Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ
Năm 2018, tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh có sự tăng trưởng vượt bậc. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có sự bứt phá mạnh mẽ nhờ có nhiều dự án mới được đưa vào sản xuất.
NHIỀU LĨNH VỰC BỨT PHÁ
Dự kiến, năm 2018, sản xuất công nghiệp (trừ dầu thô và khí đốt) tăng 8,72%, vượt Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra (8,56%). Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với mức tăng 11,53%. Trong năm 2018, có 19 dự án mới đưa vào hoạt động, góp phần không nhỏ vào mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Trong đó, có thể kể đến các dự án như: Công ty TNHH Deajoo Vina; Công ty TNHH SungJin; Công ty TNHH CJ Food; Công ty TNHH bột mì CJ mở rộng… Đây chủ yếu là các dự án may mặc, sản xuất mạch nha, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa.
Sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH May Tân Mỹ (CCN Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ). Ảnh: VÂN ANH
|
Trong năm 2018, mặc dù vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, nhưng nhiều DN ngành dầu khí đã nỗ lực “về đích” sớm. Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) là một ví dụ. Tính đến đầu tháng 10-2018, sản lượng khai thác dầu của PVEP đạt 2,38 triệu tấn, vượt 10% kế hoạch; sản lượng khai thác khí đạt 802 triệu m3, vượt 11% kế hoạch. Về các chỉ tiêu tài chính, tính đến đầu tháng 10, PVEP đã hoàn thành kế hoạch của cả năm 2018, với tổng doanh thu đạt 28.351 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch năm 2018; lợi nhuận trước thuế đạt 7.019 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 7.948 tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch năm. Tương tự, ngày 26-11 vừa qua, Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông đã đạt 100% kế hoạch khai thác khí năm 2018. Cùng thời điểm này, Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT) - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản lượng được Tổng Công ty giao trong năm 2018.
ĐẨY MẠNH HỖ TRỢ DN
Nhằm góp phần tạo lực đẩy cho các ngành công nghiệp trọng điểm, tỉnh đang tập trung nguồn lực tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo nguồn vốn, mặt bằng và các chương trình hỗ trợ thiết thực. Bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã triển khai các hoạt động thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Cụ thể, tỉnh xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực cho từng giai đoạn, trong đó tập trung vào các chính sách hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ kinh phí cho 114 lượt DN tham gia “Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa tỉnh giai đoạn 2014-2020”, với tổng kinh phí đã chi hỗ trợ 4,54 tỷ đồng, giúp DN đầu tư thiết bị, công nghệ mới, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Trong hoạt động hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã triển khai chương trình kết nối giữa các ngân hàng thương mại với DN, với tổng số tiền cam kết cho vay 5.016 tỷ đồng. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí khuyến công, các DN được hỗ trợ để đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Riêng năm 2018, đã có 40 đề án được Sở Công thương đưa vào chương trình khuyến công.
Sản xuất thép tấm lá tại Công ty thép tấm lá Thống Nhất (TX.Phú Mỹ). Ảnh: TUYẾT MAI
|
Từ sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Công ty CP Đại Hồng Sơn (TP.Vũng Tàu) cho biết: Thời gian qua, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung công suất 70 triệu viên/năm với tổng kinh phí 6 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 400 triệu đồng. Việc đầu tư dây chuyền sản xuất gạch không nung giúp DN tạo ra sản phẩm mới trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh. Hiện nay, công ty tạo việc làm cho 40 lao động, với thu nhập ổn định 6 triệu đồng/người/tháng.
NGÔ GIA