Gỡ khó cho doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu
Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành liên quan thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về phế liệu nhập khẩu. Theo đó, những khó khăn của DN nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất đã được tháo gỡ.
Nhờ chỉ đạo của Chính phủ, những vướng mắc về nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất nhanh chóng được tháo gỡ, giúp DN yên tâm sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất thép tại Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam. |
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Công ty TNHH thép Tung Ho Việt Nam (KCN Phú Mỹ 2, TX. Phú Mỹ) đã trở lại hoạt động bình thường với công suất 400.000 tấn/năm (cán) và 1 triệu tấn/năm (luyện phôi thép) mà không lo thiếu nguyên liệu. Đó là nhờ những rào cản về nhập khẩu phế liệu vừa được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tháo gỡ.
Đại diện công ty cho biết, hàng tháng, công ty phải nhập khẩu 38.250 tấn phế liệu phục vụ cho việc sản xuất thép. Từ ngày 29-10-2018, Bộ TN-MT giao cho Sở TN-MT chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tại BR-VT kiểm tra phế liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, việc thực hiện quy trình này bị chậm trễ khiến việc nhập khẩu phế liệu để sản xuất của DN gặp khó khăn. Cụ thể, theo quy định, phế liệu chỉ được lưu 2 tuần ở cảng, sau đó thông quan và lấy hàng. Nhưng từ ngày 29-10-2018, hàng container đến cảng phải mất 2 tháng mới được thông quan khiến DN phải tốn nhiều chi phí. Trung bình mỗi tháng DN phải chi trả khoảng 500 ngàn USD tiền lưu container, lưu bãi và thiếu nhiên liệu để sản xuất. “Ngày 5-2, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan chức năng thay đổi phương thức kiểm tra về phế liệu nhập khẩu để tháo gỡ vướng mắc cho các DN nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Nhờ đó, việc nhập khẩu phế liệu của công ty không còn vướng mắc, hoạt động sản xuất cũng thuận lợi hơn, không tốn chi phí lưu container, lưu bãi”, đại diện Công ty TNHH Thép Tung Ho Việt Nam phấn khởi nói.
Theo một công ty chuyên sản xuất giấy tại KCN Mỹ Xuân A (TX. Phú Mỹ), phí lưu container, lưu bãi của ngành giấy khoảng 800 ngàn đến 1 triệu đồng/tấn nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, chi phí sản xuất cũng tăng thêm gần 10%, làm tăng giá thành, khiến sản phẩm sản xuất trong nước phải cạnh tranh rất vất vả với sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khu vực. Vì vậy, việc điều chỉnh phương thức kiểm tra nhà nước về phế liệu nhập khẩu sẽ giúp nhiều DN sản xuất giấy “dễ thở” hơn.
Ông Lê Văn Thung, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh cho biết: “Sau 15 ngày áp dụng hình thức kiểm tra mới theo tinh thần văn bản 1036/VPCP-TH, hàng hóa nhập khẩu được thông quan nhanh, DN không còn phàn nàn về thủ tục nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất. Nếu tiếp tục thực hiện theo hướng này thì chỉ trong thời gian ngắn nữa, tỉnh BR-VT sẽ giải quyết dứt điểm 3.000 container đang tồn đọng tại các cảng”. |
Tình trạng container tồn cảng ngày càng nhiều đã trở thành vấn đề nóng, bởi không những gây tốn kém cho cả DN lẫn cơ quan hải quan, mà còn tác động tiêu cực đến xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua, với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, Bộ TN-MT đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT (Thông tư 08) và Thông tư 09/2018/TT-BTNMT (Thông tư 09), nhằm kiểm soát và thông quan các loại phế liệu này. Trong đó có quy định, cán bộ Sở TN-MT các địa phương phải phối hợp với các cơ quan hữu quan để ra thông báo lô hàng có đạt chất lượng nhập khẩu hay không, cụ thể là phải kiểm tra 100% bằng mắt thường. Tuy nhiên, do ngành TN-MT không đủ nhân lực để thực hiện, trong khi kho bãi nhỏ, không thể sắp xếp container để kiểm tra cùng lúc… khiến DN phải chờ để kiểm tra, dẫn đến tình trạng container phế liệu tồn tại cảng ngày càng nhiều. Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, thay vì Sở TN-MT các địa phương thực hiện công tác kiểm tra, đơn vị giám định độc lập được Bộ TN-MT chỉ định sẽ tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả giám định, chất lượng của lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Ngày 5-2, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 1036/VPCP-TH về việc thay đổi phương thức kiểm tra nhà nước về chất lượng phế liệu nhập khẩu, trong đó yêu cầu Bộ TN-MT ban hành thông tư bãi bỏ những bất cập quy định tại Thông tư 08, 09, hoàn thành trước ngày 15-2. Tuy nhiên, đến nay Bộ TN-MT vẫn chưa ban hành thông tư này.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 DN nhập khẩu phế liệu với khối lượng nhập khẩu khoảng gần 10 triệu tấn/năm. Trung bình mỗi tháng có khoảng 100 hồ sơ của các DN xin nhập khẩu phế liệu đến cảng biển BR-VT. Ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong khi chờ Bộ TN-MT ban hành thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu, việc kiểm tra phế liệu nhập khẩu sẽ thực hiện theo văn bản 1036 của Văn phòng Chính phủ.
Bài, ảnh: QUANG VŨ