Hiệu quả từ mô hình trồng tre lấy măng
Những năm gần đây, một số hộ nông dân trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc đã tận dụng diện tích đất ven kênh thủy lợi, đất trũng không trồng được các loại cây ăn trái để trồng tre lấy măng. Ghi nhận tại huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc cho thấy, mô hình này mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ.
Ông Nguyễn Duy Quang (xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) thu hoạch măng. |
Tận dụng 1ha đất ven tuyến kênh dẫn nước từ hồ chứa Sông Ray, cách đây 3 năm, ông Nguyễn Duy Quang (ở thôn Sơn Thuận, xã Xuân Sơn, huyện Châu Đức) đã đầu tư gần 300 triệu đồng xây hồ chứa nước, hệ thống bơm tưới, thuê nhân công làm đất để trồng 630 gốc tre mạnh tông và tre điền trúc lấy măng tại địa bàn xã Suối Rao. Theo ông Quang, trồng tre lấy măng không mất nhiều công sức, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần bón phân mỗi năm 2 lần. Cây tre hầu như không bị sâu bệnh nên không mất chi phí cho các loại thuốc bảo vệ thực vật.
Trung bình mỗi ngày ông Quang thu 50kg măng, với giá bán dao động từ 15-35 ngàn đồng/kg, tùy thời điểm. Mô hình này đã giúp gia đình ông có thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. “Để có măng trái mùa, hết mưa tôi dọn cây, vô phân rồi tưới nước. Kỹ thuật trồng tre lấy măng khá đơn giản, chỉ cần siêng năng chăm sóc sẽ cho thu hoạch tốt. Măng được thu hoạch từ sau Tết Nguyên đán đến khoảng tháng 9. Sau đó dưỡng cây, cho lên cây tơ, hết mùa mưa thì làm lại vụ mới”, ông Quang chia sẻ.
Tương tự, hộ ông Mai Văn Dũng (ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) cũng có nguồn thu nhập khá từ mô hình trồng tre lấy măng. Ông Dũng cho biết, 6 sào đất của gia đình ông cằn cỗi, lại ẩm ướt, không trồng được hoa màu và các loại cây ăn trái nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Được Hội Nông dân xã Phước Thuận khuyến khích, năm 2015, ông mạnh dạn đầu hơn 120 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới, khoan giếng, mua tre giống, phân bón… triển khai mô hình. Hiện nay, gia đình ông Dũng thu nhập trung bình mỗi ngày 1 triệu đồng từ măng. Theo ông Dũng, măng tre tứ quý được người tiêu dùng ưa chuộng, nên các thương lái ở Bà Rịa và thị trấn Phước Bửu vào tận vườn thu mua. “Đất này khô cằn lắm, hồi trước tôi trồng cỏ nuôi bò nhưng không hiệu quả. Sau một năm trồng tre cho thu hoạch măng, gia đình tôi bỏ hẳn nuôi bò, tập trung chăm sóc và thu hoạch măng. Mỗi ngày, vườn tre tứ quý của nhà tôi cho thu nhập từ 1-1,2 triệu đồng từ măng và thu hoạch suốt năm”, ông Dũng nói.
Gia đình ông Mai Văn Dũng (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày từ 6 sào tre tứ quý lấy măng. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, địa hình các xã Xuân Sơn, Phước Thuận vào mùa mưa thường ngập úng nhiều nơi, bà con không thể trồng loại cây nào khác. Với mô hình trồng tre lấy măng, người nông dân không những khai thác hiệu quả được diện tích đất, mà còn có thu nhập ổn định. Hiện nay, trên địa bàn xã Xuân Sơn (huyện Châu Đức) có 8 hộ trồng tre lấy măng, với diện tích hơn 10ha; còn tại xã Phước Thuận có 4 hộ trồng tre lấy măng, diện tích hơn 3ha. Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, trên địa bàn xã Xuân Sơn và Suối Rao có một số hộ gia đình trồng tre lấy măng. Nhờ đầu ra ổn định, bà con nông dân có thu nhập khá so với các loại cây trồng khác như cà phê, tiêu, điều, mì…
Mô hình trồng tre lấy măng đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp khuyến cáo, bà con chỉ nên áp dụng trên các vùng đất ven suối, đất trũng, cằn cỗi không trồng được cây ăn trái và không nên trồng đại trà để tránh ảnh hưởng đến các loại cây trồng khác.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG