Mục tiêu cải thiện PCI đang nghẽn ở đâu?
Thời gian qua, BR-VT đã triển khai thực hiện nhiều chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Tuy nhiên, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018 của BR-VT vẫn bất ngờ tụt 5 bậc, chỉ đứng thứ 21/64 tỉnh, thành trong cả nước. Vấn đề đặt ra là, các chỉ số đang cần được cải thiện là gì?
Năm 2018, chỉ số tiếp cận đất đai trong bộ chỉ số PCI của BR-VT tăng điểm. Trong ảnh: Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh xử lý hồ sơ đất của DN. Ảnh: QUANG VŨ |
Những kết quả đáng ghi nhận
Mặc dù rớt hạng nhưng trong 10 chỉ số thành phần, BR-VT có 6 chỉ số thành phần tăng điểm, bao gồm: Tiếp cận đất đai; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Tính năng động của chính quyền; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Đáng chú ý, sau nhiều nỗ lực của chính quyền tỉnh và sở ngành chức năng, năm nay chỉ số tiếp cận đất đai đã tăng điểm, từ 5,99 điểm (năm 2017) tăng lên 6,41 điểm, xếp 36/63 tỉnh/thành cả nước và xếp 6/8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT, Sở luôn xem việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định là nhiệm vụ quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các DN tham gia đầu tư kinh doanh, góp phần cải thiện và nâng hạng PCI. Để nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, góp phần đưa chỉ số PCI của tỉnh BR-VT năm 2018 đạt ở nhóm tốt, Sở TN-MT đã tổ chức công bố “Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020” và “Kế hoạch sử dụng đất 5 kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh BR-VT”; chú trọng rà soát TTHC về đất đai, nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, trả kết quả sớm cho DN; thường xuyên giám sát, kiểm tra, phê bình, nhắc nhở các bộ phận chuyên môn, viên chức và người lao động chậm trễ trong công tác tham mưu giải quyết thủ tục hành chính gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các DN và của người dân.
Việc đưa vào ứng dụng quy hoạch sử dụng đất trên thiết bị di động giúp BR-VT tăng chỉ số tiếp cận đất đai. Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở TN-MT) kiểm tra ứng dụng quy hoạch đất đai trên thiết bị di động. |
Tháng 6-2018, Sở đã ban hành Quyết định số 482/QĐ-STNMT về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh CCHC của Sở TN-MT giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, Sở đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các TTHC, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN khi thực hiện các TTHC. Nhờ đó, trong năm 2018, tỷ lệ hồ sơ đất đai giải quyết đúng hạn tiếp tục đạt ở mức cao (98,26% đối với hồ sơ tổ chức, DN và 97,35% đối với hồ sơ hộ gia đình, cá nhân). Đối với các trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, Sở TN-MT đều có các văn bản chấn chỉnh, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải quyết, kiểm tra, phê bình các bộ phận chuyên môn, công chức, viên chức tham mưu giải quyết chậm các thủ tục, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của DN.
Năm 2018, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất kinh doanh. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Ngọc Tùng chế biến bạch tuộc xuất khẩu. |
Năm 2018, tính tiên phong, năng động của lãnh đạo tỉnh trong việc giải quyết những vấn đề của DN cũng được DN đánh giá tích cực. Có 46,2% DN cho biết thái độ của chính quyền đối với khu vực tư nhân là tích cực; 76,3% DN đồng ý với nhận định “UBND tỉnh/thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các DNTN”, đây cũng là con số cao nhất trong vòng 5 năm qua. Liên quan tới công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho DN cũng phản ánh sự cải thiện trong đánh giá của DN đối với tính năng động của các cơ quan chính quyền địa phương. Cụ thể, 68,5% DN cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời thông qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc DN tại tỉnh; có tới 77,4% DN hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền với những vướng mắc, khó khăn mà họ phản ánh. Đây cũng là điểm tích cực của BR-VT khi những năm gần đây, hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với DN, nhà đầu tư được tổ chức 2 lần/năm. Sở KHĐT, Ban Quản lý các KCN, Sở TNMT và các ngành liên quan rà soát, bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các DN trong việc tiếp cận đất đai, tín dụng, chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN... Lãnh đạo tỉnh, các sở ngành, địa phương thường xuyên gặp mặt, đối thoại với DN trong khoảng thời gian từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 hàng ngày để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho các DN... Theo đó, chỉ số về “tính năng động của chính quyền tỉnh” tăng từ 5,45 điểm năm 2017 lên 5,49 điểm năm 2018, cho thấy DN đã có đánh giá tích cực trong việc giải quyết các vấn đề đối với DN của chính quyền tỉnh. Đánh giá về môi trường đầu tư kinh doanh tại BR-VT của các DN cũng theo chiều hướng tích cực hơn. Những gánh nặng thủ tục giai đoạn hậu đăng ký đối với DN đầu tư nước ngoài như bảo hiểm xã hội, thuế, lao động, cũng đã được giảm bớt so với những năm trước đó. Điều này cho thấy, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các cơ quan chức năng trong việc hỗ trợ nhà đầu tư, DN trong các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm
PCI là một chỉ số tổng hợp gồm 10 chỉ số thành phần, phản ánh lĩnh vực điều hành kinh tế có tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ DN; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Xét trên bảng tổng sắp cho thấy BR-VT vẫn còn nhiều việc phải làm hơn nữa để đạt mục tiêu thăng hạng PCI. Trong đó, có 4 chỉ số thành phần chưa được DN đánh giá cao như: Gia nhập thị trường; Tính minh bạch; Dịch vụ hỗ trợ DN và Đào tạo lao động. Đáng chú ý là riêng chỉ số tính minh bạch tại BR-VT, năm 2018 giảm 0,18 điểm, từ 6,36 điểm còn 6,18 điểm. “Đây là những vấn đề cần khắc phục, nếu không DN có lợi thế sẽ không phải là DN kinh doanh giỏi mà là DN quan hệ tốt”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận xét.
PCI là bộ chỉ số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam để đánh giá mức độ thuận lợi của thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh khác nhau (như thủ tục đăng ký kinh doanh, đất đai, giấy phép, thanh tra, kiểm tra, tham nhũng…) và mức độ hỗ trợ của chính quyền (như tính năng động, đào tạo nghề, giải quyết tranh chấp…) theo đánh giá của các DN dân doanh đang hoạt động tại địa phương. Gần 11.000 DN từ 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 20 địa phương đã tham gia trả lời điều tra PCI 2018..
|
Trước thực trạng đó, các cơ quan nhà nước cần có những biện pháp chính sách hiệu quả và kịp thời, cần tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa; nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ DN; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký DN… Muốn cải thiện chỉ số PCI để tăng thu hút đầu tư, tỉnh cần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi thành phần DN như: chi phí thời gian, tính minh bạch, tiếp cận thông tin, các chính sách hỗ trợ, tiếp cận đất đai... Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ.
NHÓM PV KINH TẾ