Siết chặt cho vay tín dụng bất động sản
Chủ trương siết chặt tín dụng đổ vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản (BĐS) từ năm 2019 để tập trung vào sản xuất kinh- doanh khiến việc tiếp cận vốn của các dự án BĐS gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, việc siết chặt tín dụng vào BĐS là cần thiết. Vì nếu không siết chặt tín dụng BĐS, nguy cơ nợ xấu của DN và người dân đối với các ngân hàng sẽ khó tránh khỏi.
Khách hàng làm thủ tục vay tiền tại BIDV BRVT. |
NỢ XẤU TĂNG CAO VÌ BĐS
Từ đầu năm đến nay, lượng giao dịch BĐS tại các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục sôi động. Giá bán có nơi được đẩy lên gấp 2-3 lần so với thời điểm đầu năm 2018. Qua tìm hiểu được biết, người mua đất chủ yếu là mua rồi bán lại để kiếm lời, khiến giá đất không ngừng tăng.
Trên thực tế, không phải bây giờ mà từ năm 2014 đến nay khi thị trường BĐS ấm dần lên, nhiều ngân hàng thương mại đã xem việc cho vay BĐS là “miếng bánh” ngon và cho vay rất mạnh tay. Cho vay BĐS có lãi suất tốt, tài sản thế chấp được thẩm định một cách rõ ràng. Chính điều này cũng đã dẫn đến việc chủ đầu tư lấy dự án bất động sản làm tài sản thế chấp vay ngân hàng. Sau đó, họ lại huy động vốn từ khách hàng để mua dự án khác. Người mua đất, mua nhà cũng lấy hợp đồng với chủ đầu tư làm tài sản thế chấp vay ngân hàng. Trong khi đó, chính ngân hàng cho vay cũng không kiểm soát được tài sản của người vay mà chỉ căn cứ vào dự án hoặc hợp đồng mà họ trực tiếp thẩm định. Từ đó dẫn đến tình trạng, một tài sản có thể thế chấp nhiều ngân hàng khác nhau. Nếu thị trường BĐS quay đầu giảm giá thì cả bên vay lẫn ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi tất cả đang lao vào một thị trường ảo.
Theo NHNN, một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu tăng cao trong thời gian qua đó là do một số ngân hàng mạnh tay cho vay BĐS. Nhiều khoản nợ liên quan đến tài sản thế chấp là BĐS hiện chưa giải quyết được để thu hồi nợ. Trước thực trạng này, để hạn chế nợ xấu tăng cao, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã có chủ trương hạn chế tín dụng vào bất động sản. Trong đó, năm 2019, nguồn tín dụng vào BĐS sẽ được siết chặt. Một phần do vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn giảm từ 45% xuống 40% theo Thông tư 19. Đồng thời, quy định của Thông tư 19 cũng tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% nên tín dụng BĐS sẽ hẹp hơn.
NGÂN HÀNG CẨN TRỌNG HƠN VỚI CHO VAY BĐS
Khảo sát tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho biết: Hiện nay, lượng tiền cho vay trong lĩnh vực bất động sản của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trung bình chiếm khoảng 10-15% tỷ trọng số vốn. Các ngân hàng cho vay nhiều hơn có nguy cơ bị nợ xấu. Lo ngại về tình trạng “bong bóng” BĐS, trong thời gian qua, một số ngân hàng đã thận trọng hơn trong việc cho vay BĐS, chỉ cho vay các dự án nhỏ và khách hàng mua nhà khi ngân hàng này kiểm soát được tài sản thế chấp. Trong đó, ưu tiên khách hàng vay vốn dài hạn và có nhu cầu thực mua nhà để ở.
Ông Huỳnh Công Lợi, Giám đốc Vietinbank Bà Rịa- Vũng Tàu cho biết: Hiện nay, nguồn tín dụng cho vay BĐS tại đơn vị chỉ chiếm khoảng 20% tỷ trọng vốn. Trong quá trình thẩm định cho vay, đơn vị ưu tiên cho khách hàng vay vốn có nhu cầu thực mua nhà để ở, kiên quyết từ chối đới với các khoản vay để đầu cơ.
Ông Nguyễn Lợi, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh BR-VT cho biết: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019 là tiếp tục ưu tiên nguồn vốn vào lĩnh vực sản xuất- kinh doanh, hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực mà các ngân hàng phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng trong năm nay.
Theo các chuyên gia ngân hàng, để tránh thị trường BĐS rơi vào “bong bóng”, bên cạnh việc ban hành những quy định làm công cụ điều chỉnh tín dụng của Chính phủ, NHNN, đối với các ngân hàng thương mại, khi cho khách hàng vay để đầu tư hay mua BĐS, cần đánh giá chính xác về dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, vì đây chính là nguồn tiền quan trọng nhất để hoàn trả tiền vay.
Bài, ảnh: PHAN HÀ