Ưu tiên đầu tư điện năng lượng mặt trời
BR-VT là khu vực thuộc miền Đông Nam Bộ có bức xạ mặt trời mạnh, dao động từ 4,0-6,3kWh/m2/ngày; cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt 1.350-1.450kWh/m2/năm. Để đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt vốn đang tăng cao, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện mặt trời, nhờ đó hàng trăm dự án lớn nhỏ về lĩnh vực này đã được triển khai trong thời gian gần đây.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời áp mái tại Công ty Điện lực BR-VT không chỉ đủ cung cấp cho nhu cầu sử dụng của công ty mà còn phát lên lưới điện quốc gia. |
Cuối tháng 3/2019, UBND tỉnh đã có quyết định chấp thuận cho Công ty TNHH Đầu tư Năng lượng Tự nhiên DTD và Công ty TNHH Phát triển Năng lượng đầu tư 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức với tổng vốn hơn 1.500 tỷ đồng. Cụ thể, dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Gia Hoét 1 (diện tích sử dụng hồ khoảng 40ha), công suất thiết kế dự kiến 35MWp; dự án Nhà máy điện mặt trời hồ Tầm Bó (diện tích sử dụng khoảng 41,38ha), công suất thiết kế dự kiến 35MWp, sản lượng điện sản xuất bình quân khoảng 52.123MWh/năm.
Hiện nay, huyện Châu Đức là địa phương tập trung nhiều dự án năng lượng mặt trời nhất, với 7 dự án, tổng công suất 380MWp, tổng vốn đầu tư gần 7.895 tỷ đồng. Ông Trần Văn Sâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Á Châu Đức, chủ đầu tư hạ tầng KCN Đá Bạc cho biết, trong số 7 dự án điện năng lượng mặt trời tại huyện Châu Đức, công ty đang triển khai xây dựng 2 dự án trong KCN Đá Bạc gồm: Điện năng lượng mặt trời Đá Bạc với công suất 48MWp và điện năng lượng mặt trời Đá Bạc 04 với công suất 50MWp, tổng vốn đầu tư 2.436 tỷ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động vào quý 2/2019. Sản lượng điện bình quân 2 nhà máy để đấu vào lưới điện quốc gia khoảng 200 triệu KWh/năm.
Nhân viên Công ty Điện lực BR-VT kiểm tra chỉ số điện sản sinh ra từ nguồn pin năng lượng mặt trời áp mái tại Công ty Điện lực BR-VT. |
Riêng tại huyện Côn Đảo, 2 dự án điện mặt trời hòa lưới cũng đang hoàn tất các thủ tục để triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2020. Cụ thể, dự án điện mặt trời hòa lưới Côn Đảo có công suất 3MW đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao Tổng Công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư. Còn dự án Công viên Năng lượng mặt trời Côn Đảo với công suất 5MW đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao Công ty TNHH Năng lượng Xanh Côn Đảo (Công ty TNHH MTV SX TM Terra Wood) làm chủ đầu tư.
Hiện nay, tỉnh có 9 dự án điện năng lượng mặt trời được Thủ tướng, Bộ Công thương phê duyệt, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực, với tổng công suất 309MWp, tổng mức đầu tư khoảng 9.135 tỷ đồng, tổng diện tích đất khoảng 424,787ha. Ngoài ra, hiện có hơn 130 đơn vị sử dụng điện năng lượng mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt khoảng 1.000kWp. Trong đó có những công trình lớn như hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của Công ty Điện lực BR-VT (140kWp), Điện lực Côn Đảo (100kWp), Nhà máy Điện An Hội-Côn Đảo (36kWp), Khách sạn Sammy-Vũng Tàu (40kWp), Công ty TNHH Eclat Fabrics Việt Nam (30kWp)… |
Theo bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương, hiện nay việc đầu tư năng lượng điện tái tạo được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ: Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ xây dựng nhà máy; miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước tại vị trí công trình, đường dây, trạm biến áp đấu nối với lưới điện và giá mua điện. Tại BR-VT, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương liên quan hỗ trợ DN triển khai các thủ tục đầu tư dự án; đôn đốc các nhà đầu tư thực hiện đúng kế hoạch đã đăng ký nhằm đưa dự án vận hành, phát điện thương mại. “Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường quản lý quy hoạch đối với các dự án đã được phê duyệt, bảo đảm các dự án được triển khai đúng tiến độ”, bà Bùi Thị Dung nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU