.

Xuất khẩu hồ tiêu tiếp tục "tuột dốc": Tìm hướng sản xuất bền vững

Cập nhật: 17:31, 11/11/2018 (GMT+7)

Thống kê mới nhất cho thấy, 10 tháng năm 2018 xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 207 ngàn tấn và 676 triệu USD, tăng 7,9% về khối lượng nhưng giảm tới 33,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất khẩu  hồ tiêu bình quân 10 tháng đầu năm ước chỉ đạt 3.266 USD/tấn, giảm tới 38,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Nông dân huyện Châu Đức thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: QUANG VINH
Nông dân huyện Châu Đức thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: QUANG VINH

Hồ tiêu từng được coi là “vàng đen” đem lại hàng tỷ USD mỗi năm cho nước ta. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, từ mức 220-240.000 đồng/kg, giá hồ tiêu đã “tuột dốc không phanh”, hiện chỉ còn 54-55.000 đồng/kg, thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Nguyên nhân được đánh giá là do nhu cầu thị trường hạn hẹp, việc xuất khẩu hồ tiêu của các DN vẫn không có tín hiệu tích cực, cộng với sự ảnh hưởng của giá hồ tiêu thế giới thấp. Ngoài ra, do trong thời gian dài, giá hồ tiêu tăng cao đem lại siêu lợi nhuận cho người trồng nên nông dân không ngừng mở rộng diện tích. Bằng chứng là, năm 2013, cả nước có khoảng 57.000ha hồ tiêu nhưng tới nay con số này vào khoảng 126.000ha. Tại BR-VT, theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 7.000ha, sản lượng tiêu khoảng 16.800 tấn, trong đó xuất khẩu 16.200 tấn, còn lại tiêu thụ nội địa. Thế nhưng tính đến nay, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã lên tới hơn 13.000ha, gần gấp đôi so với quy hoạch. Cung vượt cầu được xem là nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu giảm sâu. Không chỉ gia tăng sản xuất không theo quy hoạch, để tăng năng suất, tận dụng thời điểm giá cao, khi ứng phó với bệnh trên cây tiêu, nông dân trồng tiêu nhiều vùng đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc làm này đã dẫn đến tình trạng, sản phẩm tiêu chứa dư lượng các hoạt chất cấm cao, bị thị trường nhập khẩu cảnh báo, thậm chí từ chối nhập hàng.

Thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho thấy, tổng nhu cầu hồ tiêu trên thế giới chỉ vào khoảng 350.000 tấn/năm, tuy nhiên ước tính tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu hiện lên tới trên 547.000 tấn. Trong đó riêng Việt Nam đã cung ứng khoảng 200.000 tấn/năm, chiếm khoảng 62% tổng sản lượng hồ tiêu toàn cầu. Theo Hội Hồ tiêu BR-VT, trước thực trạng này, ngoài kiểm soát diện tích, vấn đề mấu chốt là nâng cao chất lượng hồ tiêu. Trước mắt muốn cải thiện chất lượng, tránh tình trạng hàng xuất đi bị trả về, các DN chế biến và xuất khẩu phải sát cánh, đồng hành cùng nông dân xây dựng những vùng trồng tiêu tập trung trọng điểm như Châu Đức, Xuyên Mộc... Khi đã hình thành được vùng nguyên liệu tập trung, các DN mới bắt tay vào đầu tư kỹ thuật, chuyển giao công nghệ trồng tiêu cho nông dân theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu.

Theo bà Phạm Thị Thúy Yến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, để nâng cao giá trị cho hồ tiêu BR-VT, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch phát triển “cánh đồng lớn” trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 với mục tiêu chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Lúa và hồ tiêu là 2 loại nông sản đầu tiên được chọn để thực hiện mô hình. Đây là 2 loại nông sản chủ lực, có diện tích canh tác lớn, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Theo khảo sát, đây cũng là 2 loại nông sản nhiều DN, HTX có nhu cầu đầu tư, liên kết với nông dân - điều kiện tiên quyết để mô hình này có thể thành công. Riêng đối với hồ tiêu, đến năm 2020, toàn tỉnh dự kiến có 2.600ha diện tích sản xuất theo hình thức cánh đồng lớn, năng suất khoảng 5.170 tấn/năm, sản phẩm đạt các tiêu chuẩn VietGAP/Global GAP, GAP/SAN… và được tiêu thụ thông qua hình thức liên kết giữa DN và người sản xuất, tăng giá trị nông sản BR-VT, đem lại lợi nhuận cao hơn cho cả DN và người nông dân. Hiện Công ty Nedspice Việt Nam (Bình Dương) là một trong những DN đầu tiên có kế hoạch đầu tư vào mô hình “cánh đồng lớn” tại BR-VT. Theo đó, các nông dân tham gia sẽ thực hiện theo quy trình sản xuất sạch theo chuẩn quốc tế, Công ty Nedspice thu mua và chế biến xuất khẩu. Hiện nay, mỗi năm công ty xuất khẩu ra các thị trường Mỹ, Nhật Bản, châu Âu khoảng 15 ngàn tấn hồ tiêu đã qua chế biến. Ông Lê Thanh Hùng, Quản lý Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, Công ty Nedspice Việt Nam cho biết, mô hình canh tác theo phương thức “cánh đồng lớn” có nhiều ưu điểm. Do diện tích sản xuất tập trung nên nông dân dễ áp dụng những kỹ thuật, công nghệ mới và cơ giới hóa sản xuất nông sản để nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm. Trong khi đó, theo ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ sản xuất Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc), hiện nay công ty đã liên kết được 12 thành viên với hơn 70ha sản xuất tiêu sạch hữu cơ, trong đó có 15ha được chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP, mỗi năm xuất khẩu 300 tấn tiêu tươi và tiêu đỏ. Công ty đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ để xin chủ trương của tỉnh nhằm xây dựng mô hình canh tác “cánh đồng lớn” trên diện tích 200ha tại xã Hòa Hiệp.

MINH AN

.
.
.