.

Tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp chậm

Cập nhật: 19:14, 12/08/2019 (GMT+7)

Thời gian gần đây, tiến độ xây dựng các CCN đã được cải thiện, phục vụ nhu cầu cấp bách di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ở khu dân cư. Tuy nhiên, xét theo quy hoạch tổng thể, tiến độ đầu tư các CCN còn nhiều khó khăn.

Đến nay CCN Hòa Long đã hoàn thành 97% hạ tầng.
Đến nay CCN Hòa Long đã hoàn thành 97% hạ tầng.

ĐẨY NHANH THI CÔNG CÁC DỰ ÁN CẤP BÁCH

Tại CCN Hòa Long (TP.Bà Rịa), các đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thiện trạm xử lý nước thải 750m3, một trong những hạng mục cuối cùng, để kịp bàn giao cho đơn vị quản lý vận hành và khai thác vào quý III/2019. Hiện khối lượng thi công các hạng mục đã đạt 97%, hệ thống cấp điện, nước, thoát nước, san nền, tường chắn, đường giao thông, cây xanh đã hoàn thiện.

Được thành lập với mục đích phục vụ việc di dời cơ sở chế biến hải sản ở các huyện Đất Đỏ, Xuyên Mộc và xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ), đến nay 2 CCN chế biến hải sản tập trung Lộc An (huyện Đất Đỏ) và CCN chế biến hải sản Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) cũng đang dần hoàn thiện.

Ông Đồng Nhật Bình, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đất Đỏ cho biết, đến nay, dự án CCN chế biến hải sản tập trung xã Lộc An (huyện Đất Đỏ) đã hoàn thành khoảng 95% khối lượng công việc. Dự kiến đến tháng 12/2019 công trình sẽ hoàn thành và có thể bàn giao cho Công ty Đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 (gọi tắt là Công ty IZICO), đơn vị quản lý và khai thác hạ tầng. Tương tự, CCN chế biến hải sản Bình Châu có quy mô 22,5ha, hiện đã hoàn thành 100% khối lượng công việc. Hiện UBND huyện Xuyên Mộc đã xây dựng phương án bố trí cho 63 cơ sở chế biến hải sản di dời vào khu chế biến hải sản tập trung.

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN QUY HOẠCH TỔNG THỂ CHẬM

Theo quy hoạch phát triển các CCN của tỉnh giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 16 CCN. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 5 CCN đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy còn thấp, đạt 23%. Nguyên nhân chủ yếu là do các chủ đầu tư hạ tầng CCN gặp khó khăn về tài chính và công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc. Đơn cử CCN Phước Thắng được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch vào tháng 11/2016 và giao cho UBND TP.Vũng Tàu làm chủ đầu tư, mục đích của dự án này để phục vụ việc di dời 351 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trên địa bàn TP.Vũng Tàu. Để bảo đảm tính khả thi của dự án, UBND TP.Vũng Tàu kiến nghị phân dự án thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2016-2020) sẽ đầu tư 15,9ha hạ tầng kỹ thuật, vốn đầu tư 542,8 tỷ đồng, phục vụ di dời 89 cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm; giai đoạn 2 (2021-2025) đầu tư 23,5ha hạ tầng kỹ thuật. Năm 2019, CCN Phước Thắng đã được bố trí 122 tỷ đồng để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhưng đến thời điểm này dự án CCN Phước Thắng mới thực hiện công tác kiểm kê, lập phương án hỗ trợ bồi thường khu vực 11ha đất vùng lõi có nguồn gốc từ tập đoàn muối. Trong vùng đất dự án còn nhiều công trình nhà ở kiên cố nên UBND TP.Vũng Tàu đang tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Để gỡ khó cho các CCN, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (Nghị định 68) của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN được ban hành, được kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt trong phát triển CCN. Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương, việc xây dựng quy chế phối hợp quản lý CCN theo Nghị định 68 khó thực hiện và còn chồng chéo với các quy định khác. Chẳng hạn, đối với DN đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công thương được giao làm đầu mối phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết các thủ tục đầu tư cho DN. Trong khi đó, theo quy định tại một số Luật như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, các thủ tục này lại do các Sở như KH-ĐT, Xây dựng... giải quyết. Việc ưu đãi cho CCN theo Nghị định 68 cũng khó triển khai do chưa có văn bản hướng dẫn. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển các CCN và tạo lực hấp dẫn nhà đầu tư thứ cấp, các bộ, ngành cần sớm tháo gỡ các vướng mắc nêu trên.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.