Đổi mới để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Đây là vấn đề được đặt ra tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 19/12/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể do Tỉnh ủy tổ chức sáng 7/8.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2013-2018. |
ÔNG TRẦN VĂN TUẤN, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Tạo điều kiện về không gian hoạt động cho các HTX Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, tỉnh đã yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt và nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền về phát triển kinh tế tập thể. Các ngành, địa phương nghiên cứu các cơ chế chính sách, giải pháp để nhân rộng các mô hình mới, tạo điều kiện về không gian hoạt động cho các HTX trên các lĩnh vực; gắn kết đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX với chương trình xây dựng NTM. Tập trung nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, để qua đó chỉ đạo, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án thí điểm xây dựng mô hình “HTX cung ứng nông sản an toàn”, “HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm”, đề ra các giải pháp hỗ trợ nông dân sản xuất rau sạch, rau an toàn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào việc cung cấp thông tin về thị trường, khách hàng, xây dựng quảng bá thương hiệu cho HTX. |
XUẤT HIỆN NHIỀU CÁCH LÀM MỚI HIỆU QUẢ
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (Nghị quyết 13) và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 35 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (Chỉ thị 35), kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tích cực, số HTX, tổ hợp tác ngày một tăng, hoạt động trên nhiều loại hình như nông nghiệp, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, vận tải… Kết quả này khẳng định kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến, nhiều loại hình kinh tế tập thể phát triển đa dạng trên các lĩnh vực; nội dung, phương thức hoạt động của các HTX đã có nhiều đổi mới; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Theo ông Phan Nhật Nam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình HTX làm ăn có hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi từ “đầu vào đến đầu ra”, hỗ trợ các xã viên sản xuất kinh doanh như: HTX nông nghiệp dịch vụ An Nhứt, HTX Bưởi da xanh Sông Xoài, HTX NN - TM - DL Bầu Mây, HTX NN-DV Long Hải, HTX dịch vụ khai thác thủy sản Quyết Thắng…
DNTN Thịnh Thành cùng cán bộ khuyến nông huyện Long Điền và lãnh đạo HTX nông nghiệp dịch vụ An Nhứt tham quan ruộng lúa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX. Ảnh: ĐÔNG HIẾU |
Theo ông Huỳnh Trung Thành, HTX nông nghiệp dịch vụ An Nhứt (huyện Long Điền), hiện doanh thu HTX đạt từ 32-35 tỷ đồng/năm. Để đạt kết quả trên, HTX đã từng bước đa dạng hóa các dịch vụ nông nghiệp như: trực tiếp sản xuất và cung ứng giống, đầu tư hiện đại hóa khâu thu hoạch lúa và làm dịch vụ theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012, đến nay tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại hoạt động HTX. Qua đó, các HTX không chỉ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn góp phần tạo sự gắn bó giữa chính quyền và nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, nhất là các chính sách phát triển các vùng nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ
Mặc dù thời gian qua, sự phát triển của kinh tế tập thể mà nòng cốt là tổ hợp tác và HTX đã đem lại những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng trên thực tế không phải HTX nào cũng đủ năng lực để phát triển bền vững. Vẫn còn một bộ phận HTX còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà chưa chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoạt động của các tổ hợp tác, HTX trên địa bàn còn tương đối nhỏ lẻ, kết quả sản xuất kinh doanh thấp, tích lũy vốn để đầu tư phát triển kinh doanh không cao; cơ sở vật chất và vốn điều lệ đóng góp không đủ, không huy động được vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các hoạt động liên doanh liên kết giữa các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp với DN còn hạn chế nên chưa khai thác được thế mạnh về nguyên liệu, vốn, thị trường để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hầu hết các HTX đang gặp khó khăn về đất đai, nhà xưởng, nguồn vốn, trụ sở làm việc, năng lực lãnh đạo quản lý của ban giám đốc… dẫn tới quy mô của các tổ hợp tác, HTX bị bó hẹp, thị trường chưa mở rộng. Đây là những vấn đề cần sớm được tháo gỡ nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể tiếp tục phát triển. Ông Dương Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho biết, thời gian qua, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai, máy móc thiết bị… cho HTX phát triển. Tuy nhiên, trong số 26 HTX trên địa bàn huyện chỉ có một số HTX hoạt động ổn định và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đa phần các HTX còn lại vẫn hoạt động cầm chừng.
Tính đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh có 366 tổ hợp tác với 2.713 thành viên, 12.106 lao động; 119 HTX và 1 Liên hiệp HTX (tăng 1,57 lần so với cuối năm 2013), thu hút 11.487 thành viên và 4.744 lao động. Tổng số vốn điều lệ của HTX là 253,27 tỷ đồng (tăng 2,52 lần so với năm 2013), trong đó vốn hoạt động là 645,08 tỷ đồng (tăng 2,42 lần so với năm 2013). Số HTX khá giỏi chiếm 61%, trung bình chiếm 39%; doanh thu bình quân của HTX tại thời điểm cuối năm 2018 là 1,5 tỷ đồng (tăng 11,53% so với thời điểm năm 2013), thu nhập bình quân của thành viên, lao động từ 4,5 triệu - 5 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,25% so với thời điểm cuối năm 2013. |
Ông Phan Nhật Nam cho biết, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ các HTX tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa tiêu biểu của tỉnh đến người tiêu dùng và DN trên cả nước. Tiếp tục xem xét, hỗ trợ vốn cho HTX từ nguồn vốn Quỹ phát triển HTX. “Ngoài sự hỗ trợ của các cấp, các địa phương cũng cần đánh giá tiềm năng sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu, đặc thù các địa phương để xây dựng và nhân rộng một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả”, ông Phan Nhật Nam nói.
Còn ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, để đạt được mục tiêu của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đề ra về đổi mới và phát triển HTX nông nghiệp, cần thông qua các chính sách liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đầu vào, xúc tiến thương mại, kết cấu hạ tầng để giúp các HTX làm cầu nối liên kết người nông dân với DN. Các ngành cũng cần hướng dẫn các HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức sản xuất có hiệu quả, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng và áp dụng các tiến bộ khoa học để sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản xuất hữu cơ và kết nối sản xuất với tiêu thụ ổn định.
Bài, ảnh: SONG BÌNH