.

Ngân hàng giảm lãi suất, sẵn sàng "bơm vốn" cho DN

Cập nhật: 21:01, 04/08/2019 (GMT+7)

Từ đầu tháng 8, một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay, đồng thời tung ra nhiều gói tín dụng hỗ trợ DN. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực mới cho DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm.

NHIỀU NGÂN HÀNG NHẬP CUỘC GIẢM LÃI SUẤT

Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank, Chi nhánh BR-VT cho biết, từ ngày 1-8-2019, Vietinbank giảm thêm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên khuyến khích phát triển. Các đối tượng khách hàng được ưu tiên là DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; DN xuất nhập khẩu; DNNVV tham gia các chuỗi liên kết; DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; DN khởi nghiệp có phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi. “Với việc giảm lãi suất lần này, Vietinbank tin tưởng tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và người dân, từ đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Lợi cho hay.

Ngoài Vietinbank, 3 NHTM nhà nước là Vietcombank, BIDV và Agribank cũng thông báo giảm lãi suất từ ngày 1/8. Theo đó, tại Vietcombank, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên còn 5,5%/năm, giảm 1%/năm so với mức áp dụng hồi đầu năm. Việc giảm lãi suất lần này được Vietcombank triển khai trên phạm vi rộng. Hiện các lĩnh vực này chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay ngắn hạn tại Vietcombank… BIDV cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay với khách hàng có phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  Agribank giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Mức lãi suất hiện thấp hơn 0,75-1% so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Đây là đợt giảm lãi suất cho vay thứ hai trong năm nay của các NHTM Nhà nước, đưa lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống tối đa là 5,5%/năm, thấp hơn 1% so với quy định của NHNN. Theo lãnh đạo các ngân hàng, đợt giảm lãi suất lần này được thực hiện đến hết năm nay.

Đáng chú ý là trong lần giảm này, các NHTMCP tư nhân cũng nhanh chóng nhập cuộc. Chẳng hạn, VPBank cũng  giảm 1% lãi suất vay tín chấp và 0,5% với các khoản vay đảm bảo kỳ hạn ngắn cho DNNVV (SME). Thời gian ưu đãi cũng từ 1/9 đến cuối năm 2019. Techcombank cũng áp dụng ưu đãi lãi suất vay ngắn hạn cho DNNVV với mức giảm 0,5% so với hiện nay. Như vậy, sau khi hạ lại suất, mức lãi suất cho vay mới của ngân hàng này bình quân khoảng 7,5%/năm.

Việc giảm lãi suất lần này, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên tại Vietcombank chỉ còn 5,5%/năm. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank, Chi nhánh BR- VT.
Việc giảm lãi suất lần này, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên tại Vietcombank chỉ còn 5,5%/năm. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại Vietcombank, Chi nhánh BR- VT.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DN TIẾP CẬN NGUỒN VỐN

Theo phản ánh của các ngân hàng, hiện nay, nguồn vốn cho vay tại các ngân hàng rất dồi dào, chỉ chiếm 2/3 nguồn vốn huy động. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT cũng cho biết:  Tính đến cuối tháng 7/2019, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đạt 138.900 tỷ đồng, trong khi đó, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 81.100 tỷ đồng.  Do đó, không chỉ giảm lãi suất cho vay ở lĩnh vực sản xuất ưu tiên, một số ngân hàng còn tung ra các gói vay để hỗ trợ DN, tạo điều kiện DN tiếp cận vốn. Chẳng hạn như BIDV đang triển khai 2 gói tín dụng với quy mô lên tới 70.000 tỷ đồng,  lãi suất giảm 0,5%/năm so với hiện nay. Trong đó, gói tín dụng dành cho DNNVV với quy mô 60.000 tỷ đồng; gói tín dụng ngắn hạn dành cho DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp với quy mô 10.000 tỷ đồng. ACB cũng tung ra gói tín dụng cho DNNVV  với 3.000 tỷ đồng, áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm…

Việc hạ lãi suất của các ngân hàng sẽ tạo hiệu ứng tích cực đến mặt bằng lãi suất trên thị trường. Vì các ngân hàng muốn cạnh tranh, giữ chân khách hàng phải có mức lãi suất phù hợp. Tuy nhiên, mức độ giảm bao nhiêu, kỳ hạn nào tùy thuộc vào năng lực tài chính của từng ngân hàng. Nhưng chắc chắn dòng vốn rẻ sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2019 và những năm tới theo đúng định hướng của Chính phủ và NHNN. Tuy nhiên, theo quan điểm của NHNN, có thể giảm lãi suất cho vay ngắn hạn để hỗ trợ tăng trưởng và các DN, nhưng chính sách sẽ vẫn linh hoạt và thận trọng, tránh tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô.

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.