.

Chủ động phòng chống dịch tả heo Châu Phi: "Căng mình" túc trực ở chốt kiểm dịch

Cập nhật: 17:46, 30/05/2019 (GMT+7)

Trước thông tin dịch tả heo châu Phi ngày càng lan rộng tại các tỉnh Đông Nam bộ, BR-VT đã tăng cường thêm lực lượng và các trạm, chốt kiểm dịch. Những ngày này, tại các chốt kiểm dịch, các lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ, kiểm soát chặt chẽ xe chở động vật ra - vào tỉnh.

Xe chở heo dừng lại tại chốt thôn Chồi Đồng, xã Cù Bị để làm thủ tục kiểm dịch.
Xe chở heo dừng lại tại chốt thôn Chồi Đồng, xã Cù Bị để làm thủ tục kiểm dịch.

TÚC TRỰC 24/24 GIỜ

9 giờ sáng ngày 29-5, chúng tôi có mặt tại chốt kiểm dịch thôn Chồi Đồng, xã Cù Bị, huyện Châu Đức, một ô tô mang BKS 60C-42013 chở khoảng 50 con heo đang đi từ phía xã Bàu Cạn (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vào BR-VT. Ông Lê Thành Long, Trưởng chốt kiểm dịch nhanh chóng kiểm tra các loại giấy tờ liên quan. Trong khi đó, ông Đào Văn Phấn, cán bộ thú y xã Cù Bị đưa vòi xịt hóa chất tiêu độc, khử trùng xung quanh thân ô tô. Sau khi kiểm tra, xe chở heo bảo đảm các giấy tờ quy định nguồn gốc xuất xứ, ông Lê Thành Long ra hiệu để chủ phương tiện tiếp tục di chuyển.

Ông Lê Thành Long cho biết, Cù Bị là xã giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, do đó tại đây đã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời. Sau 19 ngày đi vào hoạt động, đã có hàng chục ô tô vận chuyển heo từ tỉnh Đồng Nai đi qua địa bàn. Tất cả các xe đều được chốt kiểm tra và thực hiện việc phun tiêu độc khử trùng trước khi heo được vận chuyển vào BR-VT.

Còn tại chốt lưu động kiểm dịch tại Tỉnh lộ 765 đi qua xã Bình Trung, huyện Châu Đức, khi chở heo qua đây, thấy hiệu lệnh của lực lượng trực chốt, ông Nguyễn Văn An, lái xe có BKS 86C.03144 nhanh chóng di chuyển xe vào nơi quy định và xuất trình các loại giấy liên quan để làm thủ tục kiểm dịch. Theo đó, xe chở hơn 100 con heo cho một thương lái xuất phát từ xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để vào tiêu thụ tại BR-VT. Theo lực lượng trực tại chốt lưu động, do đây là địa bàn ở vùng giáp ranh có dịch nên luôn phải “trực chiến” thường xuyên 24/24 giờ; xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra.

Theo ghi nhận tại chốt kiểm dịch xã Bình Trung luôn có 10 cán bộ gồm nhân viên thú y, công an huyện, công an xã và dân quân tự vệ thay ca trực 24/24 giờ. Đây cũng được xem là “điểm nóng” trung chuyển heo từ các tỉnh vào BR-VT. Ông Nguyễn Quốc Huỳnh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã đồng thời phụ trách chốt kiểm dịch cho biết: “Đây là con đường giáp ranh với địa phận xã Lâm Sang, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10-15 chuyến xe ô tô chở từ 1.500-2.000 con heo đi qua. Để tiêu độc khử trùng các xe vận chuyển heo, mỗi ngày chốt kiểm dịch sử dụng 1,5 tạ vôi bột và 30 lít thuốc sát trùng”.

Cán bộ chốt kiểm dịch xã Bình Trung thực hiện kiểm tra, kiểm dịch xe chở heo từ tỉnh Đồng Nai vào BR-VT qua  Tỉnh lộ 765.. Ảnh: MỸ LƯƠNG
Cán bộ chốt kiểm dịch xã Bình Trung thực hiện kiểm tra, kiểm dịch xe chở heo từ tỉnh Đồng Nai vào BR-VT qua Tỉnh lộ 765.. Ảnh: MỸ LƯƠNG

Tại điểm chốt xã Xà Bang luôn có cán bộ xã, phòng nông nghiệp và đội kiểm dịch thay nhau túc trực tại điểm chốt. Có mặt tại đây chị Trần Thị Thanh Hiếu, cán bộ nông nghiệp xã cho biết: “Xã Xà Bang có khoảng 2.500 con heo, tập trung tại các ấp như Liên Hiệp 1, Liên Sơn, Liên Đức. Để bảo vệ đàn heo, ngoài lập chốt kiểm dịch, chúng tôi còn tuyên truyền, thông báo tình hình dịch bệnh tới các hộ chăn nuôi để bà con có biện pháp phòng chống”. Cũng theo bà Hiếu, những ngày qua lượng xe chở heo lưu thông qua đây không nhiều, trung bình chỉ 1-2 xe, số lượng heo vận chuyển từ 100-200 con mỗi ngày. Tuy nhiên, có một số lái xe nắm được địa điểm của chốt kiểm dịch nên đã có hiện tượng cho xe đi vào đường khác, nhằm tránh sự kiểm tra, xã Xà Bang đã có báo cáo tới Phòng Nông nghiệp huyện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để có phương án giải quyết.

Tại huyện Xuyên Mộc, chốt kiểm dịch cũng được thành lập tại Tỉnh lộ 329 ấp Bàu Sôi, xã Tân Lâm, đây là xã có điểm giáp ranh với tỉnh Bình Thuận. Dù Bình Thuận chưa xuất hiện dịch, tuy nhiên hoạt động kiểm tra, kiểm dịch tại đây cũng diễn ra hết sức nghiêm túc.

Trong khi đó, tại TX.Phú Mỹ lượng xe chở heo từ các tỉnh lân cận hầu hết đều đi qua Quốc lộ 51, tuy nhiên để tránh bỏ sót các xe đi đường nhánh, đường tắt, một chốt kiểm dịch cũng được thành lập ngay tại ấp Bình Phước, xã Sông Xoài, địa điểm giáp ranh với xã Cù Bị, huyện Châu Đức và xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Heo vận chuyển qua địa bàn xã Sông Xoài để tới các lò mổ và về các kho dự trữ tại huyện Châu Đức, do đó việc kiểm tra, khử trùng được thực hiện nghiêm túc. Các xe chở các loại động vật qua các trạm đều phải dừng lại để kiểm tra và tiêu độc, khử trùng. Riêng đối với các xe chở heo, dù có giấy tờ chứng minh nguồn gốc nhưng không thuộc các trại có giấy chứng nhận an toàn đối với dịch tả và lở mồm long móng thì cũng không cho phép qua trạm.

KIỂM SOÁT NGHIÊM NGẶT CÁC TRẠI HEO NỘI TỈNH

Đến nay, toàn tỉnh đã có 12 chốt kiểm dịch liên ngành được thành lập tại các tuyến Quốc lộ 51, 55, 56 và một số tuyến đường tắt, đường nhánh nhỏ qua các lô cao su hoặc khu vực dân sinh tại huyện Xuyên Mộc, huyện Châu Đức và TX.Phú Mỹ. Nhiệm vụ của các chốt kiểm dịch là kiểm tra giấy tờ chứng minh nguồn gốc heo, kiểm tra lâm sàng trạng thái của heo trên xe, nếu không có dấu hiệu bất thường các phương tiện này sẽ được phun thuốc, tiêu độc khử trùng rồi mới được vận chuyển heo vào địa bàn BR-VT. Ông Trần Văn Thuận, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết: Toàn huyện Châu Đức hiện có gần 2.800 cơ sở chăn nuôi heo và 56 trang trại với tổng đàn hơn 170.000 con (trong đó có 8 trang trại chăn nuôi chuồng khép kín và 48 trang trại chăn nuôi chuồng hở). Huyện Châu Đức cũng là địa phương có nhiều điểm giáp ranh với tỉnh Đồng Nai - nơi đã xuất hiện dịch bệnh. Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã thành lập 7 chốt kiểm dịch tạm thời.

Ngoài việc tăng cường trạm, chốt kiểm dịch, các địa phương trên địa bàn tỉnh cũng nhanh chóng triển khai các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi có thể lây lan. Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, trong thời gian qua, Chi cục đã phân công cán bộ kỹ thuật về các địa phương để hỗ trợ, giám sát, lấy thông tin, mẫu xét nghiệm khi có dấu hiệu dịch bệnh hoặc phát hiện heo chết không rõ nguyên nhân. Đồng thời thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý thông tin từ người dân. Ngoài công tác phòng ngừa, cơ quan chức năng cũng đã chuẩn bị sẵn các phương án về nhân lực, kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện để kịp thời triển khai khi có dịch bệnh xảy ra; rà soát dự phòng sẵn phương án tiêu hủy, nơi chôn, đốt heo bệnh...

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, hiện tại giá heo trên địa bàn tỉnh đã giảm sâu chỉ còn khoảng 30-33 ngàn đồng/kg (giảm 10-12 ngàn đồng/kg so với 1 tháng trước). Số lượng thu mua tại các lò mổ cũng giảm xuống một nửa so với trước đây. Ghi nhận tại lò mổ thôn Lạc Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức hiện giảm từ 50 con/ngày xuống còn 20 con/ngày. Trong khi đó, sức tiêu thụ thịt heo tại các chợ cũng giảm mạnh 50% so với 2 tuần trước.

Theo Sở NN-PTNT, hiện Công ty CP Việt Nam có 1 hệ thống chăn nuôi gia công heo thịt và một số cơ sở chăn nuôi heo giống trên địa bàn tỉnh, cụ thể: có 19 cơ sở chăn nuôi gia công heo thịt với số lượng 18.000 con và 17 cơ sở chăn nuôi heo giống với số lượng khoảng 20.000 heo nái, 50.000 heo hậu bị. Tuy nhiên, hiện nay dịch tả heo châu Phi đã xảy ra trên địa bàn huyện Trảng Bom, huyện Nhơn Trạch thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai và hàng ngày Trung tâm bán heo của Công ty CP Việt Nam (đặt tại huyện Châu Đức) có một lượng heo thịt trung bình được vận chuyển từ huyện Cẩm Mỹ và huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai về khoảng 600-700 con heo thịt; ngoài ra trung bình hàng tháng Công ty CP Việt Nam cũng đưa khoảng 5.000 heo giống vào tỉnh BR-VT để thực hiện việc chăn nuôi gia công, đây là mối nguy rất lớn dễ lây lan dịch bệnh dịch tả heo châu Phi vào địa bàn tỉnh. Do đó UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở NN-PTNT và các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý và thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển tại Trung tâm bán heo của Công ty CP Việt Nam, giám sát chặt chẽ việc đưa heo thịt vào Trung tâm để giao dịch buôn bán và kiểm soát chặt việc chuyển heo giống vào các cơ sở chăn nuôi gia công của Công ty trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đề nghị Công ty CP Việt Nam tạm ngưng việc chuyển heo thịt và heo giống từ các tỉnh lân cận về Trung tâm bán heo của Công ty tại huyện Châu Đức và các cơ sở chăn nuôi gia công trên địa bàn tỉnh BR-VT cho đến khi tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi tại các tỉnh lân cận ổn định và được kiểm soát triệt để.

Bài, ảnh: KIM HỒNG, VÕ THANH

.
.
.