLĐ, nhưng chủ yếu bằng hình thức tự phát. Ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho rằng, hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân thị trường XKLĐ tại tỉnh chưa phát triển, NLĐ chưa mặn mà với XKLĐ, mức lương không cao, chưa hấp dẫn NLĐ. Đối với một số thị trường lớn, mức thu nhập cao đòi hỏi trình độ, năng lực, ngoại ngữ… cao thì NLĐ không đáp ứng được. Chưa kể, việc cho vay XKLĐ và thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ còn hạn chế do theo quy định, đối tượng thuộc diện hỗ trợ chỉ bao gồm: Thân nhân người có công với cách mạng, hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, dân tộc thiểu số. Vì thế, có những lao động muốn đi XKLĐ nhưng không có khả năng về tài chính và không thuộc đối tượng được vay vốn ưu đãi nên không thể ra nước ngoài làm việc.
Năm 2019, nhiều nước vẫn ưu tiên tuyển dụng lao động Việt Nam, mang đến cơ hội việc làm, thu nhập cho lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương. Tuy nhiên, khảo sát tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, chúng tôi nhận thấy NLĐ khá thờ ơ với thị trường XKLĐ. Ông Nguyễn Quế Sơn, Giám đốc Tuyển dụng Công ty CP Nhân lực và Dịch vụ Á Châu (AMASCO) cho biết, việc tuyển lao động đi XKLĐ tại BR-VT những năm qua gặp nhiều khó khăn. Hiện NLĐ đi XKLĐ chủ yếu là lao động phổ thông trong khi thị trường lao động thế giới ngày càng đòi hỏi cao và khắt khe về cả chất lượng lao động, trình độ ngoại ngữ, tinh thần trách nhiệm và tính chuẩn xác trong quá trình thực hiện hợp đồng nên khó đáp ứng.
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ để triển khai tốt mô hình gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu thị trường việc làm trong nước và XKLĐ trên phạm vi rộng. Tại BR-VT, để tăng hiệu quả XKLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đề xuất UBND các cấp tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác XKLĐ để nâng cao nhận thức của NLĐ. Tăng cường sự phối hợp, quan tâm của chính quyền địa phương, cơ quan ban ngành; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đủ tư cách pháp nhân, có uy tín thực hiện công tác tuyên truyền và tuyển lao động ra nước ngoài làm việc theo quy định. “Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ tổ chức nhiều buổi gặp gỡ, trao đổi thông tin về XKLĐ tại các địa phương để NLĐ nắm bắt. Ngoài ra, trung tâm sẽ đánh giá thực sự nhu cầu XKLĐ trên địa bàn tỉnh để có giải pháp đẩy mạnh hoạt động XKLĐ cũng như đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng cơ chế phù hợp”, ông Việt nói.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN