.

Ô nhiễm môi trường - Mặt trái của các KCN - Bài 3: Triển khai nhiều giải pháp cấp bách

Cập nhật: 16:52, 17/10/2018 (GMT+7)

Những năm gần đây, BR-VT duy trì chủ trương thu hút chọn lọc các dự án đầu tư, với phương châm không đánh đổi môi trường để có tăng trưởng. Đồng thời, nhiều giải pháp về bảo vệ môi trường đã được triển khai, kèm theo đó, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường cũng được tăng cường.

HOÀN THIỆN HỆ THỐNG QUAN TRẮC MÔI TRƯỜNG HIỆN ĐẠI

Sản xuất giấy là 1 trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao tại các KCN.  Trong ảnh: Sản xuất giấy công nghiệp tại Nhà máy giấy Sài Gòn (KCN Mỹ Xuân A).
Sản xuất giấy là một trong những ngành có nguy cơ gây ô nhiễm cao tại các KCN. Trong ảnh: Sản xuất giấy công nghiệp tại Nhà máy giấy Sài Gòn (KCN Mỹ Xuân A).

Từ tháng 10-2016, tỉnh đã đưa vào vận hành Trung tâm điều hành quan trắc môi trường tự động tại 28B, Thi Sách (TP.Vũng Tàu). Hiện nay, 25 KCN và DN thuộc diện nguy cơ ô nhiễm cao đã đấu nối vào hệ thống quan trắc. Theo đó, cứ 5 phút, dữ liệu về thông số khí thải, nước thải của các DN và KCN sẽ được truyền về trung tâm điều hành. DN nào xả thải vượt quy chuẩn được tiến hành lấy mẫu tự động để có cơ sở xử lý. Việc đưa vào vận hành Trung tâm điều hành quan trắc môi trường tự động nhằm giúp cơ quan chức năng quản lý và giám sát chặt chẽ việc xả thải của các DN có lưu lượng xả thải lớn, qua đó cũng góp phần nâng cao ý thức BVMT của các DN.

Ông Lê Tuấn Kiệt, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết, hiện 11 KCN có lượng nước thải khoảng 42.000m3/ngày, tất cả đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ngoài ra, 10/11 KCN đã được đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động, trong đó có 6/11 KCN đã thực hiện được việc truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành quan trắc tự động của tỉnh để theo dõi, quản lý. Đặc biệt, 17/17 cơ sở sản xuất thép đang hoạt động trong KCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định, trong đó 6/6 nhà máy luyện phôi thép đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động khí thải và truyền số liệu về Trung tâm điều hành Quan trắc tự động của tỉnh để quản lý.

Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra các chỉ số  về môi trường trên hệ thống quan trắc tự động.
Cán bộ Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh kiểm tra các chỉ số về môi trường trên hệ thống quan trắc tự động.

Không chỉ có các giải pháp của cơ quan chức năng, ý thức chấp hành việc BVMT tại các KCN cũng được nhiều DN hưởng ứng. Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Tổng Giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3 cho biết, ngay từ khi bắt đầu quy hoạch, KCN Phú Mỹ 3 đã được tỉnh BR-VT lựa chọn để phát triển thành KCN chuyên sâu, thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Do đó, KCN xây dựng hạ tầng theo hướng đạt chuẩn quốc tế, trong đó khâu xử lý nước thải được công ty đặc biệt coi trọng. Từ năm 2012, Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã chuyển đổi tiêu chuẩn của nhà máy xử lý nước thải từ cột B sang cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN-MT. Nhà máy áp dụng quy trình công nghệ toàn diện bao gồm các công đoạn tách cặn, xử lý sinh học kết hợp hóa lý, ổn định bùn và khử trùng nước thải. Bên cạnh đó, hệ thống quan trắc nước thải tự động đã được trang bị theo quy định hiện hành, có thể hoạt động liên tục và giám sát nghiêm ngặt chất lượng nước thải sau xử lý. Số liệu quan trắc sau đó được gửi về Sở TN-MT nhằm phục vụ công tác quản lý môi trường nước thải KCN trên địa bàn tỉnh.

TĂNG CƯỜNG THANH TRA, GIÁM SÁT

Từ năm 2015 đến tháng 6-2018, Sở TN-MT đã thanh tra về bảo vệ môi trường tại 551 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua kết quả thanh tra, tỉnh đã xử phạt vi phạm tổng số tiền 19,661 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường chủ yếu là xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn; không thực hiện báo cáo giám sát môi trường; thực hiện không đúng nội dung đã cam kết trong thủ tục môi trường được phê duyệt; không thực hiện thủ tục môi trường/không lập báo cáo hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường...

Khu công nghiệp Phú Mỹ I đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động. Ảnh: MINH TÂM 
Khu công nghiệp Phú Mỹ I đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động.

Trong khuôn khổ Dự án quản lý ô nhiễm các KCN thuộc lưu vực sông Đồng Nai do Ngân hàng Thế giới tài trợ, từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, lấy mẫu nước thải tại các KCN có nguồn thải vào sông Thị Vải với tần suất mỗi tháng một lần để đánh giá, kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục cũng như làm cơ sở đánh giá, xếp hạng KCN. Tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với các Đoàn thanh tra của Tổng cục Môi trường thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 10 chủ đầu tư hạ tầng KCN, 51 cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn trên địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Sở TN-MT, Công an tỉnh, Tổ kiểm tra liên ngành về môi trường (do UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 2752/QĐ-UBND ngày 29-9-2017) thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động xả thải của các KCN, qua đó kịp thời nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động.

Ông Võ Minh Tùng, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, để tăng cường công tác BVMT trong KCN, Ban Quản lý các KCN đã xây dựng “Quy chế phối hợp công tác quản lý môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, Ban Quản lý các KCN là cơ quan đầu mối tổ chức việc phối hợp, tham gia và tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị gắn kết cùng thực hiện tốt các hoạt động quản lý nhà nước về môi trường đối với KCN theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị phối hợp thường xuyên là Sở TN-MT, Công an tỉnh, UBND địa phương cấp huyện và các sở, ngành có liên quan.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Giai đoạn 2017-2020, BR-VT phấn đấu thu hút 80 dự án đầu tư nước ngoài, với vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD và 90 dự án trong nước với khoảng 100 ngàn tỷ đồng... trong đó, hầu hết các DN này đều nằm trong KCN. Đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần của Chỉ thị 43/CT-TU của Tỉnh ủy về thu hút đầu tư, kiên quyết không tiếp nhận các loại hình đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như luyện thép, thuộc da, dệt, nhuộm… Kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, với các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sức lan tỏa.

 

.
.
.