.

Huyện Châu Đức: Triển vọng mô hình nuôi hươu lấy nhung

Cập nhật: 18:55, 08/10/2018 (GMT+7)

Dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vì vậy các hộ dân ở huyện Châu Đức đã chọn mô hình nuôi hươu lấy nhung để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình đã mang lại triển vọng mới cho người nông dân.

Năm 2016, bà Phạm Thị Thùy Nhung (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) mua 12 cặp hươu giống từ Đồng Nai đưa về nuôi. Sau gần 2 năm chăm sóc, đàn hươu sao của gia đình bà Nhung đã cho thu hoạch 10 kg nhung và sinh sản thêm 14 hươu con. Hiện, giá bán nhung hươu từ 2-2,5 triệu đồng/lượng. Giá một cặp hươu giống từ 19-26 triệu đồng/cặp. Mỗi năm một con hươu trưởng thành cho nhung một lần từ 3,5 - 6 lượng. Trọng lượng nhung sẽ tăng dần theo mỗi năm. Nếu chăm tốt, một con hươu khỏe mạnh sẽ cho nhung 2 lần/năm và có thể cho lấy nhung kéo dài đến khoảng 20 năm. 

Đàn hươu của gia đình bà Phạm Thị Thùy Nhung (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc).
Đàn hươu của gia đình bà Phạm Thị Thùy Nhung (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc).

Theo bà Nhung, hươu là loại động vật có nguồn gốc hoang dã nhưng dễ nuôi, sức đề kháng tốt, ít bệnh tật. Nguồn thức ăn của hươu cũng rất phong phú và đa dạng, bao gồm nhiều loại lá, cỏ và các loại củ, quả. Chuồng nuôi hươu cũng không cần đầu tư nhiều chi phí như một số loại vật nuôi khác như heo, bò, dê. “Hiện nay, nhung hươu cung không đủ cầu, hầu hết khách hàng đều phải đặt cọc trước mới có. Nuôi hươu mang lại hiệu quả kinh tế cao vì nhung hươu là một loại dược liệu quý, khan hiếm, được thị trường ưa chuộng, nên giá bán cao và thuận lợi đầu ra. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí ban đầu, gia đình sẽ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ bán nhung hươu và con giống”, bà Nhung chia sẻ. 

Cũng nhờ chăn nuôi hươu mà nhiều năm qua gia đình ông Đặng Quốc Hóa (thôn 3, xã Suối Rao) đã có thu nhập ổn định. Gia đình ông Hóa cũng là một trong số các hộ nuôi hươu đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Đức. Năm 2007, nhận thấy mô hình chăn nuôi hươu có nhiều ưu điểm, ông Hóa đã mạnh dạn ra Hà Tĩnh mua 4 cặp hươu sao về nuôi. Từ đó gia đình ông luôn duy trì đàn hươu vài chục con mỗi năm. Ngoài bán nhung hươu, ông Hóa còn bán thêm hươu giống, do đó thu nhập từ nuôi hươu của gia đình ông khá ổn định. 

Theo ông Hóa, nguồn vốn đầu tư ban đầu cho việc chăn nuôi hươu có thể lớn hơn các loại vật nuôi khác (chủ yếu là chi phí con giống), nhưng về lâu dài sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn vì chi phí chăn nuôi thấp, tận dụng các cây cỏ trong tự nhiên, hươu ít bệnh tật, dễ nuôi. “Nghề nuôi hươu phù hợp với những gia đình có ít nhân lực. Để chăm sóc một đàn hươu 30-40 con chỉ cần một nhân công là đủ. Hiện nay, muốn mua được nhung và hươu giống, hầu hết khách đều phải dặn trước mới có, giá bán tốt nên mang lại hiệu quả kinh tế cao”, ông Hóa cho hay.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Châu Đức có khoảng 10 hộ chăn nuôi hươu lấy nhung, với số lượng đàn hơn 100 con hươu sao. Có hộ ít chỉ nuôi 2 con, có hộ nuôi từ 10 đến vài chục con. Theo ông Lê Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức, mô hình nuôi hươu lấy nhung ở địa phương phát triển chủ yếu tự phát, nhưng bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế. Đây sẽ là mô hình kinh tế triển vọng trong tương lai, giúp hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.