Nhiều giải pháp bảo đảm phát triển vững chắc nền kinh tế

Thứ Tư, 24/10/2018, 19:16 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 24-10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở tổ về các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước hàng năm và giữa kỳ. Bên cạnh đánh giá cao những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, thành quả đầu tư công trung hạn 3 năm qua, đại biểu cũng bày tỏ những băn khoăn về phân khai nguồn vốn đầu tư công và hụt thu trong các khu vực doanh nghiệp Nhà nước, FDI, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, cùng các vấn đề an sinh xã hội, môi trường.

Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT tham gia thảo luận tổ trong sáng 24-10.
Đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT tham gia thảo luận tổ trong sáng 24-10.

Phân tích việc thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhìn nhận, thành quả đầu tư công trung hạn 3 năm qua là rất lớn, vì hệ quả của nhiệm kỳ trước để lại quá nhiều dự án dở dang, nên việc ban hành được kế hoạch đầu tư công trung hạn và Luật Đầu tư công đã khắc phục được tình trạng dàn trải. Hơn 6 ngàn công trình đã được đưa vào khai thác, sử dụng là việc chưa từng có; mức vốn của dự án không còn dàn trải. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc phân khai nguồn vốn “đang chia số tiền không có và chia cả số tiền đã chia trong trung hạn cho các dự án”. Đại biểu phân tích, năm 2019, Quốc hội sẽ quyết định 198 ngàn tỷ đồng cho chi đầu tư. Năm 2020, dự báo cũng chỉ bố trí được chi đầu tư của Trung ương gồm tất cả các nguồn khoảng 217 ngàn tỷ đồng, tổng cộng là hơn 410 ngàn tỷ đồng. Song hiện tại trong kế hoạch trung hạn đã giao 475 ngàn tỷ đồng, đã có tên dự án và mức tiền cho từng dự án, tức là với cân đối đó, không thể đủ vốn để bố trí cho các dự án triển khai.

Về vấn đề nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thành công lớn khi cơ cấu lại nợ, giảm khoản trả nợ trong ngắn hạn. Tuy nhiên, cách thức vay nợ mới (lãi suất thấp hơn) để trả nợ cũ nhưng quy mô nợ rất lớn, và ngân sách Trung ương vẫn không có thặng dư để trả nợ nên có thể kéo dài nhiều năm nữa. Đại biểu kiến nghị ngoài việc siết chặt quản lý nợ thì đầu tư từ các nguồn vay nợ làm sao phải tạo được sự tăng trưởng, có tính liên kết vùng, tốt nhất là dành cho công trình có khả năng thu hồi vốn cao.

Theo phân tích của đại biểu Trần Quốc Vượng (Yên Bái), nền kinh tế chưa vững chắc, vì chúng ta dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, như vậy không thể nói nền kinh tế độc lập, tự chủ được. Xuất siêu tập trung ở khu vực FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn là nhập siêu, đây là điều cần phân tích kỹ, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải có giải pháp nâng thực lực kinh tế trong nước lên. “Chứ cứ theo cái đà này thì nguy hiểm. Nhiều địa phương bây giờ dựa vào FDI, nếu họ rút đi thì sẽ khó khăn ngay”, ông nói. Cũng theo ông Trần Quốc Vượng, trong tình hình hiện nay phải chú ý đặc biệt đến môi trường và khí hậu. Mấy năm gần đây, qua các vụ việc và môi trường, chúng ta đã quan tâm, bừng tỉnh, không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nhất là Formosa - bài học đắt giá và làm cho mọi người thức tỉnh về vấn đề môi trường. Vấn đề này cần phải làm mạnh hơn nữa, nếu không sẽ không để lại được gì cho con cháu với môi trường sống không đảm bảo.

Băn khoăn khi báo cáo của Chính phủ không đề cập đến nội dung kinh tế biển, đại biểu Trần Quốc Vượng đề xuất bổ sung nội dung này trong phương hướng của năm 2019. Theo ông, Việt Nam có mấy chục triệu người dân sống nhờ biển. Nếu các kế hoạch hàng năm không nói gì đến kinh tế biển thì không thể ra được kế hoạch 5 năm, 10 năm. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với đất nước.

Sáng 24-10, trong phần phát biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh BR-VT đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về đầu tư cho hệ thống cảng biển và giao thông phục vụ dịch vụ cảng. Đặc biệt, xúc tiến nhanh tiến độ đầu tư cho dự án cầu Phước An, dự án đường 991B, đường cao tốc Biên Hòa… Đồng chí cũng có ý kiến về một số nội dung khác như Chính phủ cần quan tâm các khoản thu từ kinh tế tư nhân; giải quyết vấn đề nợ đọng thuế và xem xét, điều chỉnh việc giao chỉ tiêu thu ngân sách cho các địa phương; các vấn đề về ma túy, ô nhiễm rác thải, hàng giả, hàng lậu…


Thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm

Chiều 24-10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành. Sáng 25-10, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Chiều cùng ngày, Trưởng Ban Kiểm phiếu Bùi Văn Cường công bố kết quả kiểm phiếu. Đây là lần thứ 3 Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm (các lần trước vào năm 2013 và 2014). 48 chức danh được lấy phiếu lần này gồm Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội; 12 Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội; Tổng Thư ký Quốc hội; Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng, 20 Bộ trưởng; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.

So với lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây nhất (năm 2014), tại kỳ họp này có 2 chức danh không lấy phiếu tín nhiệm gồm đồng chí Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước); đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông). 2 đồng chí giữ các chức danh này đều mới nhậm chức, chưa công tác đủ 9 tháng theo quy định để lấy phiếu tín nhiệm.

THẢO LINH

;
.