Tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi gian lận thương mại
Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao trước việc hệ thống cửa hàng Con Cưng của Công ty CP Con Cưng (TP.Hồ Chí Minh, chuyên cung cấp các sản phẩm dành cho mẹ bầu và bé) bị khách hàng “tố” bán sản phẩm mập mờ nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Từ vụ việc này, cơ quan chức năng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi gian lận thương mại.
Khách hàng chọn mua quần áo tại cửa hàng Con Cưng ở TP.Vũng Tàu.
|
KHÁCH HÀNG LO LẮNG
Sau khi hệ thống cửa hàng Con Cưng tại TP.Hồ Chí Minh bị người tiêu dùng “tố” bán sản phẩm mập mờ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra hệ thống cửa hàng này và phát hiện một số dấu hiệu vi phạm, khi nhiều mặt hàng bày bán tại đây không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan chức năng TP.Hồ Chí Minh đã tạm giữ hơn 5.000 sản phẩm của hệ thống cửa hàng Con Cưng để xác minh làm rõ.
Tại BR-VT, thương hiệu Con Cưng có 4 cửa hàng. Ghi nhận tại các cửa hàng Con Cưng ở BR-VT cho thấy vẫn hoạt động bình thường. Khách hàng đến mua sắm chủ yếu chọn mua quần áo, tã lót và một số vật dụng dành cho trẻ.
Chị V.A (ngụ tại chung cư Bình An, TP.Vũng Tàu) cho biết: “Mấy năm nay, tôi thường mua quần áo, bỉm cho con tại hệ thống cửa hàng Con Cưng. Qua báo chí, tôi được biết hệ thống cửa hàng này bị khách hàng ở TP.Hồ Chí Minh “tố” giả nhãn mác sản phẩm, bán hàng không rõ nguồn gốc. Cũng như nhiều khách hàng khác, tôi đang lo lắng không biết chất lượng những sản phẩm mà mình mua ở cửa hàng này có bảo đảm hay không. Vì vậy, tôi mong cơ quan chức năng sớm có kết luận để người tiêu dùng yên tâm, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý để không xảy ra trường hợp tương tự”.
Về vụ việc nêu trên, ông Lê Quang Hải, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh cho biết: “Cục QLTT-Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo Chi cục QLTT các tỉnh, thành trong cả nước tiến hành rà soát, nắm tình hình hoạt động của hệ thống cửa hàng Con Cưng trên địa bàn. Qua rà soát các cửa hàng Con Cưng trên địa bàn tỉnh BR-VT, Chi cục QLTT tỉnh chưa phát hiện sai phạm”.
TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, XỬ LÝ
Theo báo cáo của Chi cục QLTT tỉnh, từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã phát hiện 3 vụ kinh doanh phụ tùng xe giả nhãn hiệu Honda (thu giữ 327 sản phẩm phụ tùng giả nhãn hiệu Honda) và 4 vụ kinh doanh rượu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu MenVodka đã được bảo hộ. Ngoài ra, thời gian qua, lực lượng QLTT còn phát hiện nhiều vụ gian lận thương mại khác. Chẳng hạn, ngày 15-1-2018, Đội QLTT số 2 đã tiến hành kiểm tra đột xuất một cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên đường Lý Tự Trọng (TP.Vũng Tàu), phát hiện cửa hàng này bày bán 242 sản phẩm mỹ phẩm có nhãn hàng hóa bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định. Chủ cửa hàng cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hợp pháp của số mỹ phẩm nêu trên. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính chủ cửa hàng số tiền 70 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số mỹ phẩm nói trên để tiêu hủy. Một vụ việc khác, ngày 19-1-2018, Đội QLTT số 2 phát hiện 7 bao hạt đậu phộng và hạt mè chỉ có nhãn bằng tiếng nước ngoài tại một cửa hàng kinh doanh hàng khô trên đường Hoàng Văn Thụ (TP.Vũng Tàu). Chủ cửa hàng này cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đội QLTT số 2 đã xử phạt vi phạm hành chính chủ cửa hàng số tiền 4 triệu đồng.
Theo phản ánh của cơ quan QLTT, mặc dù các cơ quan chức năng đã mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm, nhưng khung xử phạt vẫn còn nhẹ nên chưa đủ sức răn đe đối với người buôn bán kinh doanh hàng gian, hàng giả. Vì lợi nhuận, nhiều DN làm ăn bất chính vẫn tìm mọi cách để tung hàng giả, hàng kém chất lượng ra thị trường. Để hạn chế hàng giả, hàng nhái, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra của cơ quan chức năng, các DN làm ăn chân chính cũng cần kiểm tra, giám sát lượng hàng hóa tiêu thụ do DN sản xuất, cung ứng ra thị trường để tránh bị lợi dụng làm giả, làm nhái. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm soát giá cả hàng hóa, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đo lường hàng hóa (cân, đo, đóng gói) và các quy định ghi nhãn hàng hóa để phát hiện các thủ đoạn gian lận về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên kiểm tra kỹ thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm trước khi quyết định mua để tránh mua nhầm hàng nhái, hàng giả”, ông Lê Quang Hải nói.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU