.

Trồng đu đủ sạch, nông dân thu lãi lớn

Cập nhật: 17:23, 03/08/2018 (GMT+7)

Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Bình Giã, huyện Châu Đức đã xây dựng mô hình trồng đu đủ sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhờ đó, các hộ trồng đu đủ thu lãi lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng/ha.

Để đạt chuẩn GlobalGAP, bà con nông dân phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về chủng loại, hàm lượng, thời gian phun thuốc và cách ly... Trong ảnh: Anh Ngô Quốc Chiến, ấp Vĩnh An, xã Bình Giã phun thuốc BVTV chống sâu bệnh cho cây.
Để đạt chuẩn GlobalGAP, bà con nông dân phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về chủng loại, hàm lượng, thời gian phun thuốc và cách ly...
Trong ảnh: Anh Ngô Quốc Chiến, ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức phun thuốc BVTV chống sâu bệnh cho cây.

Anh Ngô Quốc Chiến (ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức) có kinh nghiệm trồng đu đủ trong nhiều năm. Loại cây này dễ trồng, năng suất cao nhưng giá cả khá bấp bênh nên thu nhập không cao. Đến năm 2015, anh Chiến và một số hộ trồng đu đủ trên địa bàn xã Bình Giã kết nối được với Công ty TNHH Nông sản A Cóng để trồng đu đủ sạch theo hướng GlobalGAP. Theo đó, toàn bộ sản phẩm sẽ được DN thu mua và tiêu thụ. Anh Chiến cho biết: “Trước đây, giá đu đủ khá bấp bênh, cao nhất được khoảng 7-8 ngàn đồng/kg, có khi giảm mạnh, chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg. Từ khi tham gia mô hình trồng đu đủ sạch, DN cam kết thu mua với giá khá cao, 10 ngàn đồng/kg. Do đó, nông dân chỉ cần tập trung sản xuất nông sản chất lượng, không phải lo lắng nhiều về giá cả như trước đây. Hiện nay, tôi đang trồng 1ha đu đủ sạch với hơn 2.500 cây. Mỗi cây cho khoảng 25kg trái, công ty thu mua cố định 10 ngàn đồng/kg, tôi thu hơn 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi 400-500 triệu đồng/ha. Đây là mức thu nhập cao so với phương thức tự trồng, tự bán”.

Ông Nguyễn Hùng Sơn (ấp Vĩnh An, xã Bình Giã), một trong những hộ tham gia mô hình trồng đu đủ sạch cho biết, để được công nhận GlobalGAP, nông dân phải tuân thủ nhiều quy trình kỹ thuật khắt khe, trong đó quan trọng nhất là việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Để được công nhận chuẩn GlobalGAP và công ty chấp nhận thu mua, chúng tôi phải đạt gần 300 tiêu chí. Cụ thể, các hộ tham gia mô hình trồng đu đủ sạch phải tuân thủ quy trình giống nhau về cách sử dụng phân bón và thuốc BVTV, chỉ sử dụng các loại nằm trong danh mục được cho phép, sau khi bón phân cần có thời gian cách ly đủ lâu mới được xuất sản phẩm ra thị trường…”, ông Sơn thông tin. Cũng theo ông Sơn, trồng đu đủ sạch không khó, nhưng cần chú ý các biện pháp phòng bệnh như làm đất sạch sẽ trước vụ, phun xịt thuốc đúng hàm lượng, thời điểm. Tốt nhất là nên canh tác luân canh đu đủ với các loại cây ngắn ngày khác chứ không nên làm 2 vụ đu đủ liên tiếp trên cùng một diện tích đất…

Theo bà Nguyễn Ngọc Phương Nga, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Giã, khoảng 10 năm trở lại đây, đu đủ đã dần trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực của xã với diện tích hàng chục ha. Thời gian gần đây, việc một số DN liên kết được với nông dân trồng đu đủ sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đã đem lại hướng đi mới, nâng cao hiệu quả cho loại cây này tại địa phương. Xã Bình Giã đã thành lập tổ hợp tác, liên kết sản xuất đu đủ sạch GlobalGAP với diện tích 35ha. Sản phẩm sau khi thu hoạch được Công ty TNHH Nông sản A Cóng thu mua để đưa đi tiêu thụ tại Hà Nội. Hiện Công ty này cũng đang phối hợp với một DN tại miền Tây để hướng dẫn và mở rộng diện tích trồng đu đủ GlobalGAP, hướng tới xuất khẩu trái cây này ra nước ngoài. Bà Nga cho biết: “Hiện chính quyền đang vận động thêm các thành viên tham gia tổ hợp tác.  Các hội viên sẽ liên kết, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật sản xuất đu đủ sạch đạt chuẩn. Tổ hợp tác cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích và số lượng người trồng đu đủ sạch tại địa phương, giúp sản phẩm này từng bước xây dựng thương hiệu trên thị trường”.

Bài, ảnh: QUANG VINH

.
.
.