.

Khó kiếm lời ngay từ cổ phiếu IPO

Cập nhật: 12:19, 15/09/2018 (GMT+7)

Trong năm 2018, một số DN đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Do tính chất của thị trường, có DN phát hành cổ phiếu (CP) bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, nhưng cũng có DN đấu giá không thành công như kỳ vọng. Tuy nhiên, việc sinh lợi từ CP IPO đòi hỏi nhà đầu tư cần biết nhẫn nại chờ đợi.

Sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng tại Nhà máy khoa học công nghệ Busadco. Ảnh: MINH TÂM
Sản xuất bê tông cốt thép thành mỏng tại Nhà máy khoa học công nghệ Busadco. Ảnh: MINH TÂM

Giai đoạn từ năm 2017 và đầu năm 2018 chứng kiến nhiều đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các DN lớn, như: Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT (Busadco, mã chứng khoán BUD); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, mã chứng khoán OIL); Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3, mã chứng khoán PVG)... Trong đó, Công ty Thoát nước và Phát triển đô thị tỉnh BR-VT đấu giá cổ phần lần đầu vào tháng 1- 2018, với kế hoạch bán ra 10 triệu cổ phiếu (CP), tương đương 100 tỷ đồng. Kết quả, DN đã bán 9,3 triệu CP, trong đó số lượng CP bán đấu giá công khai thành công tại sàn Hose (Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) là 3,5 triệu CP.

Trong khi đó, ngày 25-1, PVOIL cũng đã tổ chức phiên đấu giá công khai CP IPO với khối lượng chào bán gần 207 triệu CP, chiếm 20% vốn điều lệ của công ty. Tổng giá trị chào bán của PVOIL đạt hơn 2.770 tỷ đồng và được 3.195 nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua. Khối lượng đăng ký mua với hơn 483 triệu CP, gấp 2,33 lần khối lượng chào bán.

Cùng phát hành năm 2018, lại là một trong những DN lớn thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam, từ tháng 3-2018, Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNgenco3) chào bán công khai gần 13% vốn điều lệ tương ứng với 267 triệu CP, giá khởi điểm 24,6 ngàn đồng/CP. Tuy nhiên không như kỳ vọng, CP bán thành công chỉ đạt 7,5 triệu CP, chỉ chiếm 3% tổng số CP đưa ra đấu giá.

Theo các chuyên gia ngành chứng khoán, thời gian qua các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội từ các CP sắp lên sàn hay sắp IPO. Điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến mặt bằng giá bị đẩy cao, khiến cho các nhà đầu tư đặt lệnh sau này gặp khó khăn. Theo đó, nhìn chung CP IPO không mang lại lợi nhuận lớn như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng. Các CP  IPO trong năm nay như PVG, OIL, … có nhiều phiên giảm và hiện đã mất từ 26% đến 47% giá trị so với ngày chào sàn. Cụ thể, CP của EVNGenco3 (mã chứng khoán: PGV) liên tục lao dốc kể từ khi niêm yết trên sàn UpCoM ngày 21-3. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12-9, PGV giảm tới gần 50% so với mức giá lên sàn 24.600 đồng/CP, hiện còn 13.100 đồng/CP. Cùng với đà rơi của CP, vốn hóa của Genco 3 từ mức 51.168 tỷ đồng, hiện chỉ còn 26.624 tỷ, giảm tương ứng tới 24.544 tỷ đồng.

Trong khi đó, CP của PVOil (mã chứng khoán OIL), dù lần đầu phát hành ra công chúng với giá trúng bình quân là 20.196 đồng/CP, cao hơn 50,7% so với mức giá khởi điểm. Nhưng từ sau khi IPO có thời điểm giảm xuống còn 15.500 đồng và hiện tại thị giá của OIL là quanh mốc 19.900 đồng/CP, vẫn chưa về mức giá trúng IPO.

Theo đại diện Công ty CP Chứng khoán MB, việc tìm cơ hội kiếm lời từ các CP có sẵn trên thị trường hiện khá khó khăn. Do đó, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm cơ hội từ các CP sắp lên sàn hay sắp IPO. Tuy nhiên, để giảm rủi ro, nhà đầu tư trước khi xuống tiền cần phải tìm hiểu sâu sắc về DN mục tiêu và việc định giá IPO của những DN này. Nhìn chung việc đầu tư vào các CP IPO phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tiềm năng thực tế của DN.

Trong năm 2018, riêng sàn Hose đã thực hiện 25 cuộc đấu giá thành công. Chủ yếu là các DN nhà nước trong lĩnh vực công ích và môi trường của các địa phương. Đây là những DN vẫn còn nhiều lợi thế dẫu rời “dòng sữa” ngân sách vì có tài sản, máy móc chuyên ngành và đội ngũ lao động có kinh nghiệm tay nghề cao. Với những CP này, nhà đầu tư phải chấp nhận nhìn vào tiềm năng lâu dài vì đa phần các DN nhà nước sau CPH không thể bật dậy nhanh chóng, mang lại kết quả mong đợi cho nhà đầu tư. Theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2020, sẽ tiếp tục có nhiều DN thuộc lĩnh vực công ích, môi trường của các địa phương – những DN nhà nước được đầu tư bài bản và còn nhiều tiềm năng – sẽ phải thực hiện tái cơ cấu, CPH theo chủ trương của Chính phủ. Đây chính là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư bản lĩnh và biết chờ đợi.

HÀ BÌNH

.
.
.