Chuyển đổi phương thức đánh bắt hải sản là việc cấp bách
Theo lộ trình của kế hoạch chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động nghề lưới kéo và tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản đến năn 2020 trên địa bàn tỉnh, đến tháng 6-2020 sẽ chấm dứt loại hình tàu hành nghề lưới kéo. Tuy nhiên, lộ trình này hiện đang ách lại vì gặp không ít khó khăn.
Ngư dân bốc cá tại cảng phường 5, TP.Vũng Tàu. |
BR-VT là một trong những tỉnh có đội tàu lưới kéo lớn nhất nước với khoảng 1.600 chiếc (chiếm 28%), trong đó tàu lưới kéo công suất trên 90CV chiếm hơn 97%. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, nghề lưới kéo chủ yếu khai thác tầng đáy, có quy mô hoạt động lớn, chiều dài tàu thường trên 20m, công suất máy chính trên 500CV. Trung bình sản lượng khai thác của một cặp tàu lưới kéo khoảng 15 tấn/20 ngày, tuy nhiên tỷ lệ sản phẩm có giá trị kinh tế trong nhóm lưới kéo chưa tới 50%. Do đó, nghề này đang ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi hải sản.
Trước thực trạng này, các ban, ngành và địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm số lượng tàu lưới kéo. Tuy nhiên, do thiếu vốn, kỹ thuật và cả nhân công lao động trong khi nhà nước vẫn chưa có chính sách hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi ngành nghề… nên chủ trương chuyển đổi gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Thăng (ấp Phước Thắng, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) - ngư dân đã hành nghề lưới kéo trên 15 năm - cho biết, trước đây, sau những chuyến biển kéo dài khoảng 1 tháng, ông thu lãi bình quân 90-100 triệu đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, sản lượng đánh bắt giảm mạnh khiến số lượng chuyến biển thua lỗ ngày càng nhiều. Ông Thăng cho biết: “Thấy phương thức đánh bắt bằng lưới kéo rất có hại cho nguồn lợi, tôi rất muốn chuyển đổi, nhưng đến nay chưa thực hiện do thiếu vốn. Ví dụ như cặp tàu lưới kéo của tôi muốn chuyển sang lưới vây phải tốn khoảng 2,5-3 tỷ đồng. Đây là số tiền quá lớn, cộng với việc một vài năm gần đây việc đánh bắt không thuận lợi nên tôi không có đủ khả năng để chuyển đổi”.
Bên cạnh thiếu vốn, các ngư dân hành nghề lưới kéo trên địa bàn tỉnh cho biết, chuyển đổi sang đánh bắt từ lưới kéo sang các loại hình khác không chỉ là đổi hệ thống lưới mà còn phải thay đổi cả tập quán, kỹ năng của tài công và bạn tàu. Ông Nguyễn Đình Tân (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết: “Những năm gần đây, việc tìm kiếm tài công và bạn tàu để đi biển đã khó, nếu chuyển đổi sang các nghề khác như lưới rê, lưới vây, lưới chụp… phải đào tạo lại khiến khó càng thêm khó. Bên cạnh đó, tôi cũng đã quen với phương thức, mùa vụ đánh bắt bằng lưới kéo nên việc chuyển đổi khá nan giải”.
Từ những nguyên nhân trên, việc chuyển đổi nghề lưới kéo của tỉnh diễn ra khá chậm, chỉ giảm được hơn 200 chiếc so với năm 2017. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, dù việc chuyển đổi nghề lưới kéo gặp nhiều khó khăn, nhưng đây là việc cấp bách phải làm. Đặc biệt, đánh bắt chưa có chọn lọc là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Việt Nam bị EU phạt “thẻ vàng” trong xuất khẩu thủy hải sản. Để thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3738/QĐ-UBND ngày 28-12-2018 điều chỉnh kế hoạch thực hiện chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động nghề lưới kéo và tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản đến năm 2020 và định hướng đến 2025. Cụ thể, mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020, tổng đội tàu đánh bắt chỉ còn 5.000 chiếc; đến tháng 6-2020 chấm dứt loại hình tàu lưới kéo trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện hiệu quả, nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh kiến nghị cần xây dựng chính sách riêng phù hợp với BR-VT, nhất là về vấn đề vốn. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chuyên gia cần tiếp tục giới thiệu đến ngư dân các hình thức đánh bắt phù hợp với đặc điểm từng đội tàu cá trong tỉnh để bà con nắm rõ, làm quen được kỹ thuật đánh bắt mới sau chuyển đổi; mở các lớp đào tạo lao động nghề biển chuyên nghiệp và phù hợp với các hình thức đánh bắt khác.
Tại hội nghị chuyển đổi nghề lưới kéo sang nghề khai thác thủy sản khác được tổ chức tại BR-VT đầu tháng 4-2019, ông Nguyễn Xuân Thi, Phân Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam cho rằng, BR-VT cần trở thành địa phương tiên phong cả nước thực hiện xong việc chuyển đổi nghề lưới kéo, bởi tỉnh có đầy đủ các điều kiện về nguồn lực kinh tế, nhân lực để thực hiện việc này. “Việc chuyển đổi chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, do đó, tỉnh cần có lộ trình cụ thể để thực hiện hiệu quả việc này. Cụ thể, cần thiết thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về chuyển đổi ngành nghề và định hướng đánh bắt có chọn lọc với đầy đủ các cơ quan chức năng nhằm kết nối ngư dân, nhà khoa học, đơn vị tài chính, DN chế biến, xuất khẩu để thực hiện các giải pháp đồng bộ. Bên cạnh biện pháp dài hạn, trong quá trình chuyển đổi tỉnh có thể nghiên cứu một số giải pháp tạm thời, như việc cho ngư dân gắn thiết bị thoát cá nhỏ, cá con…”, ông Thi nói.
Bài, ảnh: QUANG VINH