Nuôi trồng thủy sản lồng bè trên sông theo hướng bền vững - yêu cầu cấp thiết: Kỳ 1: Những mùa cá "đắng"
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) lồng bè là một trong những thế mạnh về kinh tế biển của Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, những năm gần đây, các lồng bè nuôi phát triển một cách ồ ạt, tự phát, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài, cá chết hàng loạt. Thực trạng này đòi hỏi tỉnh sớm triển khai quy hoạch NTTS lồng bè trên sông theo hướng bền vững.
Một người dân súc rửa lưới ngay trên bè nuôi cá ở sông Chà Và. Hoạt động này góp phần làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước trên sông. |
Tính đến năm 2019, các vùng NTTS trên sông tại địa bàn tỉnh đã trải qua 12 năm, trong đó có nhiều năm người NTTS phải trải qua những vụ cá “đắng”. Đó là những vụ cá chưa hoặc sắp đến ngày thu hoạch thì lăn ra chết trắng sông. Bao nhiêu công sức, vốn liếng của người nuôi cá trôi theo dòng nước chỉ sau một đêm.
CÁ CHẾT, NGƯỜI NUÔI TRẮNG TAY
Đã 2 tuần kể từ ngày cá lồng bè trên sông Chà Và chết hàng loạt (ngày 30/6), 24 hộ NTTS trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu) vẫn chưa trở lại nhịp độ công việc bình thường.
Ông Nguyễn Công Biên (nuôi cá ở tiểu khu 2) ra - vào bè liên tục, khi thì lo thu gom hơn 46 ngàn con cá chết để đưa đi xử lý, lúc lo xử lý nguồn nước trong các lồng nuôi, phần nữa là truy tìm “thủ phạm” gây ra tình trạng cá chết hàng loạt… Ông Biên là một trong những hộ NTTS lồng bè đầu tiên và lớn nhất trên sông Chà Và hiện nay với 200 lồng nuôi. Theo ông Biên, những năm đầu mới nuôi, môi trường sông thuận lợi, thủy sản phát triển tốt, người nuôi có lãi nên rất phấn khởi. Nhưng từ năm 2010 đến nay, đặc biệt là năm 2015 và 2019, thủy sản ở các lồng nuôi chết với số lượng rất lớn. “Mỗi lần cá chết, hộ thiệt hại ít thì vài chục triệu đồng, thiệt hại nhiều lên đến cả tỷ đồng”, ông Biên nói.
Khi chúng tôi lên bè, ông Lê Văn Mười, nuôi cá ở tiểu khu 3 trên sông Chà Và đang ngồi ôm gối buồn xo nhìn ra những lồng bè trước mắt. Ông mếu máo: “Hơn 20 ngàn con cá, từ cá chẽm, cá mú, cá chim… đều chết sạch. Trong đó, lứa cá chim cỡ 4kg/con chỉ chờ đến tháng 8 là thu hoạch cũng chết hết, thiệt hại cả tỷ đồng. Vợ chồng tui vay tiền ngân hàng để nuôi cá. 2 năm vừa qua, nước êm, môi trường nuôi thuận lợi nên cũng có đồng ra đồng vào. Chưa kịp vui mừng thì năm nay cá chết, vợ chồng tui trắng tay rồi cô ơi”, ông Mười nói.
Mật độ lồng bè dày đặc, làm cho môi trường NTTS trên sông Chà Và bị ảnh hưởng. |
Trước đây, nghề NTTS đã giúp nhiều gia đình làm giàu thì nay, nhiều hộ đang có nguy cơ đối mặt với nợ nần vì cá chết hàng loạt. Ông Trần Văn Ba thả 10 ngàn con cá chim, đến nay được 3 tháng nhưng đã chết trắng lồng. Xót của, gần 2 tuần qua ông Ba bỏ việc ở bè cùng những người nuôi cá khác tìm nguyên nhân gây cá chết.
Năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2512/QĐ-UBND về phương án bố trí, sắp xếp và di dời các cơ sở NTTS lồng bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu). Tuy nhiên, qua 2 lần điều chỉnh, đến nay việc quy hoạch NTTS lồng bè trên sông vẫn chưa hoàn thành. |
Theo các hộ NTTS lồng bè trên sông Chà Và, từ năm 2010 trở lại đây, người NTTS lồng bè liên tục bị trắng tay vì cá chết: Năm 2015 cá chết trắng bè. Từ đầu năm 2019 đến nay diễn ra 2 đợt cá chết vào tháng 4 và tháng 6. Trong đó, chỉ riêng từ 30/6 đến 12/7, các hộ nuôi khai báo có tổng cộng hơn 490 ngàn con cá bị chết.
VÌ SAO NÊN NỖI?
Từ bến đò làng bè Chà Và, chúng tôi đi ghe máy ra khu nuôi cá lồng bè trên sông. Trước mắt chúng tôi hiện ra những lồng bè dày đặc, san sát nhau. Mật độ nuôi dày đặc làm cản trở dòng chảy giữa các lồng nuôi, bè nuôi. Ngoài mật độ nuôi dày đặc, hàng ngày các hộ NTTS ở sông Chà Và còn thải ra nhiều rác thải sinh hoạt như: Túi ni lông, thực phẩm thừa, vỏ chai lọ… Trong đó, chỉ một số hộ gom rác bỏ vào các thùng chứa để mang vào bờ xử lý. Hầu hết các hộ còn lại đều xả thẳng xuống sông.
Nhân công vớt cá chết ở lồng nuôi của hộ ông Nguyễn Công Cán (tiểu khu 2, sông Chà Và, xã Long Sơn). Ảnh: QUANG VŨ |
Đại diện Sở NN-PTNT nhận định, ngoài nguyên nhân xả thải từ các nhà máy chế biến hải sản, mật độ nuôi dày đặc thì rác thải sinh hoạt hàng ngày phát sinh trên các lồng bè cũng là một trong những nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường nước. Vì vậy, những năm gần đây, tỷ lệ NTTS trên sông Chà Và thành công giảm 60% so với 3-4 năm trước.
Dừng lại ở tiểu khu 6, chúng tôi lên bè của ông Nguyễn Hữu Nhiều. Ông Nhiều nuôi 30 ngàn con cá chim, 15 ngàn cá chẽm, 3.000 cá mú. Bên dưới lồng nuôi, thỉnh thoảng vẫn còn những con cá chim chết, phơi trắng bụng. Ông Nhiều cho biết, khoảng 4 năm trở lại đây, vụ nuôi nào ông cũng thua lỗ. Trước đây, ông nuôi cá bớp, mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng, nhưng hiện nay loại cá này không thể sống được trên dòng nước sông Chà Và vì thiếu oxy và cá dễ mắc bệnh dẫn đến chết rất nhiều. Ông Nhiều chuyển sang nuôi các loại cá chim, cá chẽm, cá mú… từ 4 năm qua. Tuy nhiên, các loại cá này cũng rất dễ bị bệnh và chết hàng loạt, nhất là khoảng tháng 4, tháng 7 và tháng 9 hàng năm, khi vừa tạnh mưa đã chuyển qua nắng gắt.
Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh tháng 9/2018, tại một số vùng quy hoạch, một số hộ tự ý thả vật nổi để chiếm mặt nước. Tại khu vực sông Dinh có một số lồng bè lấn chiếm nơi neo đậu tránh, trú bão của tàu thuyền. Tại khu vực sông Mỏ Nhát tồn tại 13 miệng đáy giữa sông, chiếm nhiều diện tích trong vùng quy hoạch và gây nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy… Cũng theo kết quả của Đoàn giám sát, các vấn đề nóng về môi trường nuôi cá lồng bè đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát mạnh, bởi công tác bảo vệ môi trường chưa được người dân chú trọng và thực hiện nghiêm. Chẳng hạn, khi vệ sinh lồng bè, nhiều chủ cơ sở xả thẳng chất cặn ra sông làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt. |
Nhiều hộ dân NTTS cũng thừa nhận, mật độ nuôi trong lồng dày và khoảng cách giữa các bè quá gần nhau đã hạn chế sự phát triển của thủy sản. Ông Trần Văn Hà, nuôi cá ở tiểu khu 9 sông Chà Và kể: “Có đợt, các bè nuôi từ sông Dinh kéo về khu này để né nguồn nước ô nhiễm đổ ra từ cống số 6 (xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ) khiến bè tụ quá dày. Cá bớp bơi lừ đừ; cá chim, chẽm thì nổi cả lên, phải bán tháo. Vậy là các hộ rủ nhau thuê ghe kéo lồng bè ra giữa dòng để lấy nước sạch cứu cá. Chúng tôi biết là làm vậy ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, nhưng không làm thì cá chết, mất hết cả vốn”.
Khảo sát tại 10 hộ NTTS trên sông Chà Và, chúng tôi cùng nhận được câu trả lời: “Thấy một số người nuôi có lãi nên tự đóng bè thả xuống sông nuôi cá mà không xin phép cơ quan chức năng”. Như vậy, có thể thấy việc nuôi cá tự phát và không đăng ký theo vùng quy hoạch đã dẫn đến yếu tố kỹ thuật nuôi không đảm bảo, mật độ nuôi trong mỗi lồng nhiều gấp 2-2,5 lần quy định; khoảng cách giữa các lồng cách nhau 0,5m - 1m, trong khi quy định phải đạt từ 30m-40m. Đây đều là những nguyên nhân góp phần khiến cho việc NTTS của các hộ dân không thuận lợi.
Bài, ảnh: QUANG VŨ
(Còn nữa)
--------------
Kỳ 2: Việc sắp xếp theo quy hoạch quá chậm
Kỳ cuối: Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ cao