Vốn ứ đọng, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận
Từ đầu năm đến nay, việc huy động vốn tại các ngân hàng tiếp tục tăng cao. Hiện nay, nguồn vốn cho vay tại các ngân hàng rất dồi dào, nhưng dư nợ tín dụng lại đạt thấp, nhiều ngân hàng đang dư tiền. Để khơi thông nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi. Tuy vậy, các DN vẫn khó tiếp cận nguồn vốn này.
Khách hàng giao dịch tại HDbank Vũng Tàu. |
NGUỒN VỐN DỒI DÀO
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT, từ đầu năm đến nay, nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng mạnh. Tính đến cuối quý I - 2019, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn tỉnh ước đạt 126.500 tỷ đồng, tăng 1,39% so với đầu năm. Trong khi đó, đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 69.800 tỷ đồng, tăng 3,94% so với đầu năm. Như vậy, so với số vốn huy động, tín dụng cho vay mới chỉ chiếm hơn một nửa.
Ông Lê Hùng, Trưởng Phòng Doanh nghiệp SHB Chi nhánh Vũng Tàu cho biết: Từ đầu năm đến nay, SHB đã huy động vốn 1.800 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, nguồn vốn cho vay tại SHB chỉ chiếm 50% vốn huy động. Không riêng gì SHB, nguồn vốn cho vay tại nhiều ngân hàng khác trên địa bàn tỉnh vẫn rất dồi dào. Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank, Chi nhánh BR-VT cho biết, nguồn vốn cho vay tại đơn vị chỉ chiếm 70-80% so với nguồn vốn huy động.
Trước thực trạng trên, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói cho vay nhằm khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn, Ngân hàng Bản Việt có gói vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng dành cho đối tượng DN này. Gói tín dụng có lãi suất cố định 8,5% /năm, áp dụng từ nay đến cuối năm 2019. BIDV có gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng đáp ứng nhu cầu vay mua nhà, ôtô, sản xuất kinh doanh của khách hàng cá nhân. Với gói vay này, khách hàng có thể lựa chọn linh hoạt các gói vay khác nhau, với lãi suất ưu đãi: gói lãi suất từ 7,3% trong 6 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; gói lãi suất từ 7,8%/năm trong 12 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; gói lãi suất từ 8,3%/năm trong 18 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân lần đầu; gói lãi suất từ 8,8%/năm trong 24 tháng đầu kể từ thời điểm giải ngân lần đầu… Thời gian giải ngân chương trình đến 30-6 hoặc đến khi cho vay hết gói.
Công nhân Công ty TNHH Tứ Hải phân loại kích cỡ cá đục xuất khẩu. |
DOANH NGHIỆP KHÓ TIẾP CẬN
Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh, hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn vay không dễ. Giám đốc một DN chế biến thủy sản xuất khẩu tại TP. Vũng Tàu cho biết: Thời gian qua, các ngân hàng đã có chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ và vừa nhưng DN rất khí tiếp cận được các nguồn vốn vay vì nhiều quy định ràng buộc khắt khe. “Theo quy định của ngân hàng, DN muốn vay vốn phải có tài sản thế chấp; quyết toán hàng năm phải bảo đảm để DN có thể trả nợ… Với DN mới thành lập còn thiếu vốn và tài sản thế chấp thì đây là những điều kiện bất khả thi”, vị giám đốc trên phân tích. Ông Trần Ngọc Trinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại tổng hợp tỉnh cho rằng, hiện nay thủ tục cho vay của các ngân hàng còn rườm rà. Việc thẩm định, phê duyệt khoản vay kéo dài, nhiều khi làm DN mất cơ hội đầu tư. Ông Trinh đề xuất: Để DN tiếp cận được vốn, ngân hàng nên chấp nhận giải ngân các khoản vay bằng việc thế chấp hợp đồng của DN, thay vì buộc DN phải có tài sản bảo đảm. Bởi lẽ, trong quá trình hoạt động, hầu hết các DN đều đã phải thế chấp tài sản cho ngân hàng để vay vốn.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm 2019 mới đây, ông Nguyễn Lợi - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh BR-VT đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành. Trong đó, ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các chương trình tín dụng, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, của ngành; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông...); tuân thủ các quy định và chỉ đạo của Thống đốc về cơ chế lãi suất.
|
Đại diện các ngân hàng cho biết, dư địa vốn còn nhiều và các ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng cá nhân, DN có phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi, đáp ứng các điều kiện vay. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là một DN, do đó khi vay vốn, DN phải chấp nhận sự giám sát của ngân hàng về dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, quá trình tiêu thụ sản phẩm… Có như vậy, ngân hàng mới bảo toàn được nguồn vốn.
Bài, ảnh: PHAN HÀ