.

Nông nghiệp công nghệ cao thu hút doanh nghiệp

Cập nhật: 19:00, 05/04/2018 (GMT+7)

Thời gian gần đây, một số DN sau khi cổ phần hóa (CPH) đã mạnh dạn đa dạng hóa các lĩnh vực hoạt động, trong đó đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) được quan tâm hàng đầu. Điều này cho thấy NNUDCNC đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với DN. 

Kiểm tra chất lượng cây giống trong phòng thí nghiệm cấy mô, nhân giống các loại cây trồng của Công ty UDEC.
Kiểm tra chất lượng cây giống trong phòng thí nghiệm cấy mô, nhân giống các loại cây trồng của Công ty UDEC.

DN RÓT TIỀN SẢN XUẤT NNUDCNC

Theo ngành NN-PTNT, triển khai chủ trương thu hút đầu tư vào NNUDCNC, thời gian qua, đã có nhiều DN chuyên sản xuất nông nghiệp liên hệ tìm hiểu thông tin và đầu tư. Chẳng hạn, Công ty CP Cao su Thống Nhất đang có kế hoạch chuyển đổi 73ha đất trồng cao su không hiệu quả tại nông trường Phong Phú để trồng chuối, khoai lang… theo mô hình NNUDCNC. Bên cạnh đó, một số đơn vị, DN ngoài ngành cũng quan tâm đến lĩnh vực này. Từ giữa năm 2017, Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị BR-VT (UDEC) đã lấy ý kiến cổ đông để bổ sung thêm lĩnh vực kinh doanh là nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan. Do chưa tìm được quỹ đất nên công ty đang mượn 2ha đất thuộc quy hoạch sân vận động của huyện Châu Đức để đầu tư khu thí nghiệm cấy mô, nhân giống cây trồng (Ufarm). Đến nay, UDEC đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng vào Ufarm tại Châu Đức để xây dựng phòng thí nghiệm cấy mô, nhân giống các loại cây trồng như: Lan, nấm... Hiện phòng thí nghiệm đang nhân giống các loại lan quý trên thế giới phục vụ nhu cầu trong tỉnh và khu vực, hơn 1 tháng nữa sẽ xuất bán ra thị trường.

Tính đến nay, ngoài 23 tổ chức, DN, cá nhân đã và đang đầu tư sản xuất NNUDCNC trên diện tích 664,5ha, còn có thêm 26 DN đang xin đầu tư các dự án NNUDCNC với diện tích 3.454ha, với tổng mức đầu tư hơn 1.913 tỷ đồng. Các dự án tập trung vào trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp có giá trị cao như: Bưởi da xanh, cam sành, sầu riêng, nhãn, bơ, dưa lưới, hồ tiêu, một số loại rau củ quả và nuôi trồng thủy hải sản.

TẠO ĐIỀU KIỆN TỐI ĐA ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ

Muốn thu hút đầu tư, phát triển NNUDCNC, chính sách hỗ trợ về vốn và đất đai là những yếu tố hàng đầu. Thời gian qua, để tạo nguồn đất sạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và thống nhất chủ trương chuyển 1.033ha đất cao su tại huyện Châu Đức về cho tỉnh quản lý để kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu các dự án NNUDCNC.

Ngoài việc hỗ trợ nguồn đất sạch, thời gian qua các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Chính phủ đã tạo điều kiện cho các DN, cơ sở có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư chuyển đổi sản xuất, góp phần vào phát triển nền nông nghiệp của tỉnh. Thống kê của Chi nhánh NHNN tỉnh cho biết, tính đến hết quý I-2018, doanh số giải ngân tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 14.700 tỷ đồng, tăng 6,52% so với đầu năm, chiếm 24,60% tổng dư nợ toàn địa bàn. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp được ban hành như hỗ trợ về lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VND thấp hơn so với mức lãi suất cho vay thông thường. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp NNUDCNC ở mức 6-6,5%/năm;  trong khi đó đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường ngắn hạn ở mức 7-11%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn bằng VND đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 8-10%/năm; trong khi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh phổ biến ở mức 9-21%/năm. 

Bài, ảnh: PHAN HÀ

.
.
.