Cả ngàn tàu "nằm bờ" dù đang vào vụ cá
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao, cộng với nhiều nguyên nhân khác như thiếu bạn tàu, nguồn lợi thủy sản suy giảm, hàng trăm tàu cá của ngư dân trên địa bàn tỉnh phải “nằm bờ”.
LIÊN TỤC THUA LỖ
Những năm trước, vào tháng 8 và 9 (âm lịch) hàng năm là cao điểm của mùa đánh bắt hải sản xa bờ, các tàu cá liên tục ra khơi đánh bắt những vụ cá cuối cùng trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, tại các ụ tàu trên địa bàn tỉnh, hàng trăm tàu cá xếp hàng dài, neo đậu chứ không ra biển đánh bắt. Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (ấp Tân An, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đang sở hữu 3 cặp tàu lưới kéo cho hay, trước đây, mỗi chuyến biển kéo dài khoảng 30-40 ngày. Tuy nhiên, những năm gần đây, ngư trường suy giảm nguồn lợi nên việc đánh bắt khó khăn. Mỗi chuyến biển phải kéo dài lên khoảng 90 ngày mới kéo đủ lượng hải sản có thể đắp đổi chi phí. Do đó, lượng nhiên liệu sử dụng tăng lên. Ông Nhỏ cho biết: “Mỗi cặp tàu lưới kéo của tôi tốn hơn 90 ngàn lít dầu diesel/chuyến biển. Từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 3 ngàn đồng/lít, do đó chi phí dầu cũng tăng gần 30 triệu đồng/cặp/chuyến so với trước đây. Các chi phí khác cũng đồng loạt tăng cao, tổng cộng cần gần 500 triệu đồng cho một chuyến biển. Gần đây, nguồn lợi từ các ngư trường suy giảm nên việc đánh bắt không thuận lợi, sản lượng giảm. Do đó, nhiều chuyến biển gần đây của tôi không có lãi, thậm chí thua lỗ”.
Do thua lỗ, nhiều tàu cá tại xã Phước Tỉnh phải “nằm bờ”. |
Từ đầu năm đến cuối tháng 9-2018, Liên Bộ Tài chính – Công Thương đã có 18 đợt điều hành giá xăng dầu, với 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá, 10 lần giữ ổn định giá. Sau nhiều lần điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 hiện đang có mức 20.906 đồng/lít; RON 95 lên mức 22.347 đồng; giá dầu diesel lên mức 18.611 đồng/lít. Gần đây nhất, 3 giờ chiều ngày 22-10 mới có một đợt giảm nhẹ giá xăng (144 đồng/lít - xăng RON95-III, 244 đồng/lít - xăng E5 RON92, còn giá dầu vẫn giữ nguyên, không giảm). Giá xăng dầu qua nhiều đợt tăng cũng kéo theo các phí tổn khác tăng cao. Do thua lỗ liên tục, nhiều chủ tàu cá trên địa bàn xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền đã không dám ra khơi đánh bắt. Theo ông Phan Văn Long (ấp Phước An, xã Phước Tỉnh), năm nay giá dầu tăng cao, sản lượng đánh bắt lại giảm nên ông đã bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Do đó, ông quyết định không đánh bắt vụ biển cuối cùng như mọi năm mà để cặp tàu lưới kéo lên ụ “nằm bờ”. Ông Long giải thích thêm: “Việc tôi cho tàu “nằm bờ” không chỉ vì giá dầu tăng kéo theo chi phí tăng mà còn do không có bạn. Những vụ đánh bắt không hiệu quả liên tiếp nên số tiền để chia cho bạn tàu cũng rất ít. Mỗi chuyến biển 3 tháng, nhưng mỗi người chỉ được chia chưa tới 10 triệu đồng. Vì vậy, nhiều bạn ghe bỏ nghề chuyển sang làm các công việc khác đỡ vất vả mà lại có thu nhập ổn định”.
Dù đang là mùa đánh bắt nhưng lượng dầu bán được cho các tàu cá giảm mạnh. Trong ảnh: Cửa hàng xăng dầu Hòa Bình, xã Phước Tỉnh vắng vẻ, không có tàu vào đổ dầu. |
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, cán bộ phụ trách thủy sản xã Phước Tỉnh, trên địa bàn xã có khoảng gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ. Hiện nay, do gặp nhiều khó khăn nên có gần 200 tàu đang phải “nằm bờ”, trong đó chủ yếu là tàu lưới kéo do loại này chi phí rất cao.
Trong khi đó, tại TP. Vũng Tàu, ông Nguyễn Đình Ngọc, ngư dân phường 5, TP.Vũng Tàu cho biết, ngoài nguyên nhân giá nhiên liệu tăng cao thì do nguồn lợi thủy sản giảm cũng khiến cho nhiều ngư dân không mấy “mặn mà” với việc đánh bắt xa bờ. Ông Ngọc đang có tàu lưới vây công suất hơn 800CV, trung bình mỗi chuyến biển từ 25-30 ngày cần từ 5 ngàn đến 6 ngàn lít dầu. Nếu như trước đây, chi phí cho mỗi chuyến biển chỉ cần 80-90 triệu đồng, thì nay tăng lên khoảng 140 triệu đồng. Trong khi nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm, tỷ lệ cá tạp cao, cứ khoảng 3 chuyến biển may mắn mới có chuyến lãi. Ngoài ra, do hiện nay đang là thời điểm giao mùa giữa 2 vụ cá Bắc-Nam, thường có gió to, sóng lớn, khai thác ít hiệu quả nên tỷ lệ tàu cá hoạt động không nhiều. Vì vậy, giai đoạn này một số tàu cá nằm bờ để sửa chữa, hoặc chờ để xem tình hình khai thác của ghe bạn để có hướng ra khơi hiệu quả.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP BỀN VỮNG
Theo phản ánh của ngư dân, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kịp thời để giúp họ an tâm “bám biển”. Chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có giải pháp hỗ trợ ngư dân chuyển sang đánh bắt bằng các nghề ít tiêu hao nhiên liệu. Đồng thời chú trọng khâu tiêu thụ sản phẩm, không để thương lái ép giá hải sản. Bởi hiện nay, đa số các tàu cá sau khi đánh bắt về đều bán cho thương lái, ít có DN chế biến nào trực tiếp thu mua. Đơn cử như tại Phước Tỉnh, một trong những địa phương của BR-VT có đội ngũ ngư dân và đội tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ lên tới hơn 1.000 tàu, hoạt động trên một ngư trường rộng lớn, sản lượng mang về hơn 80.000 tấn mỗi năm, nhưng đến nay vẫn chưa có công ty chế biến thủy hải sản tầm cỡ nào đặt cơ sở thu mua tại đây. Việc thu mua hải sản phần lớn đều do các thương lái tại địa phương thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng, một số thương lái liên kết với nhau thu mua hải sản giá thấp và thanh toán tiền rất chậm. Hầu hết các ngư dân sau khi bán hải sản phải chấp nhận đợi từ 1 đến 2 tháng mới nhận hết tiền. Trong khi đó muốn ra khơi thì mọi chi phí như nhiên liệu, đá lạnh, thực phẩm, nhân công và các vật dụng khác, ngư dân lại phải thanh toán ngay.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, thời gian gần đây việc đánh bắt gặp nhiều khó khăn nên số tàu “nằm bờ” lên đến gần 1.000 chiếc. Ông Hoàng cho biết: “Việc giá dầu tăng quá cao đã khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Do đó, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền có chính sách bình ổn giá dầu để hỗ trợ họ vươn khơi. Bên cạnh đó, các tàu “nằm bờ” đợt này chủ yếu là đánh bắt lưới kéo nên Chi cục thủy sản cũng khuyến cáo bà con nên cải hoán hình thức đánh bắt, vừa giảm chi phí nhiên liệu và tránh đánh bắt tận diệt để hướng đến ngành khai thác thủy sản bền vững”.
Việc nhiều tàu cá nằm bờ cũng khiến các đại lý cung cấp nhiên liệu gặp khó khăn. Ông Nguyễn Văn Phòng, nhân viên Cửa hàng xăng dầu Hòa Bình (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) cho biết, trước đây mỗi ngày cửa hàng bán 40-50 ngàn lít dầu cho các tàu ra khơi, thì nay chỉ còn 4-5 ngàn lít, chưa bằng 1/10. Đây cũng là tình hình chung của các cửa hàng xăng dầu tại các cảng cá trên địa bàn. |
NHÓM PV KINH TẾ