.

Kỳ vọng lớn vào các nhà đầu tư Nhật Bản

Cập nhật: 17:47, 02/04/2019 (GMT+7)

BR-VT luôn xác định, Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư chiến lược để tập trung thu hút đầu tư. Và đến thời điểm này, theo Sở KH-ĐT, Nhật Bản đã có 33 dự án đầu tư tại BR-VT, xếp thứ 5 trong các quốc gia có vốn đầu tư FDI tại địa phương.

Xây dựng hạ tầng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 - KCN dành riêng thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.
Xây dựng hạ tầng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 - KCN dành riêng thu hút nhà đầu tư Nhật Bản.

Cụ thể, đến năm 2019, tổng số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Nhật Bản vào BR-VT đã đạt mức 2,6 tỷ USD. Dòng vốn đầu tư tập trung vào các lĩnh vực như sắt thép, kính, lọc hóa dầu...  Điều đặc biệt đối với các nhà đầu tư Nhật Bản là tỷ lệ vốn thực hiện đạt cao (khoảng 70% so với tổng vốn đầu tư đăng ký). Nhiều dự án quy mô lớn về công nghiệp đã và đang được đầu tư tại tỉnh với công nghệ hiện đại, có tính lan tỏa cao như: Công ty TNHH Thép Vinakyoei, Công ty TNHH ống thép Nippon Steel Việt Nam, Công ty TNHH Công nghiệp kính NSG Việt Nam, Công ty TNHH Nitori...

Năm 1995, Công ty TNHH Thép Vinakyoei là một trong những DN Nhật Bản đầu tiên đi vào hoạt động tại KCN Phú Mỹ 1 (TX.Phú Mỹ). Sau 24 năm đi vào hoạt động với công suất sản xuất ban đầu 350 ngàn tấn/năm, đến nay, Vina Kyoei đã xây dựng thêm một nhà máy luyện phôi thép công suất 500 ngàn tấn/năm, nâng công suất của nhà máy lên 850 ngàn tấn/năm, tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, sử dụng các thiết bị sản xuất tiên tiến nhất với công nghệ cán trực tiếp. Nhà máy đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 400 lao động. Ông Hiroyuki Iwasa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei cho biết: Công ty Thép Vina Kyoei là liên doanh đầu tiên giữa Nhật Bản và Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thép. Đây là một dự án phát triển tốt, trong thời gian tới, Vina Kyoei sẽ nâng công suất sản xuất lên đến 1 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng.

Năm 2017, Công ty TNHH Nitori Holdings Nhật Bản đầu tư 150 triệu USD xây dựng dự án Công ty TNHH Nitori BR-VT tại KCN Phú Mỹ 3 (TX. Phú Mỹ). Dự án có tổng công suất hơn 2 triệu sản phẩm/năm được chia làm 3 giai đoạn. Đến nay, dự án đi vào hoạt động giai đoạn 1 với ngành nghề sản xuất đồ gỗ, đồ nội thất, đồ ngoại thất và trang trí nội ngoại thất theo loại hình DN chế xuất và tạo công ăn việc làm cho 1.000 lao động. Hiện Công ty TNHH Nitori BR-VT đang triển khai giai đoạn 2.

Thống kê cho thấy, các DN Nhật Bản đầu tư vào BR-VT đều hoạt động hiệu quả và đang tạo việc làm cho 3.719 lao động. Riêng năm 2018, các DN Nhật Bản tại BR-VT đóng góp cho ngân sách Nhà nước 37 triệu USD. Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban quản lý các KCN, các dự án của DN Nhật Bản đã góp phần tạo nên nền công nghiệp hiện đại, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều tập đoàn và các công ty có thương hiệu lớn đã chọn BR-VT là địa điểm đầu tư như: Vinakyoei, Nippon, Asahi, Mitsubishi, Daichi, Sojitz, Sumitomo, Marubeni, Nitori…Với định hướng thu hút dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, gắn với phát triển bền vững, tỉnh luôn tạo những điều kiện tốt nhất, nỗ lực cải cách hành chính, nhất là về thuế, đất đai để hỗ trợ DN 2 nước hợp tác trên mọi lĩnh vực. Các kiến nghị, vấn đề liên quan đến công tác đầu tư đều được UBND tỉnh cùng các sở, ngành giải quyết nhanh chóng. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức các đoàn xúc tiến thu hút đầu tư kết hợp tổ chức hội thảo tại Nhật Bản; thiết lập “cửa sổ liên lạc” của tỉnh tại thành phố Kawasaki; thành lập Tổ công tác Japan Desk…

Trao đổi về việc thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: 5 năm qua, tỉnh đã triển khai kế hoạch dài hạn để thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản bằng những động thái tích cực: triển khai xây dựng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3; thành lập tổ chuyên viên để tiếp cận nhà đầu tư Nhật Bản; hàng năm tổ chức các đoàn công tác để tiếp cận với giới doanh nhân tại Nhật Bản để giới thiệu các dự án tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư đến với BR-VT. Tuy nhiên, kỳ vọng của tỉnh vẫn còn lớn hơn. Vì thế, trong thời gian tới là chú trọng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương chung của tỉnh. Đồng thời không ngừng tìm kiếm các nhà đầu tư có quy mô vốn lớn, sử dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, đầu tư vào các ngành và lĩnh vực có thế mạnh thu hút như dịch vụ logistics, cơ khí chế tạo, điện - điện tử, nhựa-hóa chất, hóa dầu. Bên cạnh đó,  tỉnh cũng đa dạng hóa các loại hình đầu tư như: xây dựng nhà xưởng có sẵn cho thuê, sẵn sàng về hạ tầng đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư Nhật Bản trong công nghiệp hỗ trợ.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.