Chủ động ứng phó, phòng tránh thiên tai
Là địa phương ven biển, tỉnh BR-VT chịu nhiều tác động của tình hình thời tiết, thủy văn cực đoan như: nước biển dâng, dông sét, lốc xoáy, mưa lớn trên diện rộng làm ngập úng, sạt lở đất... Đây là các hiểm họa thiên tai, có thể gây thiệt hại về người và tài sản. Do đó, cần chủ động thực hiện biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây nên.
GÂY CHẾT NGƯỜI, HƯ HỎNG TÀI SẢN
Ngày 3-9, sau nhiều trận mưa lớn kéo dài, nước từ trên núi Thị Vải và Núi Dinh cuồn cuộn đổ về làm vỡ đập suối Giao Kèo (TX. Phú Mỹ). |
Từ đầu mùa mưa đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ thiệt hại tài sản, tai nạn chết người do thiên tai gây ra.
Gần đây nhất, sáng 28-9, cơn mưa lớn kèm theo dông sét khiến nhiều nhà dân bị sét đánh hư hỏng các thiết bị điện tử như ti vi, máy vi tính, hệ thống camera... Một số trạm BTS của các mạng viễn thông bị sét đánh cháy thiết bị nguồn, khiến mạng di động bị gián đoạn. Cũng trong ngày 28-9, bà Nguyễn Thị Ng. (SN 1977, ngụ xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) bị sét đánh tử vong khi đang tắm biển lúc trời mưa tại khu vực Bãi Sau - TP.Vũng Tàu.
Ngày 3-9, sau nhiều trận mưa lớn kéo dài, dòng nước mạnh từ trên núi Thị Vải và Núi Dinh cuồn cuộn đổ về làm vỡ đập suối Giao Kèo. Sự cố này khiến nhiều nhà dân và hàng chục ha lúa, hoa màu, ao nuôi cá bị ngập, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng cho người dân xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ.
Trước đó, ngày 15-7, tại khu vực ấp Phước Lập, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ xuất hiện cơn lốc xoáy mạnh, cuốn theo toàn bộ nhà để xe với kết cấu cột sắt, mái tôn có diện tích 140m2 của Công ty TNHH Thuận Hải và đưa lên đường dây điện trung thế dọc tuyến Quốc lộ 51. Hậu quả là, lốc xoáy làm gãy đổ 13 trụ điện trung thế cao 12m và 4 trụ điện hạ thế cao 8,4m, gây hư hỏng 1 máy biến áp 1 pha 100 KVA Phước Lập 2 và 1 đầu cáp ngầm, 1 bộ đóng ngắt điện tự động. Tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Sự cố này còn làm mất điện tại 6 DN trong KCN Mỹ Xuân A và 998 hộ dân khu vực.
THỰC HIỆN NHIỀU GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ
Sau trận lốc xoáy diễn ra ngày 16-7 vừa qua, khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ trong đó có một cây xanh trên đường Võ Thị Sáu (TP. Vũng Tàu) đổ lên xe ô tô đậu bên đường. |
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, nhằm ứng phó với mùa mưa bão năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố và các cơ quan, ban, ngành tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền đến các hộ dân đang sinh sống tại khu vực ven biển, ven sông, sườn núi và các khu vực nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai qua hệ thống truyền thông không dây và lưu động của địa phương, giúp cho người dân chủ động phòng, tránh thiệt hại trong mùa mưa bão; tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến bất thường của thời tiết để kịp thời xử lý các sự cố, sơ tán dân; rà soát, kiểm tra địa điểm sơ tán dân đến nơi tránh trú khi có sự cố thiên tai.
Ngoài các giải pháp PCTT-TKCN thường xuyên như trên, vấn đề ứng dụng khoa học - công nghệ vào cảnh báo thiên tai, giúp cho người dân sớm biết để phòng tránh cũng là việc cần phải làm. Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, đầu năm 2018, Sở KH-CN phối hợp với UBND TP.Vũng Tàu, Viện Vật lý địa cầu triển khai dự án thử nghiệm “Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm và phòng chống sét tại bãi biển Vũng Tàu”. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách sự nghiệp KH-CN của tỉnh khoảng 2 tỷ đồng.
Tại TP.Vũng Tàu phương án phòng chống sét tại khu vực Bãi Sau cũng đã được triển khai. Hiện nay, đơn vị tư vấn đang khảo sát vị trí đặt hệ thống chống sét trên 17 cột chiếu sáng cao từ 20-30cm dọc bãi biển Thùy Vân (đoạn 1.200m) để bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi tắm biển. Theo đó, khi dự án này đưa vào hoạt động thực tiễn, người dân sẽ được cảnh báo sớm về dông sét có thể xảy ra một cách nhanh nhất, giúp họ tìm nơi tránh trú an toàn.
Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc phụ trách Đài Khí tượng - Thủy văn (KTTV) tỉnh cho biết, toàn tỉnh chỉ có 1 trạm hải văn, 1 trạm khí tượng đều đặt tại TP. Vũng Tàu. Các huyện và TP. Bà Rịa chưa có trạm KTTV mà chỉ có trạm đo mưa. Vì vậy, số liệu KTTV thu thập được phục vụ công tác dự báo còn thiếu, chưa bảo đảm yêu cầu phục vụ công tác phòng, tránh, ứng phó thiên tai. “Tới đây, tỉnh BR-VT cần bổ sung mạng lưới các trạm KTTV, trạm đo mưa với mật độ đủ dày, bố trí hợp lý, công nghệ quan trắc và truyền tin tự động, thu thập số liệu theo thời gian thực, đáp ứng tốt các yêu cầu của nghiệp vụ dự báo KTTV, nhằm chủ động ứng phó giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn”, ông Nguyễn Văn Tài nói.
Bài, ảnh: QUANG VŨ