Kiểm soát ô nhiễm không khí đừng để quá muộn!
Hoạt động ở một cơ sở sơ chế hải sản tại khu phố Hải Hà (huyện Long Điền) hàng ngày xả thải ra môi trường gây ô nhiễm không khí, nguồn nước của vùng biển khu vực này. Ảnh: SONG THƯ |
Chủ đề của ngày Môi trường thế giới (5-6) năm nay được Liên Hợp quốc đưa ra là “Ô nhiễm không khí”, cho thấy đây đang là vấn đề “nóng” trên toàn cầu. Tại BR-VT, nhiều khu dân cư phải sống chung với ô nhiễm không khí do hoạt động xả thải từ các cơ sở chăn nuôi, chế biến thủy sản, rác thải và hoạt động sản xuất công nghiệp. Tình trạng này đòi hỏi những giải pháp cấp bách để kiểm soát.
Cán bộ ngành TN-MT lấy mẫu nước thải của một cơ sở chế biến hải sản tại xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ) để kiểm tra mức độ ô nhiễm. |
ĐÓNG CỬA VÌ MÙI HÔI
Một ngày đầu tháng 6, từ đường Võ Nguyên Giáp, chúng tôi rẽ vào hẻm 1750 (tổ 77, khu phố 6, phường 12, TP. Vũng Tàu) rồi đi về phía sông Cửa Lấp để khảo sát thực trạng ô nhiễm. Nhiều khu đất trước đây vốn là rừng ngập mặn xanh tươi, nay chỉ còn lại hàng cây thưa thớt, đầy túi ni-lông bám quanh rễ và thân cây. Theo thống kê, trên địa bàn phường 12 có khoảng 40 nhà máy chế biến hải sản dọc sông Dinh, sông Cửa Lấp. Theo quy định, các DN sản xuất trong lĩnh vực này buộc phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhiều năm nay, nước thải sản xuất phát sinh từ các nhà máy chế biến hải sản cũng như chất thải từ chế phẩm sinh học do người dân dùng trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các loại dầu súc rửa tàu thuyền từ các cơ sở hoạt động dịch vụ cảng vẫn được thải thẳng ra sông. Bà Lê Thị Thúy (nhà ở hẻm 1750) cho biết, mùi hôi bốc ra quanh năm trong khu vực này, đặc biệt là những ngày trời mưa hoặc khi gió chướng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến nhà nào cũng phải đóng kín cửa mà vẫn không hết mùi.
Kết quả quan trắc gần đây của Sở TN-MT, tại các khu vực chế biến hải sản như xã Tân Hải (TX. Phú Mỹ), khu vực chế biến hải sản xã Lộc An (huyện Đất Đỏ), phường Thắng Nhì, phường 12 (TP. Vũng Tàu)… cho thấy, tình trạng ô nhiễm có xu hướng cải thiện, nhưng nồng độ ô nhiễm vẫn cao hơn QCVN 05:2013/BTNMT từ 1,1-1,5 lần. Trong khi đó, theo thống kê của ngành chăn nuôi, toàn tỉnh có 207 trang trại chăn nuôi, trong đó có 118 trang trại heo, 85 trang trại gà và 4 trang trại bò. Kết quả thanh tra các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn của Sở TN-MT cho thấy, tính đến tháng 5-2019, có đến 86/207 trang trại chăn nuôi đang gây ô nhiễm môi trường, phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Phần lớn các cơ sở đều vi phạm các quy định về môi trường, không đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc có đầu tư nhưng không xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường, đặc biệt là các trang trại chăn nuôi heo. “Điểm nóng” nhất về ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi heo là huyện Xuyên Mộc.
Ông Văn Thanh Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, để không gây ô nhiễm môi trường, các trang trại chăn nuôi phải đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm đạt chuẩn. Tuy nhiên, việc này rất khó do kinh phí đầu tư hệ thống xử lý ô nhiễm hoàn chỉnh rất tốn kém. Bên cạnh đó, nhiều trang trại chăn nuôi có mặt bằng chật hẹp, không đủ diện tích để đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn…
Ngoài chế biến hải sản, chăn nuôi, hoạt động sản xuất công nghiệp đang đe dọa môi trường sống của nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, hiện nay, một số KCN có tình trạng ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi, khí thải của các hoạt động giao thông vận tải, xây dựng và sản xuất. Đặc biệt, ô nhiễm CO2, SO2, NO2 tại các KCN có các loại hình sản xuất thép, hải sản, gạch ngói và tại các nhà máy sử dụng chất đốt là than cám và biomass, nằm sát khu dân cư không có hành lang cách ly đã ảnh hưởng đến các vùng dân cư lân cận.
86/207 trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Một trại gà ở xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) phát tán mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường. |
TĂNG CƯỜNG KIỂM SOÁT
Theo ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường - Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh), thời gian qua Bộ TN-MT cùng UBND các địa phương, trong đó có BR-VT đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng tình trạng ô nhiễm không khí vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Nguyên nhân là do hiện nay nước ta vẫn chưa có văn bản pháp luật đặc thù, chuyên biệt về quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Các chương trình quan trắc mới tập trung tại khu vực đô thị, khu vực gần các KCN, thiếu các chương trình quan trắc tổng thể và định kỳ cho khu vực nông thôn và làng nghề. Hoạt động kiểm soát nguồn khí thải còn hạn chế, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Sở TN-MT đã khoanh vùng các khu vực ô nhiễm không khí và đưa vào danh sách các “điểm nóng” để phòng ngừa, cải thiện và khắc phục năm 2019. Về tình trạng ô nhiễm do hoạt động chăn nuôi gây ra, Sở TN-MT đề xuất điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành chăn nuôi và quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, nhằm bảo đảm việc chăn nuôi thành vùng tập trung, không gây ảnh hưởng đến thượng nguồn các hồ cấp nước; đồng thời thực hiện một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở chăn nuôi… di dời hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất để chủ động phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Các cơ sở chế biến hải sản đã có kế hoạch di dời vào các khu chế biến hải sản tập trung.
Hoạt động của con người và các quá trình tự nhiên có thể gây ra ô nhiễm không khí. Ô nhiễm không khí khiến hơn 3 triệu người chết sớm mỗi năm, nó đe dọa gần như toàn bộ cư dân thành phố lớn tại những nước đang phát triển. 80% thành phố trên thế giới không đáp ứng được tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chất lượng không khí, trong đó chủ yếu tập trung ở các nước nghèo. WHO cho biết mức độ ô nhiễm không khí đô thị toàn cầu đã tăng 8% bất chấp những cải thiện ở một số vùng. Điều này dẫn đến nguy cơ đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư phổi cùng hàng loạt vấn đề về đường hô hấp. |
Về hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên và hoạt động của các nhà máy luyện, cán thép tại các KCN, UBND tỉnh đã giao các ngành, địa phương tăng cường kểm tra, giám sát chặt chẽ việc lưu giữ và xử lý chất thải; thành lập và triển khai hoạt động của các tổ tự quản về bảo vệ môi trường để việc giám sát được chặt chẽ hơn; yêu cầu các nhà máy phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường… Tính đến nay, đã có 26/30 DN, đơn vị đấu nối hệ thống dữ liệu về trung tâm điều hành quan trắc tự động tỉnh. Trong đó có 14/18 đơn vị, DN thực hiện đấu nối quan trắc tự động nước thải; về khí thải trung tâm đã tiếp nhận dữ liệu của 12/12 DN.
Bài, ảnh: QUANG VŨ