Tăng giá thu gom rác để phù hợp với thực tế
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang áp dụng giá thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (sau đây gọi tắt là rác sinh hoạt) theo Quyết định số 21/2004/QĐ-UB tháng 1-2005 của UBND tỉnh. Mức giá này được cho là đã “lạc hậu”, gây nhiều khó khăn cho các địa phương trong việc thu gom và vận chuyển rác. Do đó, yêu cầu đặt ra hiện nay là có một phương án giá mới phù hợp.
Người thu gom rác trong khu dân cư đến bãi tập trung khu phố Thị Vải, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ. |
GIÁ THU GOM RÁC 10 NĂM KHÔNG ĐỔI
Theo thống kê của UBND TP.Bà Rịa, trong năm 2018, tổng lượng rác sinh hoạt phát sinh trên địa bàn TP. Bà Rịa là 81,5 tấn/ngày. Được biết, hiện nay TP. Bà Rịa có 19.666 hộ gia đình đủ điều kiện đăng ký thu gom rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh (có xe rác của Công ty CP Dịch vụ Đô thị Bà Rịa đến thu gom). Tuy nhiên, đến nay mới chỉ 16.300 hộ đăng ký thu gom rác theo phương án này, đạt tỷ lệ 83%.
Theo Công ty CP Dịch vụ Đô thị Bà Rịa, hiện nay, giá thu gom rác tại 3 xã Tân Hưng, Hòa Long, Long Phước đang thu với mức giá chỉ 5.000 đồng/tháng/hộ; giá thu gom và vận chuyển rác tại 8 phường còn lại với mức 10.000 đồng/tháng/hộ. Theo UBND TP. Bà Rịa, mức giá này quá thấp, khiến đơn vị thu gom và vận chuyển gặp nhiều khó khăn vì không đủ kinh phí thu gom và vận chuyển rác ở những tuyến không tập trung đông dân cư.
Nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng gặp khó khăn tương tự. Một số địa phương như TX. Phú Mỹ, TP. Vũng Tàu, huyện Đất Đỏ, huyện Xuyên Mộc… do không kham nổi chi phí đã phải giao cho phường, xã tự tổ chức thu gom và vận chuyển đến các bãi tập trung theo hình thức xã hội hóa. Nghĩa là các đơn vị tự thỏa thuận với chủ nguồn thải về đơn giá thu gom. Theo Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, trước đây, rác sinh hoạt do Công ty Công trình Đô thị TP. Vũng Tàu (nay là Công ty CP Dịch vụ Môi trường và Công trình Đô thị Vũng Tàu) thu gom. Bởi tính theo đơn giá thu gom rác hiện hành (10.000 đồng/hộ) thì ước tính, mỗi tháng thành phố phải hỗ trợ 600 triệu đồng cho việc thu gom rác. Vì vậy, năm 2003, UBND TP. Vũng Tàu có chủ trương xã hội hóa trong công tác thu gom rác theo hình thức người dân đăng ký đổ rác với lực lượng thu gom với mức giá từ 15.000-40.000 đồng/tháng/hộ. Và hiện nay tỷ lệ thu gom rác trên địa bàn TP. Vũng Tàu đạt 93%.
Ông Lê Phước Hiền, Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty CP Dịch vụ Đô thị Tân Thành cho biết: Trước đây công ty nhận thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn toàn TX. Phú Mỹ và chỉ được áp dụng theo đơn giá tối đa mà UBND tỉnh đã ban hành năm 2005. Theo đó, đơn giá thu gom và vận chuyển chỉ 5.000 đồng/tháng/hộ (đối với khu vực nông thôn) và 10.000 đồng/tháng/hộ (đối với khu vực đô thị). Qua hơn 10 năm, đơn giá không thay đổi trong khi chi phí xăng xe, vận chuyển đều tăng lên, công ty gặp rất nhiều khó khăn nên khối lượng thu gom chỉ đạt 20.000 tấn/năm.
Cũng theo ông Lê Phước Hiền, từ năm 2016, TX. Phú Mỹ đã giao lại cho các xã, phường tự tổ chức thu gom theo hình thức xã hội hóa (đơn vị thu gom tự thỏa thuận với chủ nguồn thải) với đơn giá tối đa 20.000 đồng/tháng/hộ. Công ty CP dịch vụ Đô thị Tân Thành chỉ thu gom và vận chuyển rác từ các bãi tập trung của các xã đến Công ty TNHH Kbec Vina. Nhưng theo các phường, xã trên địa bàn TX. Phú Mỹ, với đơn giá tối đa mà các đơn vị phường, xã trên địa bàn TX. Phú Mỹ hiện nay vẫn còn rất thấp trong khi đó cung đường vận chuyển từ các nhà dân đến bãi trung chuyển rất xa.
Tại huyện Xuyên Mộc, việc kêu gọi xã hội hóa trong thu gom vận chuyển rác cũng gặp khó khăn do giá thu gom rác/hộ/tháng thấp nên hiện nay tỷ lệ thu gom của huyện Xuyên Mộc thấp nhất trong tỉnh (chỉ đạt 60%). Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Xuyên Mộc, tỷ lệ hộ dân đăng ký thu gom đạt thấp có 2 nguyên nhân chính: Nguyên nhân đầu tiên là do thói quen của nhiều hộ dân có đất rộng nên thường đào hố để chôn rác hoặc tự đốt trong vườn. Nguyên nhân thứ 2 là do đơn giá thấp nên các đơn vị thu gom không đầu tư phương tiện và nhân lực để thu gom ở những khu vực không tập trung đông dân cư.
XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN GIÁ MỚI
Ông Phạm Đức Quý, Trưởng Phòng Kinh tế và vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng) cho biết, mức phí thu gom rác đối với hộ gia đình được quy định từ năm 2005 không phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, hiện nay, đa phần các địa phương chuyển sang hình thức xã hội hóa thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt, người thu gom rác đã tự thỏa thuận với chủ nguồn thải để nâng mức phí thu gom rác. Điều này tạo nên sự thiếu thống nhất về mức giá thu gom rác ngay trên cùng một địa bàn. Một số địa phương (TP. Bà Rịa, huyện Long Điền, huyện Châu Đức và huyện Côn Đảo) vẫn áp dụng mức phí theo Quyết định số 21/2004/QĐ-UB tháng 1-2005 của UBND tỉnh. Do đó, với đơn giá này, lệ phí thu không đủ bù chi nên các địa phương phải nhờ sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền địa phương để sửa chữa, mua sắm xe máy thu gom rác thải...
Cũng theo ông Quý, đơn giá trên cũng không phù hợp với Luật phí và Lệ phí năm 2015. Do đó, việc tính toán và xây dựng phương án giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo lộ trình từ năm 2018-2022 là điều cần thiết, nhằm tính đúng, tính đủ các chi phí để hàng năm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước; đồng thời tăng giá theo lộ trình trong điều kiện người dân có thể chấp nhận được và đơn vị đứng ra tổ chức thu gom, vận chuyển cũng không quá chật vật. Ngày 5-2-2018, Sở Xây dựng đã có văn bản yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã lập phương án giá tối đa thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại từng địa phương. Theo đó, phương án giá của từng địa phương phải dựa trên một số quy trình: Lượng rác, quy trình vận chuyển, thu gom, đặc điểm của từng địa phương và so sánh với các địa phương lân cận. Sau khi các địa phương gửi phương án giá, Sở Xây dựng sẽ tổng hợp và gửi cho Sở Tài chính xem xét. Sau khi Sở Tài chính cho ý kiến, Sở Xây dựng hoàn chỉnh và trình UBND tỉnh phương án giá thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Theo anh Phạm Chính Hoài (280A/12 đường 27-4, phường Phước Hưng, TP. Bà Rịa), lâu nay gia đình anh phải đóng tiền thu gom rác là 10.000 đồng/tháng. Như vậy, mỗi năm anh chỉ mất 120.000 đồng chi phí cho đơn vị thu gom, vận chuyển rác. Nếu nhà nước áp dụng đơn giá mới, tối đa là 25.000 đồng/tháng đối với các hộ gia đình trong khu vực đô thị thì vẫn có thể chấp nhận được. “Trung bình mỗi ngày gia đình tôi thải ra khoảng 3-5kg rác thải sinh hoạt. Với đơn giá 10.000 đồng/tháng tôi nghĩ là khá thấp. Bây giờ xăng xe, vật tư, công vận chuyển... đều tăng thì việc điều chỉnh giá thu gom, vận chuyển rác tăng thêm tối đa là 15.000 đồng/tháng vì mục tiêu bảo vệ môi trường, tôi sẽ ủng hộ”, anh Hoài nói.
Theo đề xuất của các huyện, thành phố, thị xã năm 2018, đơn giá tối đa thu gom vận chuyển rác đối với 1 hộ gia đình là 25.000-50.000 đồng/tháng/hộ căn cứ vào Luật phí và Lệ phí năm 2015, căn cứ theo trượt giá, lạm phát qua các năm và dựa vào thực tế từng địa phương. Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán khác tính gấp 2 lần giá thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, trung bình số lượng cán bộ, nhân viên của đơn vị khoảng 15-16 người, do đó đề nghị tính gấp 4 lần mức giá thu gom, vận chuyển của hộ gia đình đô thị... Đối với các năm tiếp theo từ 2019 đến 2021, các địa phương đề xuất tạm tính chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của các năm tăng 5% theo dự báo lạm phát. Đồng thời phí thu gom, vận chuyển rác của các hộ gia đình, phòng trọ, các hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp được tính phí tăng đều 20% để đảm bảo đến năm 2021 nhà nước không phải bù lỗ. |
Bài, ảnh: QUANG VŨ