Nhiều loại dịch bệnh tấn công cây trồng
Nhiều luống rau phải nhổ bỏ, vườn tiêu chết trắng, cây ăn trái bị nhiễm bệnh… Đó là những hậu quả nặng nề mà các loại dịch bệnh thường gặp vào mùa mưa đang gây ra cho người nông dân.
Vườn húng quế của gia đình bà Nguyễn Thị Thơm (thôn Đông Hải, xã Tân Hải) đã đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không mua vì bị bệnh sâu cuốn lá. |
Hiện đang là cao điểm của mùa mưa, một số loại bệnh như nấm, sâu keo, rầy nâu, đạo ôn, các loại bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây lâu năm, khám lá… dễ dàng tấn công cây trồng khiến người nông dân vô cùng lo lắng.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, từ đầu năm 2019 đến nay, đã có hơn 176ha hồ tiêu bị bệnh chết chậm, tập trung tại một số huyện như Châu Đức, Xuyên Mộc và TX. Phú Mỹ. 30ha khoai mì bị nhiễm bệnh khám lá, buộc người dân phải tiêu hủy. Hơn 100ha lúa bị các bệnh như đạo ôn, sâu cuốn lá... Ngoài ra, nhiều vườn nhãn, bưởi, chuối tại huyện Châu Đức, TP.Bà Rịa cũng bị vàng lá thối rễ, rệp sáp, chổi rồng…
Ông Đình Văn Bảng (ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức) cho biết: Gia đình có hơn 6ha diện tích trồng tiêu, tuy nhiên, hiện nay gần 1/3 diện tích đang lụi dần vì bệnh chết chậm. Do giá tiêu vài năm gần đây luôn ở mức thấp, gia đình không còn vốn để đầu tư, cây tiêu không được chăm sóc khiến dịch bệnh càng phát triển nhanh. Gia đình vừa phá bỏ đi hơn 150 gốc bị chết không còn khả năng phát triển, thiệt hại khoảng hơn 7-8 triệu đồng/vụ. Tại địa phương nhiều hộ trồng tiêu cũng nản chí, phó mặc không quan tâm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây, khiến cây tiêu bị chết nhiều, do vậy diện tích trồng tiêu cũng giảm đáng kể.
Gần 500m2 hành của gia đình ông Nguyễn Quang Thiêm (thôn Láng Cát, xã Tân Hải) phải nhổ bỏ do bị sâu bệnh. |
Tương tự, gia đình bà Đậu Thị Phúc (khu phố 2, ấp Bàu Ngứa, xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc) cho biết: 2 tháng trước gia đình đầu tư gần 12 triệu trồng để trồng hơn 5ha khoai mì xen canh bắp. Thế nhưng vừa qua bệnh sâu keo tấn công vườn bắp rồi lây lan sang cả khoai mì. Vườn bắp thì đã mất trắng rồi, chỉ trông chờ vào vụ khoai mì tới. “Dịch bệnh mới lây lan rất nhanh. Chúng tôi vô cùng lo lắng” bà Phúc chia sẻ.
Trong khi đó, hơn 60% số hộ nông dân trồng rau tại xã Tân Hải (TX.Phú Mỹ) đang phải chống chọi với bệnh nấm nổ dọc, sâu trên các loại rau ăn lá như: cải ngọt, xà lách, hành, mướp hay rau húng quế… 40ha rau tại xã Tân Hải gần như phải nhổ bỏ do bị bệnh, thương lái không thu mua, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho nông dân. Gia đình ông Nguyễn Quang Thiêm (thôn Láng Cát, xã Tân Hải) vừa nhổ bỏ gần 500m2 hành vì bị bệnh nấm nổ dọc. “Cả vụ mùa gần như mất trắng, cứ gần đến vụ thu hoạch, mưa xuống sâu bệnh sinh sôi và phát triển nhanh khiến hành bị nấm và thối nhũn. Thương lái họ chê không thu mua nên chúng tôi đành phải nhổ bỏ. Gia đình tôi ước tính thiệt hại khoảng 60-70 triệu đồng”, ông Thiêm cho biết.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 58.000ha diện tích trồng cây lâu năm. Trong đó, có hơn 7.500ha diện tích cây ăn quả, gần 9.000ha diện tích trồng điều, hơn 13.000ha diện tích trồng tiêu và hơn 22.000ha trồng cây cao su. Tổng diện tích cây hàng năm đạt gần 60.000ha. Trong đó, diện tích trồng lúa chiếm khoảng 25.000ha, rau các loại 10.000ha, các loại cây có hạt khoảng 13.500ha, cây gia vị và dược liệu gần 95ha. |
Theo ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, do đang là mùa mưa nên dịch bệnh lây lan với tốc độ nhanh. Trước tình hình này, Chi cục đã có nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ nông dân trong công tác phòng trừ dịch bệnh. Trong đó, chú trọng hướng dẫn người dân cách tiêu hủy an toàn, ngăn chặn khả năng lây lan.
Bài, ảnh: KIM HỒNG