Bao giờ có hồi kết cho các dự án chậm triển khai?
Thời gian qua, tỉnh đã rà soát, đánh giá và mạnh tay xử lý các dự án chậm triển khai, loại bỏ các chủ đầu tư không có năng lực tài chính và khả năng tiếp tục thực hiện dự án. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn 93 dự án chậm triển khai, gây bức xúc đối với người dân.
Nhiều dự án chậm triển khai thuộc lĩnh vực du lịch. Trong ảnh: Dự án Trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế Dragon Sea - Vũng Tàu chậm triển khai. |
93 DỰ ÁN Ì ẠCH ĐANG “TREO” 8,5 NGÀN HA ĐẤT
Tổng diện tích đất của 93 dự án thuộc diện triển khai chậm lên tới 8.500ha. Đáng chú ý, trong số này có tới 1/3 dự án thuộc về lĩnh vực du lịch, chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng ven biển. Đơn cử như tại huyện Xuyên Mộc, dọc theo chiều dài 32km đường bờ biển giáp ranh huyện Ðất Ðỏ đến hết xã Bình Châu có hơn 60 dự án, nhưng chỉ có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào kinh doanh, 15 dự án hoàn thành một phần; còn lại là các dự án đang làm thủ tục đất đai, lập quy hoạch 1/500 hoặc xây dựng dở dang rồi để đó.
DN không đủ tiềm lực tài chính thực hiện dự án, công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nói trên. Ngoài chuyện lãng phí tài nguyên đất, các dự án chậm triển khai kéo theo nhiều hệ lụy khác. Theo ông Lê Hà Hải, Phó Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ, người dân có đất thuộc các dự án chậm triển khai rất bức xúc vì cuộc sống và quyền lợi của họ bị ảnh hưởng trực tiếp. Không những vậy, việc quản lý xây dựng trái phép ở những dự án này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh BR-VT đã chấm dứt hoạt động 13 dự án đầu tư, nguyên nhân là do các nhà đầu tư không tiếp tục triển khai dự án hoặc triển khai quá chậm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã cho rà soát nhiều dự án cảng biển, du lịch. Qua đó, các ngành, đơn vị có liên quan đã tổ chức làm việc với 11 nhà đầu tư dự án du lịch, đề xuất UBND tỉnh xem xét giãn tiến độ đầu tư 4 dự án du lịch. Như vậy, tính từ năm 2014 đến nay, BR-VT đã chấm dứt hoạt động 123 dự án, cho giãn tiến độ đối với 54 dự án.
Ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, sau khi chấm dứt hoạt động các dự án, đối với các dự án ngoài bên ngoài KCN, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan đã rà soát quy hoạch xây dựng sử dụng đất và nghiên cứu đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án. Với các dự án giãn tiến độ, nhà đầu tư phải ký quỹ (91 tỷ đồng).
Dự án Trung tâm phố thương mại - chợ Suối Nghệ (huyện Châu Đức) được tỉnh thu hồi chủ trương đầu tư và định hướng quy hoạch khu dân cư. |
TIẾP TỤC RÀ SOÁT, LOẠI BỎ NHÀ ĐẦU TƯ THIẾU NĂNG LỰC
Những con số thống kê trên cho thấy, thời gian qua tỉnh BR-VT đã rất quyết liệt trong việc “trảm” các dự án chậm triển khai. Qua đó tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực tài chính và quan tâm đến đầu tư tại tỉnh. Hiện nay, tỉnh cũng đang chỉ đạo tích cực tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khẩn trương xử lý dự án chậm triển khai, tạo sự thông thoáng thúc đẩy phát triển. Về phương hướng xử lý các dự án chậm triển khai trong 6 tháng cuối năm 2018, ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng, cần tiếp tục đối thoại, làm việc với các nhà đầu tư có dự án chậm triển khai để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Các sở, ngành địa phương phối hợp rà soát các dự án đã có thanh tra, kiểm tra để xác định cụ thể trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc triển khai dự án và xử lý theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và các Nghị định liên quan. Đồng thời rà soát tình hình sử dụng đất của các dự án đã được Nhà nước cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng để có biện pháp xử lý kịp thời; đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong vùng dự án… Với những nhà đầu tư có năng lực, cần hỗ trợ tối đa trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để có đất sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, tỉnh vừa thành lập Ban điều hành thực hiện phương án xử lý các dự án chậm triển khai để sắp xếp các dự án phải thu hồi và dự án được giãn tiến độ thực hiện. Tỉnh kiên quyết không cho phép giãn tiến độ đối với các dự án mà nhà đầu tư không chứng minh được khả năng triển khai. Với các dự án gia hạn, nhà đầu tư buộc phải ký quỹ đầu tư và cam kết tiến độ hoàn thành dự án. Sau thời gian gia hạn 24 tháng, nếu nhà đầu tư không triển khai thì sẽ bị thu hồi. Đối với các khu đất sau thu hồi dự án, Sở Xây dựng, Sở TN-MT rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất để điều chỉnh cho phù hợp và thông báo đến người dân trong vùng dự án biết.
Trong 6 tháng đầu năm, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN-MT) đã chỉ đạo các địa phương kiểm tra xử lý đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, gây lãng phí đất đai. Trong đó, đáng chú ý có một số tỉnh, thành như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, BR-VT... đã bị xử lý gần 700 dự án với diện tích trên 7.000ha. Để tránh lãng phí, Bộ TN-MT cũng đang tập trung sửa luật, Nghị định để tiến tới ban hành cơ chế thí điểm giao đất, cho thuê đất đối với các phần đất nhỏ hẹp cho các chủ sử dụng đất; trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 ở tất cả các tỉnh, thành phố. Qua đó đôn đốc các địa phương giải quyết tình trạng lãng phí đất, chậm đưa đất vào sử dụng. |
Bài, ảnh: BÌNH AN