Dịch tả heo Châu Phi: Trong thách thức vẫn có nhiều cơ hội
Thời gian qua, dịch tả heo châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề và hiện là thách thức lớn cho ngành chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, nếu áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, bảo vệ được đàn heo, các trang trại sẽ thu lãi lớn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để toàn ngành chăn nuôi tái cơ cấu phù hợp với xu thế phát triển bền vững.
Các chuyên gia nhận định, nếu áp dụng các biện pháp sinh học, bảo vệ được đàn heo, người chăn nuôi sẽ thu lợi lớn. Trong ảnh: Chăm sóc đàn heo tại trại của ông Lê Tĩnh (xã Đá Bạc, huyện Châu Đức). |
Bảo đảm an toàn để “thắng” lớn
Ông Trần Thanh Tài (xã Cù Bị, huyện Châu Đức) là một trong những hộ nông dân thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và đang bảo vệ được đàn heo trong bão dịch. Ông Tài cho biết, ngay sau khi có thông tin tỉnh xuất hiện dịch tả heo châu Phi, ông đã thực hiện phun, xịt khử trùng chuồng trại và xung quanh khu vực nuôi. Đồng thời, các phương tiện vận chuyển, con người, thậm chí là những vật dụng nhỏ khi được đem ra vào chuồng heo đều được khử trùng kỹ lưỡng. “Tôi hoàn toàn sử dụng cám công nghiệp thay vì tận dụng một phần thức ăn thừa như trước đây; đồng thời, phun xịt và giăng lưới để hạn chế ruồi, muỗi, các loại côn trùng khác vào trại. Vừa qua, tôi đã xuất bán 40 con heo thịt trong bão dịch với giá 40 ngàn đồng/kg, thu lãi 500-600 ngàn đồng/con. Tôi dự kiến sẽ tiếp tục nhập heo hậu bị để nuôi trong thời gian tới bởi tin tưởng vào quy trình an toàn sinh học của mình sẽ bảo đảm được an toàn cho đàn heo, từ đó “thắng” lớn khi giá heo được dự báo sẽ tăng cao trong thời gian tới”, ông Tài thông tin thêm.
Còn theo ông Võ Gia Tân, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Xuyên Mộc, địa phương là nơi tập trung nhiều trang trại nuôi heo có quy mô lớn. So với trại quy mô nhỏ, hộ gia đình, quy trình bảo đảm an toàn sinh học được các trang trại này thực hiện nghiêm ngặt hơn nhiều. Các trang trại lớn đều thực hiện quy trình “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Công nhân gần như ở lại khu vực nuôi. Sau thời gian nghỉ, vào lại trang trại đều phải ở khu khử trùng cách ly 1-3 ngày. Không chỉ thức ăn của heo, thức ăn của công nhân, người lao động cũng được kiểm soát kỹ lưỡng. Quy trình mua bán, vận chuyển heo cũng rất chặt chẽ, phương tiện thu mua được khử trùng toàn bộ. Thương lái cũng chọn mua heo qua hệ thống camera chứ không vào trực tiếp, gây nguy cơ lây lan mầm bệnh như trước đây. Nhờ những biện pháp trên, dịch tả heo châu Phi chưa xuất hiện nhiều tại các trại lớn, gây nguy cơ thiệt hại nặng nề trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. Vì vậy, dù đang trong lúc dịch bệnh phức tạp, các hộ, trang trại bảo đảm an toàn sinh học vẫn có thể tái đàn để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đồng thời thu lãi cao khi giá heo được dự báo sẽ tăng cao dịp cuối năm.
Tái cơ cấu ngành chăn nuôi để phát triển bền vững
Còn theo ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài việc giúp người chăn nuôi nêu cao ý thức trong áp dụng các biện pháp sinh học để bảo đảm an toàn cho đàn heo, nhất là ở thời điểm này, khi dịch tả heo châu Phi đang bùng phát và lan rộng, còn mang lại cơ hội phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi. Bởi dịch bệnh “giúp” tăng tỷ trọng chăn nuôi quy mô lớn so với quy mô nhỏ và giúp tăng đàn gia cầm, giảm đàn heo (phù hợp với quy hoạch phát triển của tỉnh). Ông Sỹ cho biết, sau cơn “bão” giá heo năm 2017, heo nuôi trong các trại quy mô nhỏ giảm từ 40% xuống 30-32% tổng đàn. Đến nay, tỷ lệ này còn tiếp tục giảm sâu do một số trại heo không bảo đảm an toàn sinh học nên đã “tự đào thải”. Theo nhận định, đây là chuyển biến tốt, bởi các DN lớn có hợp đồng tiêu thụ ổn định nên không gặp rủi ro về giá cả. Các tiêu chí về chăm sóc, dịch bệnh, bảo vệ môi trường cũng được quản lý chặt chẽ hơn. “Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng đã khiến tổng đàn heo giảm 40-50 ngàn con so với trước dịch. Hiện nay, tổng đàn chỉ còn gần 400 ngàn con, vừa đúng bằng quy hoạch phát triển của tỉnh. Đồng thời, do nhận định việc thiếu nguồn cung heo sẽ tăng nhu cầu các loại thịt khác, nhất là gia cầm nên nhiều trang trại đã đầu tư tăng đàn loại động vật này. Hiện tổng đàn gia cầm đã ở mức trên 5,4 triệu con, tăng 300 ngàn con so với vài tháng trước và được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên. Điều này cũng phù hợp với định hướng của ngành nông nghiệp, theo quy hoạch tổng đàn gia cầm của BR-VT ở mức 7 triệu con là phù hợp”, ông Sỹ thông tin.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, chuyên gia và một số người chăn nuôi có kinh nghiệm, việc tăng đàn gia cầm nhanh chóng sẽ đem lại một số nguy cơ. Do đó, người chăn nuôi cần chú ý đến một số vấn đề khi tăng đàn. Trước hết là vấn đề con giống. Việc tăng đàn nhanh chóng khiến nhu cầu con giống tăng cao, việc kiểm soát chất lượng sẽ trở nên khó khăn. Bà con cần lựa chọn con giống ở cơ sở uy tín, có giấy chứng nhận nguồn gốc, kiểm dịch để bảo đảm an toàn. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, hiện nay đã có xu hướng chuyển từ chăn nuôi heo sang nuôi các loại gia cầm. Điều này cũng phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, nông dân không nên ồ ạt chuyển đổi mà phải tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh trước khi quyết định chuyển đổi. Bên cạnh đó, cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững.
Bài, ảnh: PHÚ XUÂN