.

Tăng trưởng tín dụng tích cực, kiểm soát tốt nợ xấu

Cập nhật: 19:28, 15/08/2018 (GMT+7)

Thông thường, những tháng cuối năm mới là thời gian trọng điểm kinh doanh của các ngân hàng. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể, có ngân hàng gần đạt kế hoạch của cả năm.

Khách hàng giao dịch tại BIDV Long Sơn, TP. Vũng Tàu.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Long Sơn, TP. Vũng Tàu.

TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG TỐT

Ông Đoàn Văn Tuyến, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Chi nhánh BR-VT cho biết: Từ đầu năm đến nay, kết quả kinh doanh của đơn vị đều rất khả quan trên mọi mặt hoạt động, từ huy động vốn, tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, kinh doanh dịch vụ. Tính đến đầu tháng 8-2018, tổng dư nợ cho vay đạt 4.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Tuyến, đạt được kết quả này là nhờ đơn vị chuyển hướng chiến lược đẩy mạnh dòng vốn cho vay là đối tượng  DNNVV và khách hàng lẻ. Trong 7 tháng đầu năm, dòng vốn tăng trưởng cho đối tượng DNNVV, bán lẻ tăng đến 52%, trong khi dòng vốn cho đối tượng DN lớn và đối tượng khác chỉ tăng 25%. 

Tại Ngân hàng Quốc dân (NCB), bà Đoàn Thị Hà, Giám đốc NCB, Chi nhánh BR-VT cho biết: Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tính dụng của NCB khá tốt, với mức tăng 20%. Hiện nay, 70% vốn của NCB tập trung vào các DNNVV. Ngoài ra, NCB cũng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay mua xe, sửa nhà… đáp ứng nhu cầu cao của đối tượng khách hàng cá nhân.

Một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh như: Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank)… cũng thông báo tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay khá cao, với mức tăng từ 20- 35%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh BR-VT, tính đến cuối tháng 7-2018, tổng dư nợ đầu tư tín dụng cho các thành phần kinh tế đạt 64.230 tỷ đồng, tăng 10,04% so với đầu năm và tăng 1,53% so với tháng trước. Trong đó, dư nợ tín dụng của khách hàng DN đạt 27.400 tỷ đồng với 3.300 DN còn dư nợ tại các ngân hàng, tăng 1,61% so với đầu năm, chiếm 42,66% tổng dư nợ. Trong số này, dư nợ cho vay DNNVV đạt 12.500 tỷ đồng, chiếm 19,46% dư nợ toàn địa bàn, tăng 4,28% so với đầu năm.

CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG ĐƯỢC NÂNG CAO

Theo đánh giá của các ngân hàng, tín hiệu đáng mừng là cùng với tăng trưởng tín dụng tốt, chất lượng tín dụng cũng được nâng lên. Ông Đoàn Văn Tuyến, Giám đốc Vietcombank, Chi nhánh BR-VT cho biết: Dòng vốn tại đơn vị được kiểm soát tốt, hiện nay tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,11% (tương đương 3,8 tỷ đồng trong tổng số dư nợ cho vay 4.600 tỷ đồng). Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN), Chi nhánh BR-VT cũng khẳng định, nợ xấu tiếp tục được các ngân hàng trên địa bàn kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%/năm. Tính đến cuối tháng 7-2018, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống các ngân hàng chỉ ở mức 770 tỷ đồng, chiếm 1,2% trong tổng dư nợ toàn địa bàn. Trong đó, nợ xấu khối DN 380 tỷ đồng, chiếm 1,37% trong tổng dư nợ khối DN.

Mặc dù đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng NHNN vẫn đề nghị các ngân hàng không được chủ quan, lơ là với nợ xấu. Do đó, những tháng cuối năm 2018, NHNN tiếp tục điều hành theo hướng mở rộng tín dụng có hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng, hướng tới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra từ đầu năm là 17%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,7% và lạm phát bình quân khoảng 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Để hoàn thành định hướng này, NHNN tập trung thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng, trong đó hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như kinh doanh bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông), bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho hệ thống tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, đi đôi với an toàn hoạt động…

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.