Trước giờ G, khẩn trương khắc phục "thẻ vàng" của EU
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vừa khảo sát, kiểm tra tình hình triển khai công tác chống khai thác cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận những nỗ lực của tỉnh, song Đoàn nhận định vẫn còn nhiều bất cập cần được khắc phục để xóa “thẻ vàng” của EU.
VẪN CÒN NHIỀU HẠN CHẾ
Ông Nguyễn Bi, Phó Trưởng phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) cho biết, sau khi làm việc với UBND tỉnh, đi thực tế tại cảng Cát Lở (TP. Vũng Tàu) và hoạt động trạm bờ tại Chi cục Thủy sản, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong khắc phục “thẻ vàng” của EU. Tuy nhiên, công tác này trên thực tế vẫn còn nhiều hạn chế cần cải thiện. Cụ thể, tình trạng tàu cá của tỉnh xâm phạm vùng biển nước ngoài để khai thác có chiều hướng tăng và đứng đầu cả nước. Có đến 5 vụ/11 tàu/80 thuyền viên bị Indonesia bắt giữ; 24 tàu cá bị lực lượng hải quân phát hiện vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, số tàu cá đánh bắt xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn ít, chỉ có 537/2603 tàu đối với tàu dài từ 15-24m và 129/264 tàu đối với tàu dài trên 24m. “Sau khi đi thực tế, Đoàn kiểm tra nhận định, BR-VT chưa kiểm tra được tàu cá cũng như kiểm soát được sản lượng thủy, hải sản cập cảng. Tàu cá khai thác xa bờ chưa thực hiện đăng ký danh sách tàu ra vào cập các cảng cá được chỉ định của tỉnh. Các cảng cá hiện nay cũng chưa lập sổ theo dõi tàu cá ra vào cảng”, ông Bi thông tin.
Hiện nay, việc quản lý tàu cập cảng và xác nhận nguồn gốc thủy sản vẫn còn một số hạn chế. Trong ảnh Ngư dân ướp đá thủy sản để đem đến nơi tiêu thụ tại cảng INCOMAP, phường 5, TP. Vũng Tàu. |
Theo các cơ quan chức năng, những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Ông Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cho biết, trung bình mỗi ngày có 80 tàu cá đánh bắt tại vùng biển giáp ranh Việt Nam-Indonesia. Nhiều tàu cá trong số này thường lợi dụng đêm tối để tắt định vị và đánh bắt ở các vùng trái phép. Khi bị phát hiện, nhiều thuyền trưởng lấy các lý do như tàu chết máy trôi dạt để biện hộ nên việc xử lý khá khó khăn. Bên cạnh đó, các thiết bị giám sát hành trình vẫn chưa được cụ thể về chủng loại máy, đơn vị để các tàu cá gửi tín hiệu về nên việc quản lý vẫn gặp nhiều khó khăn.
Về việc quản lý tàu cá cập cảng và xác nhận nguồn gốc thủy sản, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc cảng Cát Lở, TP. Vũng Tàu cho biết, khi lực lượng quản lý của cảng tăng cường kiểm tra và xác nhận nguồn gốc thủy hải sản, nhiều tàu cá đã không bốc dỡ tại cảng nữa mà chuyển sang các bến, cảng nhỏ để trốn việc kiểm tra.
Phân loại cá tại cảng INCOMAP, phường 5, TP. Vũng Tàu. |
TĂNG CƯỜNG XỬ LÝ VI PHẠM
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 5.905 tàu cá khai thác thủy sản, trong đó có 2.898 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động khai thác xa bờ với các nghề: lưới vây, lưới rê, câu, chụp mực, lưới kéo…
Theo Chi cục Thủy sản, những năm gần đây, số lượng tàu cá BR-VT hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển các tỉnh và vùng chồng lấn, giáp ranh với các nước trong khu vực ngày càng nhiều. Trong đó, một số tàu vi phạm quy định về khai thác IUU như: hoạt động sai nghề, sai vùng, sử dụng ngư cụ thuộc danh mục cấm, không ghi nhật ký khai thác… Do đó, cuối năm 2018, Chi cục Thủy sản đã ban hành văn bản 966/CCTS-QLNC thông báo về xóa đăng ký vĩnh viễn đối với tàu cá trên địa bàn tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo đó, các chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước, không cho đóng mới thay thế tàu cá, buộc chủ tàu phải đóng tiền phạt để đưa các thuyền viên của tàu mình về nước.
Bên cạnh đó, sau khi xác định được các điểm hạn chế, bất cập trong khai thác hải sản hiện nay, cơ quan chức năng đã triển khai ngay các biện pháp để khắc phục. Cụ thể, Sở NN-PTNT đã kiểm tra, chấn chính và hướng dẫn Ban Quản lý các cảng cá thực hiện công tác ghi chép sổ sách theo dõi tàu ra vào cảng, thu sổ nhật ký khai thác và xác nhận nguồn gốc nguyên liệu theo quy định. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để rà soát, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả tàu cá theo đúng thời gian cho phép. Các cảng cá ngay lập tức được lắp đặt Internet để đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu quản lý tàu cá giữa các cơ quan chức năng theo quy định.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: “Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh triển khai một số giải pháp trong thời gian tới như: Chỉ đạo xây dựng, ban hành kế hoạch lộ trình để triển khai công tác tuyên truyền và phổ biến Luật Thủy sản 2017. Bên cạnh đó, cần có chủ trương thuê đơn vị tư vấn nhằm thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng bờ và vùng lộng để Sở có căn cứ quy định về hạn ngạch cấp giấy phép khai thác và ban hành bổ sung các nghề và loài cấm đánh bắt”.
Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT nhận định, BR-VT là một trong những địa phương có nhiều khả năng mà Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ kiểm tra vào tháng 6-7 tới. Các nguyên nhân chính là: Số lượng tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài đang đứng đầu cả nước; công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác về hồ sơ và sản lượng cũng cao nhất, với 504 bộ hồ sơ/51.104 tấn thủy hải sản được xác nhận qua các cảng. Một số tỉnh, thành khác lấy hồ sơ xác nhận của BR-VT để xuất sang châu Âu (như TP. Hồ Chí Minh); số lượng tàu cá xa bờ của tỉnh (có chiều dài trên 15m) cũng chiếm tỷ lệ cao, lên đến gần 50% trong đội tàu cá của tỉnh; vừa qua, đã có 4 hồ sơ chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU bị mắc lỗi. |
Đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, xác định việc khắc phục “thẻ vàng” của EU là lợi ích quốc gia chứ không phải chỉ riêng ngành thủy sản của tỉnh, thời gian tới, ngoài tuyên truyền, UBND tỉnh sẽ mạnh tay xử lý các tàu cá vi phạm. Các tàu cá bị lực lượng chức năng bắt giữ do xâm phạm vùng biển nước ngoài sẽ bị thu hồi giấy phép đánh bắt và bằng lái của thuyền trưởng, thậm chí, có thể phạt liên đới các tàu cá khác của chủ tàu nếu có. Đối với việc gắn máy định vị giám sát hành trình, lực lượng biên phòng cần làm chặt chẽ hơn, không để tàu chưa gắn loại máy này xuất bến. Các tàu lắp nhưng tắt máy không có lý do chính đáng cũng có thể bị tạm đình chỉ. Bên cạnh đó, cần giám sát, kiểm soát chặt chẽ các cảng cả trong quá trình xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, nếu vi phạm có thể đình chỉ hoạt động. Chính quyền các địa phương cũng cần kiểm soát chặt các bến cá nhỏ, không để xảy ra tình trạng ngư dân cập các cảng cá này để trốn tránh kiểm tra; cần xác nhận nguồn gốc để nhập cá ở các điểm không phép này. Đối với các DN chế biến, cần kiên quyết không thu mua đối với nguyên liệu thủy sản không được xác nhận nguồn gốc.
Bài, ảnh: QUANG VINH