Hệ thống giao thông kết nối cảng "đói" vốn
Là cụm cảng có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ ba nhưng hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) chưa phát huy được hiệu quả vì kết nối giao thông đến cảng chưa thuận lợi. Do đó, việc sớm đầu tư tuyến giao thông kết nối để hút các DN xuất khẩu làm hàng, tăng sức cạnh tranh của cụm cảng CM-TV là hết sức cần thiết và cấp bách.
Dự án Quốc lộ 56 tuyến tránh TP. Bà Rịa đang phải tạm ngừng vì chưa được bố trí vốn. |
NHIỀU DỰ ÁN THIẾU VỐN
Toàn tỉnh có 8 dự án giao thông kết nối với hệ thống cảng gồm: đường liên cảng CM-TV (giai đoạn 1); cầu Phước An; đường Phước Hòa - Cái Mép; Quốc lộ 56 tuyến tránh TP. Bà Rịa; đường 991B từ QL51 đến hạ lưu cảng Cái Mép; đường Long Sơn - Cái Mép; đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải, đường trục chính BR-VT... Tuy nhiên, thời gian qua tiến độ thực hiện các dự án trên quá chậm.
Được khởi công từ năm 2012, dự án Quốc lộ 56 tuyến tránh TP. Bà Rịa có chiều dài 12,2km, tổng mức đầu tư 1.167 tỷ đồng. Trong đó, vốn Trung ương 433 tỷ đồng, vốn địa phương 734 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án (QLDA) giao thông khu vực cảng CM-TV làm chủ đầu tư. Đến nay, dự án mới hoàn thành 2/10 gói thầu, các gói thầu còn lại đã hoàn thành khoảng 44,6%. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, dự án này vẫn “nằm im” do chưa được Trung ương bố trí vốn.
Theo kế hoạch, dự án đường liên cảng Cái Mép-Thị Vải dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019 nhưng hiện còn khó khăn về vốn. |
Khởi công tháng 5-2018, dự án đường 991B kết nối Quốc lộ 51 đến hạ lưu cảng Cái Mép có tổng mức đầu tư 3.951 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương 3.232 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác 803 tỷ đồng. Trong năm 2018, dự án được ngân sách tỉnh bố trí 80,96 tỷ đồng và 800 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương. Đến nay, dự án đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng và rà phá bom mìn; khởi công xây lắp đoạn Km4+787,24 đến Km9+726,86, với tổng trị giá 1.727 tỷ đồng. Hiện Ban QLDA đã hoàn thiện hồ sơ thiết kế đoạn còn lại nhưng cũng chưa triển khai do chưa được bố trí vốn.
Tương tự, dự án đường liên cảng CM-TV mới hoàn thành 60% khối lượng công việc, đường Phước Hòa-Cái Mép mới hoàn thành 65% khối lượng công việc. Còn lại, các dự án đường sau cảng Mỹ Xuân-Thị Vải, cầu Phước An… vẫn chưa hẹn ngày khởi công vì thiếu vốn.
ƯU TIÊN VỐN CHO CÁC CÔNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM
Theo thống kê của Bộ GT-VT, khu vực cảng CM-TV chỉ có khoảng 15% lượng container làm thủ tục hải quan tại BR-VT và sử dụng đường bộ, còn lại 85% vẫn sử dụng sà lan vận chuyển về TP. Hồ Chí Minh và các khu vực khác để thông quan. Nguyên nhân khiến cho công suất trung chuyển hàng hóa qua hệ thống cảng khu vực CM-TV thấp là do giao thông kết nối thiếu đồng bộ với các tuyến cao tốc đường bộ trong vùng. Mặt khác, do chi phí giao thông đường bộ quá cao, khó khăn về giao thông kết nối nên nhiều chủ hàng không cập cảng CM-TV mà vận chuyển hàng bằng sà lan đến các cảng khác thuận lợi và chi phí rẻ hơn. Trong khi đó, sự kết nối giữa 2 tuyến cao tốc trong vùng là Long Thành - Bến Lức đang xây dựng, tuyến Trung Lương - Long Thành - Dầu Giây với nhóm cảng biển số 5 (Đông Nam Bộ) còn yếu.
Năm 2019, UBND tỉnh đã có kế hoạch bố trí 155 tỷ đồng cho dự án đường Phước Hòa-Cái Mép. Ảnh: TRÀ NGÂN |
Trước thực trạng trên, tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai kế hoạch năm 2019, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông đã lưu ý, trước mắt cần ưu tiên vốn bố trí đầu tư tuyến đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Với các dự án Quốc lộ 56 tuyến tránh TP. Bà Rịa, đường 991B, cầu Phước An, Bộ GT-VT gợi ý UBND tỉnh nghiên cứu cách thực hiện theo hướng vận dụng đa dạng các nguồn vốn, không nên chờ Trung ương phân bổ vì sẽ làm chậm tiến độ triển khai thực hiện các dự án. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với tỉnh BR-VT và các bộ, ngành liên quan để bàn giải pháp kêu gọi vốn đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vào khu vực này.
Ông Nguyễn Văn Trình, Giám đốc Ban quản lý giao thông khu vực cảng CM-TV cho biết, với dự án đường 991B, tỉnh đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ bố trí nguồn vốn tiếp theo là 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn thu hồi chống ngập úng TP. Hồ Chí Minh và các nguồn vốn khác của Trung ương để tiếp tục đầu tư dự án. Đồng thời, theo kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công, năm 2019, UBND tỉnh đã có kế hoạch bố trí 110 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh để thực hiện dự án Quốc lộ 56 tuyến tránh TP. Bà Rịa; 155 tỷ đồng cho dự án đường Phước Hòa-Cái Mép; 200 tỷ đồng cho dự án đường 991B và 170 tỷ đồng để thực hiện các dự án khởi công mới gồm: cầu Phước An, đường Long Sơn - Cái Mép; đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải.
Do hệ thống giao thông kết nối chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên so với TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và một số nước trong khu vực, cụm cảng CM-TV kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Vào những ngày cuối tuần, từ CM-TV về TP. Hồ Chí Minh, các phương tiện vận tải phải mất 3-5 tiếng đồng hồ để di chuyển với quãng đường 60km. Hạ tầng giao thông kết nối yếu, phí cầu đường cao khiến các DN vận tải luôn e ngại khi giao nhận hàng tại CM-TV. Đây là trở ngại lớn cho việc thu hút hàng về CM-TV nói riêng và mục tiêu liên kết vùng nói chung.
(Ông Trần Hoài Nam, Tổng Giám đốc cảng TCIT). |
Các chuyên gia kinh tế phân tích, công suất khai thác cụm cảng CM-TV hiện mới đạt 40%, trong khi đây là một trong những cảng nước sâu lớn nhất thế giới, là cảng trung chuyển trong khu vực, có thể đón những tàu trọng tải lớn, quá cảnh đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Từ năm 2009 đến nay, các khoản thu từ cụm cảng CM-TV nộp về Trung ương đạt hơn 90 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư cho đường bộ kết nối cảng trên địa bàn tỉnh hiện chỉ bằng 7% so với tổng vốn đầu tư cho hệ thống bến cảng (5.770 tỷ đồng/84.398 tỷ đồng). Điều này là chưa tương xứng. Bởi khi hệ thống giao thông kết nối hoàn thiện, công suất khai thác của cụm cảng CM-TV có thể được nâng từ 40% lên 80% và sẽ nâng gấp đôi doanh thu cụm cảng CM-TV một năm lên mức 24.000 tỷ đồng.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN