.

Kết nối để ươm mầm khởi nghiệp

Cập nhật: 19:26, 20/08/2019 (GMT+7)

Mỗi năm BR-VT thu hút hơn 13,5 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Nguồn khách trên là thị trường tiêu thụ lớn các sản phẩm sản xuất tại địa phương, nhất là những thương hiệu sản phẩm mới hình thành từ phong trào khởi nghiệp. Do vậy, việc kết nối với hệ thống resort, khách sạn và các điểm du lịch là một lợi thế lớn để sản phẩm có thể tiếp cận trực tiếp với khách hàng.

Nhân viên khách sạn Pullman trưng bày chocolate Baria để bán cho khách.
Nhân viên khách sạn Pullman trưng bày chocolate Baria để bán cho khách.

MANH NHA MỘT SỐ SẢN PHẨM

Hơn 1 năm nay, sản phẩm cà phê Nón Lá của Công ty TNHH SX và XNK Nón Lá (207, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) có thêm một khách hàng lớn thuộc lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, đó là chuỗi khách sạn thuộc hệ thống OSC Việt Nam. Hiện mỗi tháng, cà phê Nón Lá cung cấp gần 200kg cà phê hòa tan, cà phê hạt và bột cho các khách sạn thuộc OSC Việt Nam. Theo ông Thái Hồng Cương, Tổng Giám đốc OSC Việt Nam, trước đó, OSC Việt Nam đã chọn các dòng sản phẩm của cà phê Nón Lá cung cấp cho các giàn khoan dầu khí. Nhận thấy chất lượng, các tiêu chí về ATVSTP, bao bì, mẫu mã của thương hiệu cà phê trên phù hợp với tiêu chuẩn dịch vụ tại hệ thống khách sạn 3-4 sao, nên từ năm 2018 OSC Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng mua các chủng loại cà phê Nón Lá đưa vào phục vụ khách du lịch tại cụm khách sạn Grand-Palace, Rex, khu dịch vụ Dầu khí Lam Sơn.

Tại khách sạn Pullman từ tháng 6 đến nay cứ đều đặn 2 tuần 1 lần, tủ trưng bày và bán chocolate Baria lại được bổ sung thêm sản phẩm mới. Với cách bài trí duyên dáng, từng thanh chocolate bọc trong lớp giấy trắng sữa, nâu hoặc xanh lá xen giữa những hộp quà cột nơ xinh xắn, chiếc tủ bày bán chocolate đặt ngay cạnh lối ra vào khách sạn luôn gây chú ý với khách. Đại diện khách sạn Pullman cho biết, khách nước ngoài khi rời khách sạn gần như ai cũng mua về làm quà. Từ những ngày đầu doanh thu chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, hiện nay tăng lên hơn 10 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Chim Lang, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Vũng Tàu cho biết, sau 6 năm nghiên cứu, chế tạo, tiếp thị chocolate, đầu năm 2019, công ty bắt đầu có sản phẩm bán ra thị trường. Ngoài phân phối vào hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ cả nước, công ty xác định đưa vào hệ thống khách sạn nhằm mục đích giới thiệu cho du khách, người tiêu dùng làm quen dần với sản phẩm chocolate mang thương hiệu BR-VT. Ngoài khách sạn Pullman, sản phẩm Baria chocolate của công ty đang được bày bán tại Vietsovpetro Resort, The Grand - Hồ Tràm Strip, Marina Bay Vũng Tàu, cà phê Mộc Lâm… “Lượng tiêu thụ dù chưa nhiều, nhưng duy trì ổn định và có xu hướng tăng dần. Chúng tôi đang tiếp tục chú trọng khâu quảng bá, tiếp cận chuỗi hệ thống khách sạn, khách du lịch trong và ngoài nước qua các hội chợ triển lãm chuyên ngành du lịch, công thương để đưa sản phẩm Baria chocolate đến được nhiều khách hàng hơn”, bà Chim Lang cho biết.

Cà phê Nón Lá hiện đã được các khách sạn thuộc OSC Việt Nam sử dụng. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH SX và XNK Nón Lá (207, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) rang và làm nguội cà phê sau rang.
Cà phê Nón Lá hiện đã được các khách sạn thuộc OSC Việt Nam sử dụng. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH SX và XNK Nón Lá (207, thôn Chu Hải, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) rang và làm nguội cà phê sau rang.

NHƯNG KHÔNG DỄ TIẾP CẬN KHÁCH HÀNG

Thống kê từ ngành công thương cho thấy, các sản phẩm khởi nghiệp của BR-VT có thể cung ứng vào ngành du lịch dịch vụ rất đa dạng, gồm: rau củ quả; thực phẩm dưỡng thể hữu cơ; tinh dầu; vật dụng trang trí làm từ chất liệu thân thiện môi trường như: ống hút giấy, ống hút bằng bột gạo, túi xách giấy… BR-VT có hơn 1.100 khách sạn, resort và rất nhiều căn hộ, biệt thự cho thuê nằm rải rác trong nhân dân. Trên địa bàn cũng có chuỗi nhà hàng, quán ăn, giải khát phân bố khắp các vùng du lịch. Đây là đầu ra lý tưởng tiêu thụ các sản phẩm trên. Tuy nhiên, hiện nay các sản phẩm khởi nghiệp không dễ tiếp cận khách hàng do các nguyên nhân: quy mô DN nhỏ, vốn ít, không đủ chi phí cho khâu quảng bá, kết nối đến chuỗi tiêu dùng, không giành thị phần được với các thương hiệu lớn, phải tự mày mò để tồn tại trước khi phát triển.

Bà Bùi Thị Diệu Hằng, chủ cơ sở tinh dầu Hằng Phan (Công ty TNHH MTV Tinh dầu Hằng Phan, 37 Đoàn Thị Điểm, phường 4, TP.Vũng Tàu) cho biết, từ năm 2018, công ty bắt đầu xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tinh dầu Hằng Phan. Bà Hằng nhận thấy tất cả các cơ sở lưu trú đều phải dùng tinh dầu khử mùi, tạo hương thơm hoặc massage thư giãn, trị liệu cho khách nếu có spa. Bà tiếp cận các cơ sở trên bằng cách tham gia các diễn dàn giao thương, hội doanh nhân, mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm đến tận tay khách hàng nhưng hiệu quả mang lại chẳng thấm vào đâu. “Hiện tại, chủ yếu là khách lẻ, kinh doanh các homestay, căn hộ gia đình đặt hàng nên sức tiêu thụ ít, mỗi tháng chỉ bán từ 100-500ml/căn hộ, biệt thự, homestay hoặc phòng Gym. Tinh dầu nguyên chất nên giá thành cao hơn tinh dầu cùng chủng loại ngoài thị trường 20-30%, do đó các cơ sở dịch vụ lớn đều so đo về giá thành nên không lựa chọn tinh dầu của tôi”, bà Hằng cho hay.

Ngoài giá thành cao, phần lớn DN khởi nghiệp quy mô nhỏ, thiếu vốn nên co cụm sản xuất mà không dám mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ để tăng năng suất sản lượng, hạ giá thành. Ông Trần Kim Khuê, phụ trách thị trường Công ty TNHH SX và XNK Nón Lá cho biết, hiện nay công suất tối đa của cà phê Nón Lá khoảng 7 tấn thành phẩm/tháng. Ngoài OSC Việt Nam, cà phê Nón Lá đang phân phối sản phẩm tại Hương Phong-Hồ Cốc Beach Resort, cà phê Ngộ (Côn Đảo). “Dù nhận thấy thị hiếu uống cà phê của người dân đang thay đổi dần theo hướng sử dụng sản phẩm nguyên chất. Các cơ sở dịch vụ du lịch trên địa bàn cũng rất tiềm năng nhưng chúng tôi chưa dám tiếp thị sản phẩm mạnh mẽ vì lo không đủ cung ứng khi khách đặt”, ông Khuê cho hay.  

Với nguồn khách hơn 13,5 triệu lượt năm 2018 và gia tăng qua từng năm; dịch vụ du lịch sẽ trở thành đầu mối tiêu thụ sản phẩm quan trọng cho các sản phẩm khởi nghiệp của BR-VT. Để góp phần quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm của DN khởi nghiệp địa phương, hiện nay, ngành du lịch đang có nhiều hoạt động kết nối để tạo điều kiện cho các DN nông nghiệp công nghệ cao tổ chức tour, tuyến, sự kiện thu hút khách du lịch; vận động DN du lịch tiêu dùng hàng hóa của DN nội tỉnh; giới thiệu trực tiếp sản phẩm, dịch vụ của DN cho nhau; tận dụng các hội chợ du lịch của tỉnh, Tổng cục Du lịch quảng bá thu hút du khách về BR-VT… Hoạt động này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới.
(Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch).
 
Một nguyên nhân khiến sản phẩm khởi nghiệp chưa vào được nhà hàng, khách sạn là thiếu kênh kết nối để bên cung và bên cầu gặp nhau. Trong xu thế người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thực phẩm hữu cơ, nuôi trồng an toàn, các khách sạn, nhà hàng đều mong muốn tìm kiếm nguồn cung hàng hóa đạt tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn cung thực phẩm an toàn hiện nay không dễ vì DN thiếu thông tin về nhà sản xuất.  Theo đề xuất của các DN, mỗi năm, ngành du lịch nên tổ chức một sự kiện kết nối cung-cầu giữa nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch và các DN du lịch, vừa giải được bài toán đa dạng nguồn cung cho DN du lịch và mở ra cơ hội đầu ra cho sản phẩm khởi nghiệp.  

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

.
.
.