.

Chợ quê ngày giáp Tết

Cập nhật: 19:20, 02/02/2019 (GMT+7)

Tết đang đến rất gần, phiên chợ quê trên địa bàn các huyện cũng nhộn nhịp theo Tết. Những chuyến xe tất bật chở trái cây, hoa cảnh đổ về; người bán con gà, người bán măng tre, lá chuối, lá dong... Chợ quê ngày giáp Tết đã rộn ràng hơi thở mùa xuân.

.

Nếu như các chợ thị thành người chen lấn để đi mua sắm cuối năm, thì chợ quê ở các vùng nông thôn cũng có sự ồn ào riêng của mình. Chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức) những ngày giáp Tết từ 5 giờ sáng đã có người mua, kẻ bán. Ngoài những mặt hàng ngày thường, đâu đâu cũng bày bán đủ loại trái cây, gà, vịt, hoa kiểng, quần áo may sẵn… làm cả khu chợ vui tươi hơn những ngày thường.

Mọi người đi chợ để sắm Tết, tìm mua cho gia đình những vật dụng, thực phẩm cần thiết. Có người đến chợ chỉ để tìm mua được một cây mai, chậu cúc, nhưng quan trọng là để tìm lại không khí Tết của phiên chợ quê. Chị Lê Thị Thanh Thủy (khu phố 3, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) chia sẻ: “Cả năm mới có một cái Tết, đi chợ để mua cho mấy ngày Tết, mua đồ cho gia đình, mua quần áo mới cho 2 đứa con. Chợ Tết đông vui, nhiều mặt hàng hơn ngày thường nhưng cũng đắt hơn”.

Không nổi tiếng với nghề trồng hoa, nhưng đến hẹn lại lên, chợ hoa Xuân ở huyện Châu Đức hội tụ nhiều loài hoa đến từ các tỉnh Tiền Giang, Đồng Nai, Phú Yên… Nơi này lúc nào cũng đông đúc người đến thưởng lãm, chọn mua để mang về bày trí trong những ngày tết.

Theo anh Cổ Tấn Tuấn Kiệt (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức), năm nay các loại hoa cúc, hoa mai khá nhiều, giá bán tăng khoảng 10% so với giáp Tết năm 2018. Cúc đại đóa có giá bán dao động từ 600 ngàn đồng – 1,6 triệu đồng/cặp (tùy chậu lớn nhỏ); mai vàng dáng đẹp có giá từ 5 triệu đồng – 10 triệu đồng/cây. Dịp Tết này, anh đưa ra bày bán tại chợ Ngãi Giao hơn 300 chậu cúc đại đóa, mồng gà, cát tường, hướng dương… Đặc biệt, có cây mai “khủng” tuổi đời gần 90 năm, táng rộng 6m, cao hơn 5m, gốc nu… đang bày bán tại chợ Ngãi Giao, khách hàng đã trả giá hơn 600 triệu đồng, nhưng anh Kiệt chưa chịu bán.

Cây mai “khủng” của anh Cổ Tấn Tuấn Kiệt (huyện Châu Đức), được trả giá hơn 600 triệu đồng.
Cây mai “khủng” của anh Cổ Tấn Tuấn Kiệt (huyện Châu Đức), được trả giá hơn 600 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Trí (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) chọn được chậu hoa hướng dương ưng ý.
Anh Nguyễn Văn Trí (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) chọn được chậu hoa hướng dương ưng ý.

Không tập trung một điểm như chợ Ngãi Giao (Châu Đức), các mặt hàng Tết như: Trái Phật thủ, thơm đỏ, sung, dừa, bưởi, dưa hấu, đồ gỗ, cây kiểng… ở huyện Xuyên Mộc được bày bán ngay trên trục đường chính của thị trấn Phước Bửu, rất thuận lợi cho khách đến xem và mua hàng. Chị Lê Thị Kim Oanh (xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) cho biết, năm nay gia đình đưa ra bán hơn 150 chậu cúc vàng hè, giá bán 350 ngàn đồng/chậu. Giá bán có cao hơn năm ngoái chút ít, sức mua cũng tăng dần nhưng chưa mạnh.

Những mặt hàng do nông dân sản xuất đưa ra bán tại các chợ quê như lá dong, lá chuối, lạt, gà, vịt, nải chuối xanh… cũng khá nhiều. Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho biết, Tết này, gia đình bán hơn 40 con gà ta, giá bán khoảng 100 ngàn đồng/kg, kiếm được gần chục triệu đồng, cũng đủ mua sắm trong gia đình trong những ngày Tết.

Lá dong, lá chuối, lạt gói bánh được bán khá nhiều tại chợ Bà Tô (huyện Xuyên Mộc).
Lá dong, lá chuối, lạt gói bánh được bán khá nhiều tại chợ Bà Tô (huyện Xuyên Mộc).

Chợ quê hôm nay cũng đầy đủ các loại bánh kẹo, mứt Tết và quần áo chẳng khác gì chợ trên phố. Nhiều tiểu thương cũng tranh thủ lấy mối quần áo về bán cho những gia đình không có điều kiện lên thành thị mua sắm. Do đó, những gian hàng quần áo, giày dép lúc nào cũng tấp nập người mua. Chị Nguyễn Thị Thanh (xã Xà Bang, huyện Châu Đức) vừa lựa quần áo cho con vừa nói: Đến Tết, ngoài việc sắm thêm bánh kẹo thì phải mua quần áo mới cho con trẻ, nhưng tôi lại không có thời gian xuống Bà Rịa nên đi chợ quê là tiện nhất. Chẳng thiếu thứ gì.

Gian hàng giày dép bày bán tại chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức), được người dân ở các xã ra mua cho con trẻ mang trong những ngày Tết.
Gian hàng giày dép bày bán tại chợ Ngãi Giao (huyện Châu Đức), được người dân ở các xã ra mua cho con trẻ mang trong những ngày Tết.

Với nhiều người, chợ quê ngày Tết không chỉ để mua bán mà còn nơi để gặp gỡ nhau dịp cuối năm. Anh Nguyễn Văn Hòa (xã Bình Giã, huyện Châu Đức) dẫn đứa con nhỏ 6 tuổi đi dạo chợ quê, không phải để mua sắm gì nhiều, mà chỉ là để ôn lại tuổi thơ. Anh Hòa tâm sự: “Tôi định cư ở Mỹ gần 10 năm nay, nhưng vẫn không quên cái không khí chợ quê những ngày gần Tết, mẹ dẫn đi mua quần áo mới mà mừng hớn hở. Rồi nhìn thấy những hàng bánh, kẹo, đồ chơi…, tôi lại đòi mẹ mua cho bằng được”.

Nhiều người con xa quê như anh Hòa, trở về đi chợ quê chỉ để tìm lại những ký ức và được hít thở hương vị Tết lẫn trong sắc màu của nhiều loại hoa. Ở đó, chôn giấu nhiều kỷ niệm tuổi thơ và nét đẹp xưa cũ thể hiện đời sống ở các vùng nông thôn.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

.
.
.