BR-VT đã có chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bài bản, vững chắc
Chiều 23-8, Đoàn công tác Văn phòng Trung ương Đảng do đồng chí Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm Trưởng đoàn đã làm việc với Tỉnh ủy về kết quả thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau chuyến thăm và làm việc với tỉnh BR-VT vào tháng 6-2016. Các đồng chí: Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan đã tiếp và làm việc với đoàn.
Đồng chí Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau chuyến thăm và làm việc với tỉnh BR-VT, 2 năm qua, tỉnh tiếp tục phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn theo hướng bền vững, khai thác lợi thế tiềm năng thế mạnh của tỉnh ven biển; Chú trọng phát triển kinh tế biển, đánh bắt xa bờ, kết hợp bảo vệ lãnh hải và chủ quyền biển đảo Tổ quốc; Quan tâm đầu tư phát triển Côn Đảo; Tập trung và chú trọng tới việc liên kết vùng; Bảo đảm đầu tư có trọng tâm- trọng điểm, hiệu quả; Tiếp tục kiên trì xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nêu những khó khăn vướng mắc của tỉnh trong thời gian qua. |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 15 KCN với diện tích 8.510ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 47,4%; sản xuất công nghiệp tăng bình quân 8,01%, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có giá trị tăng cao như: Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam với vốn đầu tư 5,4 tỷ USD; Dự án Nhà máy sản xuất PPP và kho hầm chứa LPG của Tập đoàn Hyosung, tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD... Về phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần cảng, toàn tỉnh hiện có 26km cảng biển được quy hoạch và 31/57 cảng đang hoạt động với công suất 121 triệu tấn/năm. Khai thác cảng biển tiếp tục tăng trưởng khá, khối lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 124 triệu tấn, tăng 15%/năm. Hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư khu trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép Hạ với diện tích 800ha để phục vụ cho hệ thống cảng trung chuyển quốc tế của tỉnh.
Tỉnh BR-VT kiến nghị kiến nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt vị trí đổ thải bùn để công tác nạo vét luồng sớm được thi công, bảo đảm độ sâu luồng để tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Trong ảnh: Tàu trọng tải chuẩn bị cập cảng CMIT. |
Về phát triển du lịch, tỉnh đã ban hành Nghị quyết phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2017-2020, định hướng 2030. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 1.015 cơ sở kinh doanh du lịch, trong đó có 4 cơ sở đạt chuẩn 5 sao; 16 cơ sở đạt chuẩn 4 sao... Trong 2 năm, tỉnh đã đón và phục vụ 5 triệu lượt khách, trong đó có 740 ngàn lượt khách quốc tế), doanh thu đạt 3.300 tỷ đồng, tăng bình quân 12%/năm.
Về nông nghiệp, tỉnh đã ban hành đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, quy hoạch dành 5.000ha đất để thu hút DN đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 2 năm qua, tỉnh đã có thêm 8 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 23/45.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Đoàn công tác có những đề xuất với Trung ương xem xét, hỗ trợ tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) như: Sớm nạo vét luồng hàng hải CM-TV; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường cao tốc, đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu, tuyến đường vành đai 4 đoạn trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương để tỉnh đầu tư dự án cầu Phước An, đầu tư phát triển cho Côn Đảo; bố trí vốn đầu tư di dời sân bay Vũng Tàu sang Gò Găng...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau chuyến thăm và làm việc với tỉnh BR-VT vào tháng 6-2016, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, định hướng đã đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, kiên trì thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư một cách chọn lọc, phát triển bền vững, chỉ thu hút đầu tư những dự án công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao và có sức lan tỏa, thân thiện với môi trường. 2 năm gần đây, thu hút FDI tăng mạnh mẽ, năm 2018 đứng thứ 3 về thu hút đầu tư trong cả nước (sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Tỉnh kiên quyết từ chối các DN không bảo đảm về môi trường, sử dụng nhiều lao động nhằm tránh áp lực về hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, chất lượng sống... Đồng thời, BR-VT tiếp tục quan tâm phát triển bền vững, khai thác phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế, thế mạnh về kinh tế biển, đánh bắt xa bờ kết hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Đặc biệt với Côn Đảo, vị trí quan trọng - tiền tiêu của Tổ quốc, cần khai thác, thu hút nguồn lực, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh, gắn phát triển du lịch với giáo dục truyền thống. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh cũng mong muốn Trung ương tạo cho tỉnh một cơ chế đặc thù để BR-VT phát triển, trở thành một tỉnh phát triển năng động, bền vững.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Văn Thạch đánh giá cao sự quyết tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. BR-VT đã có chiến lược phát triển kinh tế- xã hội bài bản, vững chắc. Đồng chí mong muốn BR-VT tiếp tục đổi mới, tạo bước đột phá để nhanh chóng phát triển trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch. Đồng thời cần quan tâm hơn nữa công tác liên kết vùng; Chú trọng khai thác thế mạnh kinh tế biển, nhất là khai thác hải sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc; Tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển theo hướng nhanh nhưng bảo đảm tính bền vững.
Trước đó, buổi sáng cùng ngày, Đoàn công tác Văn phòng Trung ương Đảng đã tới thăm và khảo sát tình hình hoạt động tại cụm cảng CM-TV. Tại buổi làm việc, đại diện các cảng (Cảng container quốc tế Tân cảng Cái Mép (TCIT), Cảng Tân cảng Cái Mép-Thị Vải (TCTT) và Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đã phản ánh với Đoàn công tác về một số khó khăn trong hoạt động hiện nay như: Hệ thống kết nối giao thông đường bộ vào cảng chưa được đầu tư đồng bộ, hiện chỉ có duy nhất tuyến đường QL 51, nên thường xuyên bị ùn tắc vào các ngày, giờ cao điểm dẫn đến các chi phí phát sinh cho DN; Một số hãng tàu thời gian qua từ chối đưa tàu lớn vào khai thác do cảng bị cạn, chưa được duy tu nạo vét. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm xem xét phê duyệt vị trí đổ thải bùn để công tác nạo vét luồng sớm được thi công, bảo đảm độ sâu luồng để tiếp nhận tàu trọng tải lớn: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đường bộ với các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Bố trí các cơ quan chuyên ngành tại cảng như cơ quan kiểm tra về chất lượng, y tế, văn hóa, kiểm dịch động, thực vật, an toàn thực phẩm; Ưu tiên đầu tư trang thiết bị hỗ trợ cho công tác kiểm tra, giám sát thông quan cho khách hàng.
Tin, ảnh: PHAN HÀ - TRÀ NGÂN