.

Kinh tế tập thể khởi sắc

Cập nhật: 16:36, 09/12/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây, huyện Đất Đỏ đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều HTX, tổ hợp tác “ăn nên làm ra”. 

Chăm sóc vụ hoa Tết tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phước Trung.
Chăm sóc vụ hoa Tết tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phước Trung.

Được thành lập từ năm 2016 với 25 xã viên, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phước Trung (xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ) không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên mà còn mở ra hướng phát triển mới cho nghề trồng hoa tại địa phương. Trước đây, khi HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phước Trung chưa thành lập, người dân tại xã Phước Long Thọ chủ yếu trồng rau, còn trồng hoa chỉ là tự phát, mạnh ai nấy làm, thị trường tiêu thụ hẹp. Từ khi HTX Nông nghiệp - Dịch vụ Phước Trung đi vào hoạt động, người trồng hoa tham gia HTX được ký kết với các đối tác bao tiêu sản phẩm nên thu nhập ổn định.

Tương tự, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Len (xã Láng Dài) cũng làm ăn hiệu quả từ khi được thành lập. Ông Lê Đức Viếng, Giám đốc HTX Len cho biết, HTX Len có tiền thân là tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt với 3 thành viên. Năm 2015, HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Len chính thức ra đời với 12 xã viên, canh tác trên diện tích nuôi trồng hơn 23ha. Khi thành lập HTX, Ban Giám đốc HTX chủ động tìm kiếm và liên kết với DN trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hiện cá lóc bông của HTX được tiêu thụ tại các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và xuất sang Campuchia. “Nuôi cá lóc bông giúp đem lại thu nhập ổn định cho các thành viên. Trung bình mỗi ao 1ha, cho thu hoạch khoảng 100 tấn cá, nếu thời điểm giá cá lóc bông cao xã viên cũng thu được khoảng vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên năm 2018, do nguồn nước cho cá lóc bông không bảo đảm phải điều tiết theo sinh trưởng của cây lúa nên diện tích nuôi cá lóc bông giảm 50%. HTX đã chuyển sang nuôi lồng ghép nhiều loại cá khác như mè trắng, trắm, mè bông. Thị trường tiêu thụ của các loại cá này cũng khá ổn định nên mỗi lứa nuôi (6 tháng) người dân thu lãi từ 80-100 triệu đồng sau khi trừ các chi phí. Tính đến tháng 11, tổng doanh thu của các thành viên trong HTX đạt hơn 7 tỷ đồng”, ông Lê Đức Viếng cho biết.

Chăm sóc cá tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Len.
Chăm sóc cá tại HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Nuôi trồng thủy sản Len.

Ông Hoàng Thanh Lâm, thành viên HTX Len cho biết: Trước đây, khi chưa vào HTX, ông cũng nuôi cá lóc bông nhưng chỉ nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu bán cho thương lái nên thường bị “ép giá”. Từ khi vào HTX, ông được địa phương tập huấn kỹ thuật nuôi cá, hỗ trợ vay vốn, tiêu thụ sản phẩm nên nguồn thu nhập cũng tăng cao.

10 năm trước nhắc đến HTX, tổ hợp tác nông dân vẫn còn e ngại thì đến thời điểm này mô hình HTX tại huyện Đất Đỏ đã được nông dân tích cực tham gia. Theo báo cáo của huyện Đất Đỏ, tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện có 6 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 170 thành viên; 59 tổ hợp tác với 424 thành viên. Trong số đó, một số HTX, tổ hợp tác đã chủ động đổi mới phương thức sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhờ đó doanh thu bình quân mỗi năm của các HTX, tổ hợp tác đạt từ 200 triệu đến hàng tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của xã viên 4 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Các HTX, tổ hợp tác đã góp phần rất lớn trong phát triển nông nghiệp, giải quyết nhu cầu việc làm cho lao động tại địa phương, qua đó cải thiện đời sống vật chất của người dân. “Thời gian tới, huyện sẽ tổ chức rà soát tình hình hoạt động của các HTX, rà soát và áp dụng tối đa các chính sách hỗ trợ HTX như: Cung cấp thông tin thị trường, tìm kiếm đầu ra, hỗ trợ HTX tiếp cận các nguồn vốn, xây dựng mô hình HTX kiểu mẫu…”, ông Lê Văn Hòa nói.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.