.

Tàu cá có lợi gì khi sử dụng đúng AIS?

Cập nhật: 19:04, 27/08/2018 (GMT+7)

Tỉnh BR-VT có gần 6.000 tàu cá đang hoạt động, hầu hết các tàu hiện nay đều đã gắn thiết bị nhận dạng AIS nhưng ngư dân lại không đăng ký Thông tin với Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (Vishipel). Việc này làm AIS gần như tê liệt các chức năng vốn có của nó.

Thiết bị nhận dạng (AIS) là một hệ thống thông tin an toàn hàng hải hay còn gọi là máy định vị hoặc định vị tích hợp hải đồ. Khi gắn AIS, các tàu cá dễ dàng trao đổi thông tin về tên tàu, số nhận dạng, tọa độ để chủ động xác định vị trí, lựa chọn hướng đi an toàn. Thiết bị AIS còn hỗ trợ cơ quan quản lý giám sát từ xa hải trình tàu. Đây là điều rất hữu ích khi tàu gặp sự cố.

Nhân viên Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu kiểm tra thông tin tàu cá qua phần mềm quản lý tàu.
Nhân viên Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu kiểm tra thông tin tàu cá qua phần mềm quản lý tàu.

Theo ông Võ Quang Nhơn (phường 5, TP. Vũng Tàu), phương tiện đánh bắt xa bờ thường hoạt động ở những khu vực mà các tàu vận tải trong và ngoài nước thường xuyên qua lại. Do vậy, nguy cơ xảy ra va chạm giữa các tàu là rất cao và tàu cá luôn bị thiệt hại nặng nề. Tàu cá không trang bị AIS sẽ khó phát hiện được các tàu xung quanh từ xa mà chỉ quan sát, phát hiện bằng mắt thường, dễ dẫn đến tai nạn.

Hiện nay, đa số các chủ tàu thường tự mua thiết bị AIS và tự cài đặt. Một số người còn nhờ mua AIS từ nước ngoài về và tự cài đặt sử dụng. Do đó nảy sinh tình trạng AIS có, nhưng không có mã nhận dạng MMSI của Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, AIS không phát huy hết tác dụng của nó.

Hầu hết các tàu cá đều trang bị thiết bị AIS nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc quản lý hoạt động và tìm kiếm cứu nạn. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu khu vực kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu). Ảnh: THÀNH HUY
Hầu hết các tàu cá đều trang bị thiết bị AIS nhưng không đăng ký với cơ quan chức năng, gây khó khăn trong việc quản lý hoạt động và tìm kiếm cứu nạn. Trong ảnh: Tàu cá neo đậu tại khu vực kênh Bến Đình (TP.Vũng Tàu). Ảnh: THÀNH HUY

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu cho biết: Đăng ký thông tin thiết bị nhận dạng AIS khá đơn giản, ngư dân chỉ cần mang thiết bị AIS đến trụ sở của Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu (hẻm 259 Lê Hồng Phong, phường 8, TP. Vũng Tàu) để kê khai thông tin (loại tàu cá, công suất tàu, chủ phương tiện…). Sau đó, Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu sẽ gửi nội dung kê khai này cho Công ty Vishipel để được cấp mã nhận dạng MMSI. Các thủ tục này chỉ mất khoảng 1 tiếng đồng hồ và hoàn toàn miễn phí. Thủ tục đăng ký đơn giản nhưng hiện nay chỉ có 10 tàu cá của BR-VT đăng ký thông tin và nhận mã MMSI. 

Theo ông Nguyễn Tất Thành, việc ngư dân tự trang bị thiết bị AIS nhưng không đăng ký nhận mã MMSI đang bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, đáng ngại nhất là việc sử dụng mã số nước ngoài. Bởi tàu của ngư dân sử dụng mã số nước ngoài, khi các lực chức năng theo dõi qua hệ thống quản lý sẽ cho kết quả là tàu nước ngoài. Điều đó khiến việc nhận định, xử lý thông tin về các tàu không đúng, nhất là trong trường hợp trợ giúp cho các tàu cá khi gặp sự cố trên biển. 

Hầu hết các tàu cá hoạt động trên vùng biển BR-VT chưa đăng ký thông tin thiết bị AIS với cơ quan chức năng.
Hầu hết các tàu cá hoạt động trên vùng biển BR-VT chưa đăng ký thông tin thiết bị AIS với cơ quan chức năng.

Theo Trung tâm phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Khu vực III, ngư dân sử dụng AIS không đăng ký và chuyển mã sang Việt Nam, trong trường hợp gặp nạn, các phương tiện khác và lực lượng chức năng rất khó khăn trong việc phối hợp hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn. Các tàu sẽ không nhận được sự hỗ trợ kịp thời, chính xác của các cơ quan chức năng. Ngược lại, nếu tàu được đăng ký mã MMSI theo đúng quy định thì các đơn vị tìm kiếm cứu nạn sẽ biết được cụ thể số hiệu của tàu và vị trí tàu bị nạn để điều động những tàu gần nhất đến hỗ trợ.

Thượng tá Trịnh Thế Ngọc, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, tính đến hết tháng 5-2018, số phương tiện hoạt động nghề cá của tỉnh là 5.914 chiếc. Hầu hết các tàu cá đều trang bị thiết bị nhận dạng AIS nhưng số tàu cá kết nối dữ liệu với Vishipel thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành rà soát, thống kê để vận động, tuyên truyền ngư dân đăng ký mã nhận dạng của Việt Nam.

Ngoài ra, để thuận tiện cho công tác quản lý tàu thuyền, nhận định đúng tình hình và xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trên biển, bảo đảm an toàn, an ninh cho tàu cá hoạt động trên biển, Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu đã yêu cầu các chủ tàu thuyền có sử dụng thiết bị AIS cần kiểm tra mã cài đặt trên thiết bị (mã nhận dạng MMSI của Việt Nam có 9 chữ số, 3 chữ số đầu là 547, 6 chữ số còn lại là do đơn vị có thẩm quyền cấp). Với những tàu đang sử dụng mã nhận dạng nước ngoài, cần thực hiện đăng ký chuyển đổi mã MMSI của Việt Nam tại Đài Thông tin Duyên hải Vũng Tàu. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.