Cần có trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung
Theo phản ánh của các DN, hiện nay do chưa có trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung (TTKTCNTT) tại Cái Mép - Thị Vải nên các chủ hàng phải tốn thêm thời gian, chi phí lưu bãi trong thời gian chờ gửi mẫu kiểm tra hàng hóa đến các cơ quan chuyên môn. Do đó, việc thành lập TTKTCNTT để tạo điều kiện tốt nhất cho DN và tăng năng lực cạnh tranh cho cụm cảng CM-TV là rất cần thiết.
Việc chưa có trung tâm kiểm định chuyên ngành đã giảm tính hấp dẫn của CM-TV. Trong ảnh: Tàu trọng tải lớn cập cảng CMIT. |
DN TỐN THỜI GIAN, CHI PHÍ
Ngày 26/6, lô hàng phân bón của Công ty TNHH Yara Việt Nam (TX.Phú Mỹ) được nhập về thông qua cảng Tân Cảng-Cái Mép (TCIT). Đây là mặt hàng thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, tuy nhiên do CM-TV chưa có văn phòng đại diện của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành như kiểm dịch động vật, thực vật, y tế, giám định chất lượng sản phẩm... nên DN phải lấy mẫu sản phẩm gửi về các phòng thí nghiệm tại TP.Hồ Chí Minh để thực hiện. 10 ngày sau (5/7), khi có kết quả từ TP. Hồ Chí Minh gửi về, lô hàng trên mới được thông quan. Bà Marion Martinnez, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Yara Việt Nam cho biết: Yara là DN chuyên cung cấp các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, sản phẩm chính của công ty tại thị trường Việt Nam là phân bón hóa chất cao cấp, chủ yếu được nhập khẩu từ các nhà máy tại châu Âu. Thời gian nhận hàng kéo dài sẽ phát sinh thêm chi phí lưu kho bãi. Do đó, việc thành lập TTKTCNTT tại cảng CM-TV là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ DN thuận lợi trong việc làm thủ tục, kiểm tra hàng hóa, giải phóng hàng. Bên cạnh đó, giúp cho việc cung cấp sản phẩm ra thị trường nhanh hơn, bám sát mùa vụ của cây trồng, đồng thời DN tối ưu chi phí vận hành trong chuỗi giá trị cung ứng và từ đó sẽ giảm giá thành sản phẩm.
Theo Cục Hải quan tỉnh, hiện có khoảng 20 mặt hàng có số lượng xuất nhập khẩu (XNK) lớn thường xuyên thông qua cụm cảng CM-TV như: lúa mì, bắp hạt, phân bón, gỗ, sắt thép, xe ô tô, xe máy… đều thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành. Nhưng do chưa có TTKTCNTT nên các DN phải đưa lên TP.Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội để thực hiện việc kiểm tra. Chẳng hạn, nếu kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi phải đến Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Công ty Giám định Vinacontrol, Công ty Chứng nhận và giám định Vinacert… các đơn vị này đều đóng tại TP. Hồ Chí Minh. Thông thường, việc kiểm tra lĩnh vực này mất từ 7 đến 10 ngày kể từ ngày lấy mẫu. Cá biệt có nhiều trường hợp quá hạn 30 ngày mới có kết quả. Còn đối với kiểm tra chất lượng xe máy chuyên dùng như xe nâng, máy đào, máy xúc… lại do Cục Đăng kiểm Việt Nam (Đội kiểm tra chất lượng xe cơ giới khu vực 3 tại TP.Hồ Chí Minh) thực hiện. Thủ tục này mất 10 đến 20 ngày kể từ ngày đăng ký kiểm tra và phụ thuộc vào thời điểm DN xuất trình phương tiện để cơ quan đăng kiểm thực hiện kiểm tra.
Việc chưa có TTKTCNTT không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới chủ hàng, những nhà nhập khẩu mà còn tác động đến đơn vị khai thác cảng. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Kinh doanh cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) cho biết: Hiện tại cảng TCIT chiếm 55% thị phần tại CM-TV. Với lượng hàng thông qua lớn, DN luôn phải cung cấp các dịch vụ tốt nhất đáp ứng nhu cầu của khách hàng 24/7. Vì vậy, việc thành lập TTKTCNTT rất cần để hoàn thiện dịch vụ hậu cần sau cảng cho CM-TV, đáp ứng nhu cầu khách hàng, góp phần tăng lượng hàng hóa cho cụm CM-TV.
Cán bộ Cục Thú y vùng 6 thực hiện việc kiểm tra chuyên ngành tại Cảng TCIT. |
SỚM THÀNH LẬP TTKTCNTT
Ông Nguyễn Văn Danh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép cho biết, để tạo thuận lợi và thu hút các DN xuất nhập khẩu các mặt hàng phải kiểm dịch động, thực vật, thời gian qua, Chi cục đã đề nghị Chi cục Thú y vùng 6 bố trí trạm kiểm dịch động, thực vật ngay tại cảng để có thể lấy mẫu kiểm dịch tại chỗ cho DN. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì hàng hóa làm thủ tục thanh lý hải quan và gia nhập tại cảng bao gồm nhiều loại, trong đó có nhiều loại phải kiểm tra chuyên ngành... Trong khi nhân sự, máy móc chưa đầy đủ hoặc chưa có phòng thí nghiệm nên các mẫu hàng chính vẫn phải gửi lên TP.Hồ Chí Minh để kiểm tra.
Trước tình hình trên, việc thành lập TTKTCNTT để kết hợp với Trung tâm Kiểm tra hàng hóa tập trung của Hải quan và các dịch vụ kho bãi ngoại quan, dịch vụ container là cần thiết. Đây là điều kiện để tạo ra hệ sinh thái các dịch vụ hậu cần cảng biển, thu hút các DN xuất nhập khẩu hàng hóa sử dụng cảng CM-TV và thông quan trực tiếp tại BR-VT.
Xếp dỡ container tại Cảng Quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT). |
Được biết hiện nay, việc xây dựng TTKTCNTT đã được đưa vào danh sách 1 trong 16 dự án đầu tư công trọng điểm của tỉnh trong năm 2019. Hiện tỉnh đã lựa chọn xong địa điểm xây trung tâm với diện tích khoảng 4,67ha (KCN Phú Mỹ II). Tuy nhiên, đây là mô hình mới, tích hợp nhiều cơ quan, nhu cầu, mô hình hoạt động riêng biệt nên tỉnh rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành Trung ương.
Đến nay, tỉnh đã cơ bản khảo sát xong nhu cầu sử dụng tại Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung cụm cảng CM-TV. Cụ thể, Chi cục Thú y vùng VI đăng ký quy mô diện tích khoảng 960m2 cho 2 bộ phận là Văn phòng đăng ký kiểm dịch và Khu xét nghiệm mẫu. Riêng Khu xét nghiệm mẫu có hệ thống trang thiết bị xét nghiệm cho tối đa 35 người làm việc, kèm hệ thống lò đốt rác, xử lý nước thải xét nghiệm, xe đông lạnh vận chuyển mẫu… Sở NN-PTNT đăng ký 1 phòng làm việc với diện tích 30m2, xe ô tô lấy mẫu và bảo quản vận chuyển mẫu; Sở Y tế đăng ký 1 phòng làm việc với diện tích 24m2. Riêng Chi cục Thú y vùng VI đã cử cán bộ, bố trí phương tiện kiểm tra chuyên ngành thường xuyên tại CM-TV, hiện đang tạm sử dụng văn phòng của cảng TCIT để làm việc thử nghiệm trong thời gian 3 tháng. |
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND tỉnh BR-VT về việc thành lập TTKTCNTT tại cụm cảng CM-TV vào ngày 5/6, ông Vũ Lê Quân, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan - Tổng cục Hải quan cho rằng, việc thành lập TTKTCNTT tại CM-TV là rất cần thiết nhằm hỗ trợ DN thuận lợi trong việc làm thủ tục, giải phóng hàng hóa nhanh. Tổng cục Hải quan sẽ hỗ trợ để đẩy nhanh việc thành lập TTKTCNTT tại CM-TV. Tuy nhiên, tỉnh BR-VT rà soát, đánh giá kỹ nhu cầu, khối lượng công việc, cơ sở vật chất cần thiết để thành lập TTKTCNTT, đồng thời cần cân nhắc tính toán bảo đảm khi được thành lập, TTKTCNTT sẽ hoạt động hiệu quả.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN