Các nhà máy xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh: Vì sao "đói" nguyên liệu?
BR-VT hiện có 7 DN xử lý chất thải nguy hại (CTNH) đang hoạt động. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào của các DN không đáp ứng đủ công suất thiết kế, thậm chí có những nhà máy chỉ mới hoạt động chưa đến 4% công suất.
HOẠT ĐỘNG CẦM CHỪNG
Nhà máy của Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến (Khu xử lý chất thải tập trung xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ) có công suất xử lý chất thải được cấp phép là hơn 279 tấn/ngày, trong đó, công suất xử lý CTNH là 79 tấn/ngày; chất thải công nghiệp (CTCN) là 200 tấn/ngày. Nguyên liệu đầu vào của nhà máy xử lý CTNH chủ yếu là đất phế, vảy cán từ các nhà máy thép và bột sắt. Tuy nhiên, hiện nay, nhà máy xử lý CTNH của công ty chỉ xử lý khoảng 3 tấn/ngày (tương đương với 3,8% công suất thiết kế), thậm chí có ngày, nhà máy không có nguyên liệu để xử lý. Trong khi đó, tổng mức đầu tư của nhà máy lên đến 100 tỷ đồng, với công nghệ hiện đại.
Nhà máy xử lý CTNH Quý Tiến đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng công suất hoạt động rất thấp. |
Ông Nguyễn Quý, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến cho biết, nhà máy hoạt động từ tháng 12-2017 và chỉ được cấp phép tiếp nhận CTNH nội tỉnh để xử lý. Vì vậy, nguyên liệu đầu vào rất khan hiếm. “Khi mới đi vào hoạt động, công ty có 50 lao động, kỹ thuật vận hành máy móc nhưng hiện nay chỉ còn 35 người. Nguyên nhân là do nguyên liệu đầu vào của nhà máy quá thấp, doanh thu thấp nên buộc phải cắt giảm lao động”, ông Quý nói.
Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xử lý CTNH nhưng hiện công suất xử lý rất thấp. |
Đại diện một DN xử lý CTNH khác cho biết: Nhiều năm qua, nhà máy của họ chỉ hoạt động với công suất 21 tấn/ngày (trong khi đó công suất thiết kế là 69 tấn/ngày), đạt 31,6% công suất thiết kế.
Theo báo cáo của Chi cục BVMT tỉnh (Sở TN-MT), toàn tỉnh hiện có 7 dự án xử lý CTNH đang hoạt động với tổng công suất xử lý CTNH là 256 tấn/ngày. Vậy nhưng cả 7 nhà máy xử lý CTNH đều thiếu nguyên liệu. Thống kê của Sở Xây dựng cũng cho thấy, một số nhà máy xử lý CTNH hoạt động với công suất rất thấp: Công ty CP Môi trường Sao Việt chỉ mới hoạt động đạt 55,84% công suất thiết kế; Nhà máy xử lý CTNH Hà Lộc đạt 31,6% công suất thiết kế; Nhà máy xử lý CTNH Sông Xanh (của Công ty TNHH Sông Xanh) chỉ đạt 27% công suất thiết kế… Giám đốc Công ty TNHH Xử lý môi trường sạch Việt Nam cho biết, với tổng kinh phí đầu tư ban đầu hơn 50 tỷ đồng, nhà máy xử lý CTNH của công ty có công suất xử lý 2.000 tấn/năm đi vào hoạt động từ đầu năm 2015. Nhưng từ đó đến nay nhà máy mới hoạt động đạt khoảng 60% công suất.
Xử lý CTNH tại Công ty TNHH Hà Lộc. |
BẤT CẬP: XUẤT ĐI, NHẬP VỀ
Có thể thấy rằng, việc quy hoạch các dự án xử lý chất thải tồn tại những bất cập ngay từ đầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cung vượt cầu” nêu trên. Chẳng hạn việc xác định nguồn thải (khối lượng, thành phần chất thải…) khi cấp giấy chứng nhận đầu tư chưa được xem xét kỹ dẫn đến mất cân đối giữa công suất các nhà máy và nhu cầu của tỉnh. Bên cạnh đó, việc phân bổ các loại hình xử lý chất thải cũng chưa cân đối. Một số nhà máy có chức năng xử lý CTNH như dung môi, bao bì, xỉ thép... thì vượt quá nhu cầu. Trong khi đó, bụi lò thép phát sinh với khối lượng lớn lại chưa có nhà máy xử lý. Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng các nhà máy xử lý chất thải nguy hại “đói” nguyên liệu là do một số DN phát sinh chất thải nguy hại trong tỉnh đã sớm ký hợp đồng xử lý với các nhà máy ngoài tỉnh, trước khi 7 nhà máy trên địa bàn tỉnh được đưa vào vận hành.
Được biết, cả 7 nhà máy xử lý CTNH trên địa bàn đều do Bộ TN-MT cấp phép (UBND tỉnh không có thẩm quyền cấp phép đối với loại hình này). Các nhà máy đã đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, tuyển dụng công nhân vào làm việc, hoạt động từ năm 2010 đến nay. Tổng số công nhân đang làm việc tại 7 nhà máy xử lý CTNH khoảng 305 người. Vì vậy, nếu tình trạng khó khăn về nguyên liệu tiếp tục kéo dài sẽ gây lãng phí vốn đầu tư, nguy cơ các nhà máy phải đóng cửa, ảnh hưởng đến việc làm của hàng trăm lao động.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh xin chủ trương cho phép các DN xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh được đưa chất thải ngoài tỉnh về xử lý. Và tại Hội nghị lần thứ 24 (ngày 9-10), BCH Đảng bộ tỉnh tán thành chủ trương này.
Tuy nhiên, cần thấy rằng, việc cho phép đưa chất thải nguy hại từ ngoài tỉnh về xử lý là giải pháp chỉ mang tính tạm thời để giải quyết khó khăn cho các DN. Do đó, trong quá trình thực hiện chủ trương này, UBND tỉnh đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt: Khối lượng thu gom, công suất xử lý CTNH ngoài tỉnh của 7 nhà máy đang hoạt động phải giữ nguyên như giấy phép xử lý CTNH được Bộ TN-MT cấp, không được tăng thêm. Nếu sau này khối lượng CTNH trong tỉnh bảo đảm đủ công suất xử lý cho 7 nhà máy thì các nhà máy phải chấm dứt không cho phép thu gom CTNH từ bên ngoài về tỉnh theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TU ngày 23-3-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
ĐỒNG CHÍ LÊ TUẤN QUỐC, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: UBND tỉnh yêu cầu 7 nhà máy xử lý CTNH đã được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận phải đầu tư thiết bị, công nghệ xử lý sạch hơn, đạt quy chuẩn môi trường. Trong quá trình hoạt động, phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá dây chuyền thiết bị xử lý, bảo đảm kiểm soát quá trình vận hành an toàn, giảm thiểu sự cố, đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm Quản lý dữ liệu của tỉnh để các cơ quan quản lý Nhà nước theo dõi, kiểm tra, đánh giá thường xuyên. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ