.

Cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm

Cập nhật: 20:19, 08/08/2019 (GMT+7)

Vừa qua, dịch cúm gia cầm type A, chủng H5N6 tại 2 trại chăn nuôi tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Đây là loại dịch bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh, không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn có nguy cơ lây sang người. Do đó, bà con nông dân cần cẩn trọng, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch.

Cơ quan chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ để đàn gia cầm không mắc dịch bệnh. Trong ảnh: Tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm tại trại gà của ông Nguyễn Văn Tân, xã Suối Rao, huyện Châu Đức.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ để đàn gia cầm không mắc dịch bệnh. Trong ảnh: Tiêm vắc xin phòng cúm gia cầm tại trại gà của ông Nguyễn Văn Tân, xã Suối Rao, huyện Châu Đức.

Ngày 31/7, đàn gà 9.000 con của bà Đào Thị Khánh, ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận đột ngột chết hàng loạt. Đến ngày 1/8, đàn gà thịt 3 tháng tuổi, với khoảng 1.500 con của ông Trần Ngọc Thọ, ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Thuận có biểu hiện mắc bệnh cúm. Ngay sau khi nhận được tin báo, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã lấy mẫu thử tại 2 trang trại gửi lên tuyến trên xét nghiệm. Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu thử đều dương tính với vi rút cúm gia cầm type A, chủng H5N6. Ông Võ Gia Tân, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Xuyên Mộc cho biết, thông tin cung cấp từ 2 chủ trang trại cho biết số gà này có nguồn gốc từ Bình Định, được nhập từ thương lái tại tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, cả 2 đàn gà nhiễm bệnh đều chưa tiến hành tiêm vắc xin phòng cúm. Đây là nguyên nhân chính khiến dịch cúm gia cầm xuất hiện. “Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với UBND xã Phước Thuận tiến hành các biện pháp tức thời như tiêu hủy khẩn cấp 10.500 con gà với hình thức đốt, chôn lấp theo quy định, tiến hành tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi của 2 trang trại và các hộ chăn nuôi xung quanh. Đồng thời điều tra dịch tễ tại ổ dịch, lấy 10 mẫu thử các trang trại nuôi gia cầm lân cận để đánh giá sự lây truyền của virus. Cử cán bộ chuyên môn tiếp tục theo dõi diễn biến sức khỏe đàn gà nuôi tại xã Phước Thuận để có hướng xử lý tiếp theo”, ông Võ Gia Tân cho hay.

Theo ông Nguyễn Lương Trai, Chi Cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, dịch cúm gia cầm H5N6 rất nguy hiểm, bởi không chỉ lây lan nhanh, gây thiệt hại cho nông dân mà theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, loại bệnh này có nguy cơ lây sang người và có thể làm tử vong bệnh nhân. Do đó, ngoài xử lý tức thời tại ổ và vùng dịch, cơ quan chức năng đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để dịch bệnh không lan nhanh, bùng phát. Vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiến hành xuất 230.000 liều vắc xin cúm H5N6 tiêm cho đàn gà của xã Phước Thuận, xã Phước Tân, TT.Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) và các xã Lộc An, Láng Dài (huyện Đất Đỏ). Đây là các địa phương nằm trong vùng có dịch và vùng có nguy cơ cao do giáp ranh với ổ dịch. Theo quy định, số vắc xin này được hỗ trợ miễn phí cho các trang trại nuôi có tổng đàn dưới 2.000 con. Các cơ sở chăn nuôi trên 2.000 sẽ trả phí theo quy định của Nhà nước. “Bên cạnh đó, chúng tôi còn tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về mức độ nguy hiểm, cơ chế lây truyền, các biện pháp phòng dịch để bà con nông dân nắm rõ. Cùng với đó, đơn vị thú y đang thực hiện tăng cường giám sát tình hình chăn nuôi gia cầm tại các địa phương để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch và kịp thời xử lý; đồng thời, tiến hành tiêu độc khử trùng toàn diện đối với các hộ chăn nuôi gia cầm, các loại chim, các nơi trung chuyển, khu vực buôn bán, giết mổ gia cầm tại các địa phương nằm trong vùng nguy cơ cao. Chi phí cho công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm khoảng 200 triệu đồng”, ông Trai thông tin.

Cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau như gà, vịt, ngan, chim cút… gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho người chăn nuôi. Đặc biệt bệnh cúm A/H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong (đã ghi nhận người mắc dẫn đến tử vong ở Trung Quốc). Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cúm lây truyền từ người sang người. Tại Việt Nam, chủng virus cúm này được phát hiện trên đàn gia cầm từ vài năm trước. Để phòng chống lây nhiễm cúm A/H5N6 từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo cơ quan thú y và chính quyền địa phương xử lý triệt để ổ dịch, thực hiện các biện pháp tiêu trùng khử độc, tăng cường giám sát và lấy mẫu virus cúm trên gia cầm tại khu vực có nguy cơ. Ngành y tế cần chú ý giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm. Người dân nên hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ.

Hiện tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt khoảng 5,4 triệu con, trong đó, riêng đàn gà khoảng 3,8 triệu con. Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch tả heo châu Phi, ngành chăn nuôi đang kỳ vọng tăng đàn gà để bù đắp lượng thịt heo thiếu hụt do dịch tả. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm xuất hiện đã gây ra không ít lo lắng cho người chăn nuôi. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo bà con chăn nuôi hết sức cẩn trọng với loại dịch bệnh nguy hiểm này. Đối với các trang trại gần vùng đã xuất hiện dịch ngoài thực hiện tiêm phòng, tiêu độc khử trùng thì không tái đàn vào thời điểm này. Gia cầm xuất ra khỏi địa phương đang có dịch phải được sự cho phép của cơ quan thú y, khi có kết quả xét nghiệm âm tính mới vận chuyển khỏi vùng có dịch. Đối với các địa phương khác, cần nhập gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, tiến hành tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ bởi đây là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng dịch. Bên cạnh đó, thời điểm này, người chăn nuôi cần theo dõi chặt chẽ, tăng khẩu phần dinh dưỡng và cho đàn gia cầm uống nước sạch. Khi thấy vật nuôi có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho cơ quan thú y hoặc chính quyền địa phương. Tuyệt đối không giấu dịch, cố bán chạy gia cầm bị bệnh hoặc vứt chúng ra môi trường vì dễ làm dịch lây lan, bùng phát.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.