.

Chăn nuôi heo không gây ô nhiễm, được không?

Cập nhật: 16:18, 05/09/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, một số trang trại, cơ sở chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đã liên tục gây ô nhiễm môi trường, đe dọa nguồn nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến suộc sống người dân xung quanh. Nhằm bảo vệ môi trường, một số cơ sở chăn nuôi heo đã mạnh dạn áp dụng khoa học-công nghệ mới vào chăn nuôi và cho kết quả khả quan. Thực tế này cho thấy, việc chăn nuôi heo phương pháp mới thân thiện với môi trường vẫn có thể thực hiện được trong tầm tay.

NHIỀU MỐI LO TỪ VIỆC CHĂN NUÔI HEO 

Nhờ áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Trang Linh  (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) không phát sinh chất thải, không gây ô nhiễm môi trường.
Nhờ áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Trang Linh (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) không phát sinh chất thải, không gây ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 1.200 trại chăn nuôi heo, tập trung nhiều ở huyện Châu Đức, huyện Xuyên Mộc và TX.Phú Mỹ. Thời gian qua, vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước chưa được chủ các trang trại chăn nuôi heo coi trọng đúng mức. Trong số 630 cơ sở nuôi heo có diện tích từ 50m2 đến dưới 1.000m2, chỉ có 7% cơ sở thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác bảo đảm về môi trường. Còn trong số gần 40 trang trại diện tích chăn nuôi từ 1.000m2 trở lên, hiện cũng chỉ mới có hơn 75% cơ sở có báo cáo đánh giá tác động về môi trường và thực hiện đề án về môi trường. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường từ các trại chăn nuôi vẫn chưa được cải thiện, gây bức xúc cho người dân. 

Trang trại chăn nuôi heo của Công ty CP Đông Á (phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) với quy mô 3.600 con heo nái, được xây dựng trên diện tích 7.700m2. Dù công ty đã đầu tư hệ thống biogas để xử lý nước thải, nhưng qua kiểm tra, cơ quan chức năng vẫn phát hiện nhiều sai phạm về môi trường. Cụ thể, các năm: 2013, 2014, 2016, 2017, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đều phát hiện nước thải từ trang trại heo Đông Á xả ra môi trường vượt quy chuẩn môi trường từ 1 đến 18 lần. Đặc biệt, mỗi khi có mưa, nước thải của trại heo chảy ra khu vực xung quanh, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho khu dân cư, đe dọa trực tiếp đến nguồn nước hồ Châu Pha, nơi cung cấp nước sạch cho hàng ngàn hộ dân TX.Phú Mỹ. “Các giếng nước ngầm ở khu vực gần trại heo đều không thể sử dụng được vì mùi rất hôi, chúng tôi phải thường xuyên đi mua nước để sử dụng. Sống quanh khu vực này, mọi người cảm thấy bất an, lo lắng về sức khỏe”, bà Nguyễn Thị Hồng - một người dân sống gần trại heo của Công ty CP Đông Á cho biết.

Tương tự, trang trại chăn nuôi heo Đức Toàn Tâm của Công ty TNHH Đức Toàn Tâm (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cũng là một trong những trang trại gây ô nhiễm nặng nề trong thời gian qua. Trước đây, trại heo này đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho nuôi heo nái với quy mô 2.400 con. Nhưng khi dự án này mới chỉ có chủ trương, chưa được cấp phép xây dựng, chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường thì công ty đã xây dựng trang trại đưa vào hoạt động, gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN-PTNT), các chất thải trong chăn nuôi heo như: Chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí khi xả ra môi trường sẽ gây ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

CẦN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI TRONG CHĂN NUÔI

Chăn nuôi heo theo kiểu thủ công phải dọn rửa, vệ sinh chuồng trại hàng ngày, tạo ra lượng chất thải lớn, dễ gây ô nhiễm môi trường.  Trong ảnh: Ông Phạm Ngọc Phú (khu phố 3, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa)  dọn chuồng trại mỗi ngày nhưng vẫn không giảm được mùi hôi tại khu vực nuôi heo.
Chăn nuôi heo theo kiểu thủ công phải dọn rửa, vệ sinh chuồng trại hàng ngày, tạo ra lượng chất thải lớn, dễ gây ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Ông Phạm Ngọc Phú (khu phố 3, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) dọn chuồng trại mỗi ngày nhưng vẫn không giảm được mùi hôi tại khu vực nuôi heo.

Từ thực trạng nêu trên, hướng tới chăn nuôi bền vững, thân thiện với môi trường là vấn đề hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay và được ngành nông nghiệp tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 34 trang trại chăn nuôi heo theo hình thức chuồng trại khép kín (trại lạnh), đạt chuẩn VietGAP. Đồng thời, có 15 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn và 26 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng đệm lót sinh học trong xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

Đơn cử như trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH Trang Linh (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) có quy mô 3.600 con heo nái và 100 ngàn con heo thịt, thời gian qua, DN đã ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi heo. Trang trại đã đầu tư xây dựng các chuồng lạnh và sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH Trang Linh cho biết, để thực hiện mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học, công ty đã đầu tư 800 triệu đồng/năm để mua trấu và men vi sinh. Áp dụng công nghệ này có nhiều ưu điểm như: Tăng sức đề kháng cho vật nuôi, giảm được một số bệnh thông thường. Bên cạnh đó, đàn heo không cần phải tắm trong suốt thời gian chăm sóc nên không phát sinh nước thải gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được nhân công lao động. Chất thải của vật nuôi được phân hủy hoàn toàn ngay trong chuồng dưới tác dụng đệm lót vi sinh, môi trường chuồng nuôi trong lành, không có mùi hôi thối, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực nuôi. 

Với tổng đàn heo 103.600 con như hiện nay, nếu chăn nuôi theo phương pháp truyền thống, Công ty TNHH Trang Linh cần khoảng 175 lao động, nhưng với mô hình chăn nuôi đệm lót sinh học, DN chỉ cần khoảng 120 lao động. Nhờ đó, hàng năm, DN tiết kiệm được 640 triệu đồng tiền nước, hơn 3 tỷ đồng tiền nhân công và không tốn tiền xử lý nước thải. Bên cạnh đó, phân heo còn được trang trại bán cho người dân làm phân bón. 

“Mô hình chuồng lạnh có nhiệt độ ổn định, cách ly với bên ngoài nên đàn heo phát triển tốt, ít phát sinh dịch bệnh, heo không phải dùng kháng sinh nên thịt rất thơm ngon. Ưu điểm nữa là không phải xử lý nước thải, nên rất thân thiện với môi trường”, ông Nguyễn Ngọc Bích đánh giá. 

Ông Giao Văn Sỹ cho biết, việc áp dụng đệm lót sinh học vào trong chăn nuôi sẽ giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình này vào phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong những năm qua vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do phương thức chăn nuôi còn nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư, chi phí đầu tư máy móc, thiết bị còn cao... Theo ông Sỹ, để thúc đẩy quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi, các ngành, địa phương cần thực hiện tốt việc quy hoạch chăn nuôi; tăng cường tuyên truyền những lợi ích, ưu điểm của việc áp dụng khoa học - công nghệ mới trong chăn nuôi. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư ban đầu, cơ sở hạ tầng, đất đai, thuế, thị trường tiêu thụ sản phẩm để khuyến khích DN, nông dân chăn nuôi theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

 
.
.
.